Đề phòng ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết như thế nào?

01/02/2005 23:02 GMT+7

Ăn uống như thế nào để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết là vấn đề được nhiều người quan tâm. Phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với thạc sĩ Đào Mỹ Thanh - Trưởng khoa Vệ sinh thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này. Thạc sĩ Thanh cho biết:

- Trong những ngày Tết, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn và các loại thức uống được mọi người sử dụng nhiều nhất. Do thị trường có nhiều nguồn cung cấp thực phẩm, cho nên phải chọn mua loại thực phẩm tươi sống (kể cả các loại rau xanh) ở nơi đáng tin cậy, rõ nguồn gốc như các siêu thị, chợ. Thực phẩm tươi sống ở những nơi này phải có được sự kiểm soát về chất lượng và vệ sinh của các ban quản lý, các cơ quan chức năng: y tế, thú y, bảo vệ thực vật. Không nên mua thực phẩm bán rong, các loại thịt xay sẵn, các loại quả đã gọt vỏ ngâm sẵn; thực phẩm bày bán ở những nơi mất vệ sinh như cạnh bãi rác, cống rãnh ô nhiễm môi trường, công trường xây dựng, chuồng trại chăn nuôi... Thực phẩm sau khi được đun chín, nấu sôi phải ăn ngay, nếu thức ăn chín để quá 2 giờ thì trước khi ăn phải đun lại, thức ăn không sử dụng hết phải bảo quản lạnh. Đối với thực phẩm chế biến sẵn và các loại nước uống thì chọn mua những loại có bao gói tốt, có địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng. Tránh mua các loại thực phẩm chế biến sẵn bày bán trôi nổi, không nhãn mác, không có bao bì, kém vệ sinh hoặc có bao bì nhưng bị nứt bể, móp méo, phồng rộp... Để bảo quản tốt, nên đọc kỹ phần hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì.

* Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm thì xử trí ra sao?

- Thạc sĩ Đào Mỹ Thanh: Trước hết cần phải bình tĩnh nhận định có phải là bị ngộ độc thực phẩm hay không thông qua các triệu chứng xảy ra sau khi ăn uống như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê môi, tiêu chảy... Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà như chọc ói hết thức ăn (nếu buồn nôn), uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 muỗng muối/chén nước; đi tiêu tự nhiên (nếu bị đau bụng không quá 3 lần), xoa dầu ổ bụng, không được uống thuốc cầm tiêu chảy. Bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi số cấp cứu 115, lưu mẫu bệnh phẩm (phân, dịch ói), mẫu thức ăn, thức uống để cơ quan chuyên môn xét nghiệm tìm độc tố gây ngộ độc...

Bùi Chiến
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.