Cục tức mày trốn đi nhanh

06/10/2009 09:46 GMT+7

“Giận mất khôn” - ông bà ta nói vậy, nhưng ít ai biết cơn tức giận còn là hiểm họa cho sức khỏe và tuổi thọ.

Tức giận là cảm xúc thay đổi từ nhẹ đến nặng, từ chịu đựng đến nổ bùng thành cơn thịnh nộ. Nó làm rung chuyển toàn thân và tạo ra những biến đổi tâm lý và sinh học phức tạp.

Những rối loạn do tức giận gây ra

Não bộ là cơ quan nhạy cảm nhất với các cảm xúc. Căng thẳng, tức giận sẽ làm hỗn loạn hưng phấn và ức chế. Hưng phấn mạnh dẫn đến hành vi quá khích. Một lượng máu lớn được đẩy lên não khiến ai tức giận cũng thấy đầu mình căng và nặng hơn. Thần kinh giao cảm bị kích thích đến tột đỉnh, mặt đỏ tía tai, tóc muốn dựng ngược và mắt đỏ ngầu. Vì thế chúng ta nghe mô tả “giận run lên” là vì vậy. Ở một số người cơn tức giận lan sang thùy chỉ huy vận động có thể co cứng cơ, nói lắp bắp hoặc không đứng dậy được. Tức giận và căng thẳng triền miên làm tăng tỉ lệ mắc bệnh tâm thần.

Hệ thống tim mạch chịu ảnh hưởng sâu sắc khi chúng ta tức giận. Giáo sư Rachel Lampert (ĐH Yale ở New Haven, Mỹ) thấy rằng sự tức giận làm tăng nhịp tim. Nó giống như một stress khiến huyết áp tăng lên đột ngột vì tuyến thượng thận tiết ra adrenalin và noradrenalin. Với người có bệnh tim từ trước thì dễ bị loạn nhịp, có người phải cần đến sự hỗ trợ của máy móc mới qua khỏi. Ở người thiếu máu cơ tim dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim hơn.

Gan: đông y cho rằng mọi sự căng thẳng, tức giận đều làm tổn thương gan - nộ thương gan. Tây y nói rõ hơn, gan như một quả tim thứ hai, tim rối loạn thì gan cũng rối loạn theo. Khi gan “rối” thì các chức năng quan trọng như chuyển hóa vật chất, thải độc cũng “loạn” gây ảnh hưởng toàn thân. Theo các nhà miễn dịch học, khi tức giận, tổng hợp protein kém, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động yếu đi và làm tổn thương tế bào gan. Do vậy những người mắc bệnh gan nhất thiết không nên nóng giận nhiều.

Với hệ miễn dịch, tức giận gây rối loạn hoạt động của các tế bào miễn dịch khiến chúng không hoạt động ổn định. Tức giận triền miên sẽ làm hệ miễn dịch suy yếu và đẩy người ta đến với các bệnh nhiễm trùng dễ dàng hơn.

Với hệ tiêu hóa, khi tức giận nhu động dạ dày, ruột rối loạn; dạ dày tiết dịch vị ít đi, nước miếng cũng giảm nên gây cảm giác khô miệng, tiêu hóa kém, đầy bụng, chán ăn, táo bón.

Với hệ hô hấp, khi thần kinh bị kích động máu ứ ở phổi nhiều hơn, các phế nang giãn ra, màng phổi cũng giãn nở theo, hô hấp rối loạn, thông khí phổi giảm khiến độ bão hòa oxy trong máu giảm.

Kiểm soát cơn tức giận

Các chuyên gia tâm lý khuyên bạn hãy tìm một người chịu lắng nghe để tâm sự. Sau khi nói ra hết những điều ấm ức, bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ đi. Bằng không bạn hãy ngồi trong tư thế thoải mái, nhắm mắt hít vào thật sâu, thở ra thật chậm. Làm như vậy trong 10 phút, cơn “bốc hỏa” sẽ dịu đi. Cách thứ ba là hãy đi dạo, đi bơi hay tập một môn thể thao ưa thích. Vận cơ sẽ giúp bạn lấy lại thăng bằng. Nếu đi khiêu vũ thì càng tốt.

Bạn có thể nghe nhạc nhưng không nên nghe những bản nhạc buồn não nề mà nghe loại nhạc có tiết tấu vui hoặc nhẹ nhàng. Một số người tìm khuây khỏa trong vẽ tranh hoặc viết nhật ký. Nói chung, đi tìm sự chăm chú thích thú khác ta sẽ nguôi giận.

Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 400.000 người đột tử vì tức giận. Kinh thánh yêu cầu chúng ta phải phân biệt tức giận với phản ứng hay hành vi biểu hiện gây ra tội lỗi. Chọn cách kiểm soát cơn tức giận là việc của mỗi người nên làm trước những va đập của cuộc sống.

Theo TS.BS Lê Thúy Tươi (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.