Có ho thì phải lo

03/11/2009 14:34 GMT+7

Ho là một triệu chứng có lợi, giúp cơ thể tống các chất đàm nhớt và vi trùng, giữ cho đường hô hấp được sạch và thông thoáng. Tuy nhiên ho hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản.

Trung khu gây ho nằm ở não nhưng các kích thích gây ra ho có thể nằm ở đường hô hấp hoặc ngoài đường hô hấp.

Dịch cúm A/H1N1 là một nguyên nhân gây ho và sốt trong thời gian qua, làm người bệnh rất lo và đi khám bệnh ngay. Tuy nhiên ho còn do nhiều nguyên nhân khác, đôi khi người bệnh còn chần chừ chưa chịu đi khám.

Ví dụ trường hợp của bà N.T.T. 62 tuổi, quê Bạc Liêu, bị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Vì ở xa nên bà T. thường được bác sĩ kê toa thuốc tái khám mỗi ba tháng. Sau khi khám bệnh về thì bắt đầu ho, bà T. nghĩ mình bị tác dụng phụ của thuốc hạ áp mà bác sĩ đã thông báo trước. Vì ho kéo dài kèm sụt cân và mệt nên bà T. đi chụp phim phổi thì phát hiện phổi bị thâm nhiễm lao.

Có mấy loại ho?

Để tiện cho việc xác định nguyên nhân, người ta chia ho làm hai loại: ho cấp tính (dưới ba tuần) và ho mãn tính (trên ba tuần).

* Ho cấp tính có thể do nhiễm trùng (nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm xoang, ho gà...) hoặc là không nhiễm trùng (dị ứng, viêm phế quản mãn, khí phế thủng...).

Nếu lạm dụng thuốc ức chế ho có thể dẫn đến ức chế luôn cả trung khu hô hấp và làm suy hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và người già yếu.
* Ho mãn tính thường do nhiều nguyên nhân như:

- Dị ứng môi trường (thuốc lá, bụi, lông thú, phấn hoa, độ ẩm thấp, ô nhiễm hóa chất và bụi công nghiệp).

- Bệnh của đường hô hấp trên (viêm họng, tiết dịch cửa mũi sau, viêm xoang mãn, bệnh của tai ngoài).

- Bệnh của đường hô hấp dưới (thường gặp là suyễn, khí phế thủng, viêm phế quản mãn, lao phổi; ít gặp hơn là ung thư phổi, suy tim sung huyết phổi).

- Bệnh lý của lồng ngực ngoài phổi (ung thư hạch trung thất, phình động mạch chủ ngực).

- Bệnh của hệ tiêu hóa (bệnh trào ngược dạ dày-thực quản).

- Do thuốc, ví dụ như thuốc ức chế men chuyển trong điều trị tăng huyết áp.

Hơn 90% trường hợp ho mãn tính là do bộ ba: suyễn, chảy dịch cửa mũi sau và bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Triệu chứng đi kèm ho

Các triệu chứng đi kèm với ho rất quan trọng để xác định nguyên nhân gây ho.

Ví dụ, ho cấp tính do nhiễm trùng thường kèm theo sốt, lạnh run, đổ mồ hôi đêm, nhức đầu, mỏi cơ, sổ mũi, khạc đàm, đau họng, buồn nôn, nôn. Ho cấp tính không do nhiễm trùng thường có đặc điểm: khi tiếp xúc nguồn kích thích sẽ gây ho và khò khè, hoặc ho nhiều hơn khi nằm hoặc gắng sức; ho sẽ cải thiện khi dùng thuốc giãn đường thở, thuốc chống dị ứng, chống viêm.

Các triệu chứng đi kèm với ho mãn tính thường khó đánh giá vì đôi khi chúng gối lên nhau. Vì vậy người bệnh cần đi khám bệnh để được chẩn đoán sớm.

Tất cả trường hợp ho kéo dài trên hai tuần nên được chụp phim phổi kiểm tra.

Người bệnh nên đi khám ngay nếu thấy ho xuất hiện kèm với khó thở, thở nhanh, khò khè, không nói nổi thành câu, đau ngực, nặng ngực, ho ra máu, sụt cân, phát ban và phù mặt.

Phòng ngừa và điều trị ho

Người bệnh cần rửa tay sạch để phòng ngừa ho do nhiễm trùng. Tránh hút thuốc lá và uống rượu quá mức để ngừa ho mãn tính do bệnh phổi, viêm họng và trào ngược dạ dày thực quản.

Ho là một phản ứng có lợi cho cơ thể nên không cần uống thuốc khống chế ho hoàn toàn, chỉ cần điều trị nguyên nhân là đủ. Tuy nhiên, trong những trường hợp ho nhiều quá mức, người bệnh có thể uống thuốc ức chế ho (ngoại biên hoặc trung ương) nhưng hãy cẩn thận ở trẻ nhỏ và người già.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy mật ong có tác dụng tương tự như thuốc ức chế ho. Dùng một vài thìa mật ong trước khi đi ngủ sẽ làm giảm bớt chứng ho đêm. Chocolate cũng có tác dụng giảm ho nhờ chứa theobromin, nhất là chocolate đen rất giàu chất này.

BS Nguyễn Thanh Hải
(Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương)

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.