Dấu hiệu trẻ bệnh nặng

19/12/2008 14:33 GMT+7

Lâu nay trong thực hành lâm sàng, chúng tôi đã gặp nhiều cháu bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng vô cùng nặng nề nên việc cấp cứu hồi sức gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém và kết quả rất hạn chế.

Đây là một thực trạng rất đau lòng vì nếu trẻ được đưa đến cơ sở y tế kịp thời thì khả năng cứu sống rất cao cũng như di chứng bệnh tật giảm thấp đáng kể. Nguyên nhân của sự chậm trễ này thì có nhiều như đường sá xa xôi, giao thông bất tiện, nhưng phần lớn do ba mẹ hoặc người chăm sóc trẻ không biết được đâu là những dấu hiệu nặng báo động đưa cháu bé kịp thời đến cơ sở y tế.

 
Vợ chồng bà Phạm Thị Kim Hương ở huyện Thuận An, Bình Dương chăm sóc con vừa vượt qua cơn nguy kịch - bé Phạm Hồ Ngọc Mai, 6 tháng tuổi, đang được uống sữa qua đường mũi. Bà Hương nói: “Ở nhà cứ thấy cháu ọc sữa, tím người, khó thở, tim đập mạnh... không biết cháu bị gì nên cả nhà cấp tốc đưa cháu đi cấp cứu kịp thời” (ảnh chụp tại Bênh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM sáng 17-12) - Ảnh: T.T

Khi thấy con mình có một trong bất kỳ dấu hiệu nào trong phần trình bày sau, các bậc cha mẹ hãy nhanh chóng đưa cháu đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu và hồi sức nhi khoa.

Một số dấu hiệu nặng, cấp tính cần được lưu tâm kịp thời:

* Trẻ sốt cao trên 40-41oC.

* Trẻ co giật, lơ mơ khó đánh thức hoặc hôn mê hoàn toàn.

* Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay chân hoặc tay chân lạnh vã mồ hôi. Ngược lại, da xanh tái cũng là dấu hiệu nặng.

* Trẻ đột nhiên chóng mặt, té xỉu hoặc mềm nhũn toàn thân.

* Trẻ khó thở nhiều, quan sát lồng ngực có dấu co kéo của các cơ hô hấp hoặc trẻ thở có tiếng rít bất thường. Với trẻ nhỏ đôi khi cánh mũi nở liên tục hoặc với trẻ lớn cánh mũi phập phồng theo nhịp thở cũng là dấu hiệu nặng cần được can thiệp kịp thời.

* Trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu, da phừng đỏ, khó thở, tức ngực, mệt lả là dấu hiệu báo động của một trường hợp sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng.

* Trẻ đột nhiên khóc thét, khóc chói rất khác với bình thường.

* Trẻ đi cầu phân máu có thể là dấu hiệu của lỵ trực trùng, lỵ amíp nhưng cũng có thể là dấu hiệu của lồng ruột, xuất huyết tiêu hóa.

* Trẻ đang bị tiêu chảy, nay xuất hiện trạng thái kích thích, bứt rứt khó chịu hoặc ngược lại lừ đừ, chậm chạp, không phản ứng và không uống được nước là dấu hiệu của mất nước cần được bù dịch kịp thời tại cơ sở y tế.

* Trẻ nôn mửa nhiều lần, nôn vọt thành vòi.

* Trẻ rên rỉ, vật vã.

* Trẻ bị tai nạn như tai nạn giao thông, té ngã từ trên cao, uống nhầm thuốc bảo vệ thực vật hoặc hóa chất, rắn cắn. Một số loại côn trùng đốt.

Tuy nhiên ngoài những dấu hiệu kể trên cũng còn một số dấu hiệu khác. Điều quan trọng mà các bậc phụ huynh ghi nhớ là trẻ em rất mong manh, bệnh lý diễn tiến xấu rất nhanh chóng. Chính vì vậy, một khi trẻ có những dấu hiệu bất thường nào đó, người nhà không tự ý điều trị, cũng không nghe theo lời của những người xung quanh không có chuyên môn. Trong những trường hợp như vậy, cách tốt nhất là đưa trẻ đi khám kịp thời nhằm tránh những hậu quả đau lòng xảy ra.

Theo TS.BS Lê Minh Khôi/ Tuổi Trẻ
(Đại học Đà Nẵng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.