Dùng nghệ đen hay nghệ vàng?

01/08/2010 14:48 GMT+7

Là gia vị thường dùng và đều là vị thuốc chữa bệnh nhưng nghệ vàng và nghệ đen có những tác dụng khác nhau, cần phải biết để sử dụng có hiệu quả

Nghệ vàng (ảnh) từ lâu được Đông y dùng làm thuốc lợi mật, chữa viêm gan, vàng da, sỏi mật, viêm túi mật, đau dạ dày, huyết ứ sau khi sinh và làm hạ cholesterol máu, chữa chảy máu cam, nôn ra máu... Củ nghệ vàng còn có tên gọi khác là khương hoàng, vị cay đắng, tính bình; có tác dụng hành khí, hoạt huyết, làm tan máu, tan ứ và giảm đau. Củ con của cây nghệ vàng vị cay ngọt, tính mát, làm mát máu, an thần, tan máu ứ, giảm đau.

Sách Đông y bảo giám cho rằng nghệ vàng có tác dụng phá huyết, hành khí, thông kinh, chỉ thống (giảm đau), chủ trị bụng trướng đầy, cánh tay đau, bế kinh, sau sinh đau bụng do ứ trệ, vấp ngã, chấn thương, ung thũng... Nhật hoa tử bản thảo cho nghệ vàng có tác dụng trị huyết cục, nhọt, sưng, thông kinh nguyệt, vấp ngã máu ứ, tiêu sưng độc, tiêu cơm...
 
Trong Nam dược thần hiệu, một số phương thuốc dùng nghệ vàng được ghi nhận như phòng và chữa các bệnh sau sinh (dùng một củ nghệ nướng, nhai ăn); chữa lên cơn hen, đờm kéo lên tắc nghẹn cổ, khó thở (nghệ 100 g, giã nát, hòa với đồng tiện, vắt lấy nước cốt uống); chữa trẻ em đái ra máu hay bệnh lậu đái gắt (xắt nghệ và hành, uống); trị chứng điên cuồng, tức bực, lo sợ (nghệ khô 250 g, phèn chua 100 g tán nhỏ, viên với hồ bằng hạt đậu, uống mỗi lần 50 viên với nước chín, ngày uống 2 lần)...

Nghệ đen còn gọi là nghệ xanh, nghệ tím, Đông y gọi là nga truật. Hình dạng cây rất giống nghệ vàng, chỉ khác là lá ở gân chính có màu tím đậm chứ không xanh như ở lá nghệ vàng. Củ có chứa nhiều tinh dầu. Người ta đào lấy củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, xắt lát, phơi khô, khi dùng thì tẩm giấm, sao vàng.
 
Theo y học cổ truyền, nghệ đen có vị đắng, cay, mùi thơm hăng, tính ấm, tác dụng hành khí, thông huyết, tiêu thực, mạnh tì vị, kích thích tiêu hóa, tiêu viêm, tiêu xơ. Nghệ đen thường được dùng để hỗ trợ chữa ung thư cổ tử cung và âm hộ, ung thư da (dùng dạng tinh dầu nguyên chất bôi tại chỗ mỗi ngày một lần); đau bụng kinh, bế kinh, kinh không đều; ăn không tiêu, đầy bụng, nôn mửa nước chua; chữa các vết thâm tím trên da.
 
Công năng dược tính như vậy thì nghệ đen không thể thay thế nghệ vàng được, tùy từng trường hợp có thể dùng riêng hay phối hợp hai loại với nhau để tăng tác dụng.
 
Theo kinh nghiệm chữa trị của chúng tôi, nếu muốn dùng nghệ để chữa đau dạ dày, bạn nên dùng nghệ vàng, bằng cách lấy củ tươi hấp chín, xắt mỏng, phơi khô rồi tán mịn thành bột, uống hoặc làm thành viên với mật ong hoặc sắc nước uống mỗi ngày từ 2 – 6 g, chia làm 2 – 3 lần/ngày.

Những bài thuốc tốt có nghệ đen

- Chữa chứng huyết ứ hoặc hành kinh không thông, có nhiều huyết khối, bế kinh, máu ra kéo dài, đen, đông thành khối nhỏ. Người bệnh thường kèm theo đau bụng trước khi thấy kinh: Nghệ đen và ích mẫu 15 g mỗi loại, sắc uống mỗi ngày một thang.

- Chữa chứng nôn ở trẻ đang bú: Nghệ đen 4 g, muối ăn 3 hạt, đun với sữa cho sôi chừng 5 phút, hòa tan tí chút ngưu hoàng bằng hạt gạo, chia uống nhiều lần trong ngày.

- Chữa cam tích, trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, đại tiện phân thối khẳn: Nghệ đen 6 g, hạt muồng trâu 4 g, sắc uống mỗi ngày một thang.

- Nghệ đen hoàn: Nghệ đen 160 g, cốc nha 20 g, khiên ngưu 40 g, hạt cau 40 g, đăng tâm 16 g, nam mộc hương 16 g, thanh bì 20 g, thanh mộc hương 20 g, củ gấu 160 g, tam lăng 160 g, đinh hương 16 g.

Tất cả tán thành bột mịn, hoàn viên. Ngày uống 8 đến 12 g với nước xắt gừng nướng chín. Chữa chứng ăn kém, chậm tiêu, đầy hơi, mệt mỏi, lạnh bụng, đại tiện phân sống.

- Nghệ đen tán: Nghệ đen, bạch chỉ, hồi hương, cam thảo, đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung, mỗi loại 40 g tán bột, hoàn viên. Uống 8 g đến 12 g/ngày. Tác dụng: Bổ khí, dưỡng huyết, trị bệnh về khí huyết.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.