Đâu phải cứ béo là thắt!

12/03/2010 11:41 GMT+7

Sau một năm thắt đai, có thể giảm được đến 35 kg. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật điều trị bệnh, không phải là phương pháp thẩm mỹ giảm béo nên không áp dụng được cho tất cả mọi người.

Hai năm đặt đai (còn gọi là thắt đai) giảm béo, anh Trần Anh T. (30 tuổi, ngụ TPHCM) đã từ 162 kg giảm xuống còn 77 kg. Gặp chúng tôi tại Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội), anh cho biết: “Cũng phải mất hơn 2 tháng, tôi khổ sở vì phải hạn chế ăn uống. Trước đây, ăn chục bữa mỗi ngày vẫn không no thì nay ăn hai bữa, mỗi bữa lưng chén cơm đã là cố gắng lắm. Thời gian đầu vì chưa quen với chế độ ăn ít ỏi lại phải vận động nhiều nên bị đuối sức. Khi đã thích nghi, cân nặng giảm rất nhanh, có tháng tôi giảm tới 12 kg. Sau 2 năm, tôi đã giảm được 85 kg”.

Giảm béo “siêu tốc”!

Đến thời điểm này, tại VN mới chỉ có BV Việt Đức thực hiện kỹ thuật đặt đai giảm béo. PGS-TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức, cho biết phẫu thuật chữa trị béo phì hiện có nhiều phương pháp như làm hẹp dạ dày (tạo hình dạ dày) bằng cách cắt bớt dạ dày hoặc làm ruột ngắn lại, đặt bóng trong dạ dày...

Tất cả đều dựa trên nguyên lý đơn giản là giảm hấp thu thức ăn. Đặt đai giảm béo là kỹ thuật nội soi đặt một chiếc đai vào phần trên của dạ dày, tạo thành một “túi” nhỏ đựng thức ăn, khiến cho người bệnh thấy no nhanh hơn, không còn có nhu cầu ăn.

Tuy nhiên, thực tế cơ thể vẫn cần năng lượng. Do đó, lượng mỡ dư thừa lúc này sẽ được sử dụng khiến trọng lượng cơ thể giảm đi nhanh chóng. Sau phẫu thuật, người bệnh phải ăn uống kham khổ, chế độ ăn uống cũng phức tạp.

Bù lại, đây là phẫu thuật nội soi đơn giản, ít nguy cơ tai biến. Kích thước của vòng đai có thể điều chỉnh dãn nở, thậm chí khi trọng lượng cơ thể bệnh nhân về mức bình thường, bác sĩ sẽ nới vòng ra để vừa duy trì cân nặng vừa bảo đảm sức khỏe cho bệnh nhân.

Giới hạn chỉ định

Trường hợp được chỉ định đặt đai giảm béo là những bệnh nhân bị béo phì nặng có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể, được tính bằng cách lấy cân nặng cơ thể chia cho bình phương chiều cao) trên 35 với người châu Á, không thể giảm cân được bằng các biện pháp khác hoặc bệnh béo phì đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Người béo phì có chỉ số BMI từ 27,5 trở lên nhưng mắc các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, thoái hóa khớp... cũng có thể được chỉ định.

Nhược điểm của việc đặt đai giảm béo, theo phân tích của PGS-TS Trần Bình Giang, là phải cắt vào đường tiêu hóa dẫn đến nhiều nguy cơ tai biến trong phẫu thuật. Đây cũng là những phẫu thuật không thể đảo ngược. Phần ruột, dạ dày đã cắt là một đi không trở lại, bệnh nhân muốn thay đổi cũng đành chịu.

Hơn nữa, phẫu thuật viên cũng không định lượng được phần bị cắt trước khi phẫu thuật. Bởi cùng một lượng dạ dày hoặc ruột cắt đi, với người này hợp lý nhưng với người khác có thể lại không, hậu quả là sẽ  quá gầy hoặc không thể giảm cân.

Dưới 18 tuổi: Không áp dụng

Từ tháng 5-2007 đến nay, đã có 40 bệnh nhân được chữa trị béo phì bằng phương pháp nội soi đặt đai giảm béo tại BV Việt Đức. Cân nặng trung bình của nhóm bệnh nhân này trước khi mổ là 105 kg. Sau một năm đặt đai, các bệnh nhân giảm trung bình 35 kg, thậm chí có trường hợp giảm 15 - 20 kg trong tháng đầu tiên.

Tuy nhiên, PGS-TS Trần Bình Giang khẳng định không phải cứ béo là đi “thắt đai” như nhiều người tưởng, bởi đây là phương pháp chữa bệnh chứ không phải thẩm mỹ. Phương pháp này cũng không áp dụng với người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp quá đặc biệt. Một số người nhầm tưởng đây là phương pháp thẩm mỹ giảm béo nên cứ một mực xin được đặt đai khiến các bác sĩ phải tốn không ít thời gian tư vấn và... từ chối.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.