Công dụng của cây chó đẻ

02/01/2009 21:27 GMT+7

*Tôi nghe nói cây chó đẻ chữa được bệnh viêm gan, nhưng không biết cách dùng như thế nào. Xin được hướng dẫn. (hanguyên@techhozonvn.com)

- Trả lời: Cây chó đẻ còn gọi là chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu. Có tên khoa học là Phyllanthus Urinaria L. Để phân biệt rõ ràng giữa các loài, có người gọi cây có quả nhẵn là chó đẻ, còn loài mà quả có gai là chó đẻ răng cưa... Chi Phyllanthus có nhiều loài, riêng ở Việt Nam chi này có tới 40 loài, trong đó đáng chú ý và được dùng nhiều là Phyllanthus urinaria L và Phyllanthus niruni L, có hình dáng gần giống nhau, mọc rải rác ở khắp mọi nơi, trừ vùng núi cao, có khí hậu lạnh.

Người ta sử dụng toàn cây chó đẻ, chỉ bỏ phần rễ, rửa sạch dùng tươi hoặc khô, cây chó đẻ chứa chất đắng, ancaloit, flavonoit, tannin, phenol, tritecper, a - xit hữu cơ và nhiều thành phần khác.

Qua tiến hành các thí nghiệm, người ta xác nhận cây chó đẻ có tác dụng bảo vệ tế bào gan và có kháng vi - rút viêm gan B. Theo y học cổ truyền, cây chó đẻ có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, tiêu viêm, tán ứ, thông huyết mạch, lợi tiểu. Cây chó đẻ được dùng chữa đau và viêm hang, đinh râu, mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sản hậu ứ huyết, đau bụng, trẻ em bị tưa lưỡi, chàm má... đặc biệt, loài cây này còn có  tác dụng chữa viêm gan. Để điều trị viêm gan, thường được phối hợp với một vài vị thuốc khác. Dưới đây là bài thuốc chữa viêm gan vàng da bằng cây chó đẻ.

Cây chó đẻ 40g, mã đề 12g, chí tử 12g, nhân trần 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liên tục 30 ngày, lưu ý phụ nữ có thai không uống thuốc có cây chó đẻ.

Lương y Vũ Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.