Để kiểm soát bệnh động kinh

03/12/2011 10:11 GMT+7

Khoảng 2% dân số nước ta mắc bệnh động kinh, trong đó 80% là trẻ em. Việc chẩn đoán cũng như điều trị khá phức tạp bởi bệnh có những biến chứng, di hại nặng nề về thể chất, tinh thần.

Khoảng 2% dân số nước ta mắc bệnh động kinh, trong đó 80% là trẻ em. Việc chẩn đoán cũng như điều trị khá phức tạp bởi bệnh có những biến chứng, di hại nặng nề về thể chất, tinh thần.

Bỗng dưng co giật

Khi đang vui đùa cùng bạn bè trong giờ ra chơi, Nguyễn Văn L. (9 tuổi, ở quận 7, TPHCM) bỗng dưng ngã xuống đất, hai mắt trợn ngược, sau đó chân tay co giật rồi ngất đi. Hai phút sau tỉnh lại, cậu bé gần như không biết điều gì vừa xảy ra với mình. L. mắc chứng động kinh. Đây không phải là lần đầu tiên L. bỗng dưng co giật ngay tại trường. Mẹ của L. cho biết, trước đó em lên cơn 2-3 lần như vậy.

Năm lên 15 tuổi, Hồ Thị H., ở quận Thủ Đức cũng có những biểu hiện co giật bất ngờ rồi mất ý thức. Bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 chẩn đoán H. mắc bệnh động kinh, phải uống thuốc 3 năm nay. Tuy nhiên, mẹ H. cho biết, thỉnh thoảng những cơn động kinh của H. vẫn xuất hiện, bất kể giờ giấc, địa điểm.

Theo BSCKI Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại thần kinh - BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, một nguyên nhân gây ra động kinh do vi khuẩn; Độc tố của vi khuẩn và các độc tố khác có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân hoặc não. Ngoài ra, do thương tổn ở não khi bị chấn thương, can thiệp sản khoa, ngạt ở trẻ mới sinh, u não... Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ Lê Quốc Nam, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết: “Nam và nữ mọi lứa tuổi đều có thể bị động kinh, nhưng bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra tỷ lệ mắc bệnh của thế giới là 0,5 - 1,5% dân số. Việt Nam có khoảng 2% dân số mắc bệnh, trong đó 80% là trẻ em”, bác sĩ Nam nói.


Nhiều người mắc động kinh sau khi bị tai tạn chấn thương não - Ảnh: L.N

Các dạng bệnh điển hình

Bác sĩ Lê Đức Định Miên cho biết, động kinh có hai dạng chính. Một là cơn động kinh toàn thể, trong đó sự phóng điện bất bình thường của các nơron thần kinh nằm trên một diện tích ít hay nhiều của vỏ não. Cơn động kinh bắt đầu bằng một sự mất tri giác tức thời kéo dài vài phút, bệnh nhân ngã đột ngột, tăng tiết nước bọt và có sự rung giật ở các chi. Dạng khác là những cơn động kinh cục bộ, có triệu chứng tương ứng với vùng bị ảnh hưởng như: rối loạn thị giác, có ảo giác, những cử động không tự ý, vắng ý thức kéo dài vài phút (đối với một số bệnh nhân)…

Theo bác sĩ Nam, động kinh có thể gây ra những rối loạn về khí sắc như cảm giác buồn rầu, bất mãn và ý thức hoang tưởng, ảo giác... Ngoài ra, khi bị động kinh, người bệnh có tư duy hỗn độn, cục cằn, dễ kích động và phản ứng mạnh, ác độc dù với lý do nhỏ nhất. Họ không biết mình vô lý mà chỉ đổ lỗi cho người khác, trí nhớ của người bệnh giảm, mất trí, tư duy nghèo nàn và chỉ còn hoạt động bản năng. “Nếu không kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh có thể lên cơn lúc đang làm việc gây ra tai nạn như phỏng, té xe, ngã sông… có thể tử vong nếu không có người cứu kịp thời”, bác sĩ Miên nói.

Kiểm soát và chữa khỏi

Các thuốc chống động kinh có thể kiểm soát hoàn toàn cơn động kinh với tỉ lệ trên 70% trường hợp. Theo bác sĩ Miên, động kinh không phải bệnh tâm thần hay là căn bệnh nguy hiểm chết người; nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh là rất cao. “Trẻ em và người lớn vẫn có cuộc sống bình thường như bao người khác, chỉ khác điều duy nhất là phải dùng thuốc chống động kinh mỗi ngày”, bác sĩ Miên nói.

Theo bác sĩ Nam, khi có biểu hiện động kinh nên tới bác sĩ để thăm khám về thần kinh. Tìm hiểu phản xạ, cơ lực, trương lực cơ, chức năng cảm giác, dáng đi, tư thế... Làm xét nghiệm máu để kiểm tra khả năng bị nhiễm trùng, nhiễm độc, thiếu máu, đái tháo đường... và chụp điện não đồ cũng như các thủ thuật khác để tìm nguyên nhân bệnh. Khi đã mắc bệnh, người thân phải biết cách hạn chế tối đa thương tổn co giật do động kinh gây ra. Ngáng lưỡi bằng đũa có quấn khăn hay dùng miếng cao su cứng để tránh cắn phải lưỡi; nới rộng cổ áo, thắt lưng để bệnh nhân dễ thở hơn; lót dưới đầu mền hay gối để giảm sang chấn khi co giật; để đầu nghiêng một bên để tránh làm tắc đường thở do dị vật…

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.