Cứu sống một trẻ có ruột ngoài ổ bụng

24/02/2011 07:42 GMT+7

Một trẻ sinh non chỉ nặng 1.300g được chuyển tới khoa ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng toàn bộ ruột non và dạ dày đều nằm ngoài ổ bụng.

Ngoài ra, bé còn bị suy hô hấp, rối loạn nước điện giải và nhiễm trùng nặng do nhập viện khá muộn. Sau khi sinh ra tại bệnh viện huyện, bé được chuyển lên Bệnh viện Đắk Lắk. Các bác sĩ Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk đã giải thích để chuyển bé lên bệnh viện tuyến trên nhưng người nhà không đồng ý. Sau hai ngày điều trị, thân nhân mới chịu chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 2. Khi đến nơi tổng trạng của bé đã rất xấu. 


Tổng trạng bé rất tốt, đã thôi thở bằng máy

 
Bác sĩ Vũ Trường Nhân, phẫu thuật viên chính ca mổ, cho biết đối với những trường hợp hở thành bụng như trên, không thể một lần đưa hết toàn bộ ruột vào ổ bụng mà phải đựng phần ruột bên ngoài vào trong một túi silicon rồi treo túi lên theo chiều thẳng đứng.

Túi silicon sẽ che chắn toàn bộ ruột của bé, giúp bé tránh mất nước, điện giải và hạn chế nhiễm trùng; đồng thời khi treo túi lên thì trong vòng 5-7 ngày, dưới tác dụng của trọng lực, ruột sẽ từ từ nong rộng và nằm xếp vừa vào ổ bụng một cách tự nhiên nhất mà không gây chèn ép cho bé. Trường hợp bé sơ sinh nói trên, khối ruột bên ngoài đã bị phù nề nhiều, gây khó khăn rất lớn cho việc điều trị. Tuy nhiên, ca mổ dù trễ vẫn thành công tốt đẹp. Sau bảy ngày, ruột của bé đã dần dần nằm gọn trong ổ bụng, bé đã được mổ lần 2 phục hồi thành bụng và có hình dạng như một em bé bình thường.

Bác sĩ Nhân cho biết thêm hở thành bụng là một dị tật bẩm sinh do khiếm khuyết cơ mặt trước thành bụng phía ngoài cuống rốn làm ruột, dạ dày, gan chui ra ngoài. Đây là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh với tần suất 1/10.000 và tỉ lệ bệnh nam: nữ là 1,5/1. Bệnh được phát hiện sớm nhờ siêu âm trong lúc mang thai và có thể kèm theo các dị tật khác như tim bẩm sinh, hội chứng Down, teo ruột non...

Nguyên nhân bệnh chưa được biết rõ nhưng có liên quan đến tuổi người mẹ và tuổi của thai nhi: tuổi bà mẹ càng trẻ và tuổi thai nhi khi sinh càng nhỏ thì nguy cơ hở thành bụng càng cao. Đây là một dị tật bẩm sinh điều trị được tại các bệnh viện có khoa ngoại nhi và hồi sức nhi, sau này trẻ vẫn sống tốt và sống khỏe. Do đó, thân nhân bệnh nhi không nên chần chừ trong việc điều trị cho bé.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.