Gánh nặng xã hội từ viêm gan siêu vi C

29/05/2011 22:10 GMT+7

Trong tháng 4 vừa qua, có hơn 1.600 lượt người khám và điều trị viêm gan siêu vi C (HCV) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong số đó có những bệnh nhân đã điều trị nhiều năm, có bệnh nhân nghèo điều trị ngắt quãng dẫn tới bệnh ngày một nặng hơn. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân sống chung với bệnh nhiều năm liền vẫn không biết mình đã mắc bệnh.

Không biết vì sao nhiễm bệnh

Sáng ngày 24.5, tại khu Khám và điều trị viêm gan của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bà Dương Thị Lành (58 tuổi), đến phòng khám với sắc mặt đầy lo lắng vì không biết tại sao lại nhiễm bệnh. BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa nội E Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hỏi kỹ: “Từ trước tới nay bà có truyền máu bao giờ không?”. Bà nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, cơ thể suy nhược nên đã được truyền máu. Hơn 20 năm nay bà đã bị nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi C mà không hề biết. Trường hợp của bà Lành là một trong số nhiều người ở Việt Nam mắc bệnh viêm gan siêu vi C nhưng không biết mình mắc bệnh.


Bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi C ngày càng tăng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 170 triệu người mang mầm bệnh, 3-4 triệu ca mới mỗi năm. Tại Việt Nam, GS-BS Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan mật TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Gan mật Sài Gòn cho biết: trên 5% dân số (khoảng 4,5 triệu người) đang mang siêu vi C trong cơ thể và con số này còn đang có khuynh hướng gia tăng, trong số ấy có khoảng 30% người bệnh đã tiến triển lâu dài dẫn đến xơ gan. Xơ gan là điều kiện cần thiết để gây ra ung thư gan cho người bị nhiễm siêu vi C. Có khoảng 3% người xơ gan không triệu chứng tiến triển sang ung thư gan mỗi năm.

GS-BS Phiệt cũng cho hay, số người được phát hiện viêm gan siêu vi C ở Việt Nam đang ngày càng tăng, lên đến 2 triệu người, trong đó có 4% tử vong vì viêm gan siêu vi C. Điều này một phần do phương tiện y khoa tầm soát, ý thức cao về khám sức khỏe của người dân, bên cạnh đó còn do người bệnh chưa được điều trị thích đáng và nhận biết về bệnh này chưa rộng rãi. Hiện nay, viêm gan siêu vi C chưa có thuốc tiêm phòng, đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân nhiễm bệnh càng cao.

Điều trị tối ưu

Thực trạng xã hội hiện nay cho thấy, nhận thức của người dân về viêm gan siêu vi C chưa cao. Mặc dù nhiều người biết đây là căn bệnh nguy hiểm gây ra xơ gan và ung thư gan nhưng vẫn chủ quan trong chăm sóc sức khỏe. Có người được phát hiện bệnh rất trễ do người bệnh không có dấu hiệu bất thường rõ ràng. Có hai mức chi phí điều trị: Nếu bệnh nhân ít tiền sẽ dùng thuốc đặc trị cũ (khoảng 60 triệu đồng/năm), tiêm 3 mũi/tuần (thuốc không giữ trong cơ thể lâu). Bệnh nhân có điều kiện về kinh tế sẽ sử dụng loại thuốc đặc trị mới - hay còn gọi là “điều trị tối ưu” (hơn 200 triệu đồng/năm) theo công thức chuẩn của thế giới, vừa uống vừa tiêm. Thuốc mới chỉ tiêm một mũi/tuần nhưng đem lại hiệu quả điều trị cao.

Tuy nhiên, không phải ai chữa cũng hết bệnh, trong 2 người bệnh viêm gan siêu vi C chỉ một người điều trị hoàn toàn hết bệnh. Nhiều bệnh nhân có thu nhập thấp, không đủ khả năng tiếp cận “điều trị tối ưu” nên thường điều trị ngắt quãng. Thêm vào đó thuốc còn có tác dụng phụ (10-15% bệnh nhân bị phản ứng thuốc), nên người bệnh càng dễ nản trong điều trị đến cùng.

Cũng theo GS-BS Phiệt, nước ta có tỷ lệ người viêm gan siêu vi C tiềm ẩn và cao trong dân, trong việc tầm soát bệnh chung, nên có thêm tầm soát viêm gan siêu vi C để được theo dõi và điều trị sớm. Bệnh viêm gan siêu vi C đến nay chưa có thuốc phòng. Vì vậy, trong chương trình tuyên truyền phòng bệnh quốc gia, nhà nước nên lồng ghép các chương trình phòng chống viêm gan siêu vi C, viêm gan siêu vi B và HIV với nhau vì các bệnh này đều lây truyền qua những con đường giống nhau.

Mai Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.