Chuyển phôi trong chữa vô sinh

24/04/2011 10:25 GMT+7

Với quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), khâu chuyển phôi vào buồng tử cung rất quan trọng, nó quyết định sự thành công hay thất bại của việc chữa trị vô sinh.

Trong TTTON, có kỹ thuật một số phôi được hình thành từ môi trường bên ngoài (kết hợp từ tinh trùng và trứng). Sau đó, bác sĩ sẽ chọn những phôi tốt nhất để chuyển vào buồng tử cung người mẹ để phôi phát triển thành bào thai và làm tổ ở buồng tử cung. Chuyển phôi là giai đoạn cuối cùng trong điều trị hiếm muộn, vô sinh bằng hỗ trợ sinh sản TTTON.

Các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn vô sinh cho rằng kỹ thuật chuyển phôi đòi hỏi sự nhịp nhàng trong phối hợp giữa bác sĩ lâm sàng và kỹ thuật viên labo. Việc thành công phụ thuộc vào con người ở hai khâu này. Ngoài ra, theo BS Phùng Huy Tân - chuyên về điều trị hiếm muộn vô sinh ở TP.HCM, còn có nhiều yếu tố quan trọng liên quan đến tỷ lệ thành công hay thất bại trong việc TTTON như: co thắt tử cung, vị trí đặt phôi, hút phôi vào catheter... Các nhà chuyên môn ghi nhận, tỷ lệ có thai lâm sàng và làm tổ của thai sẽ giảm nếu tình trạng co thắt tử cung gia tăng. Do vậy, trong lúc chuyển phôi, cần tránh xảy ra sang chấn tối thiểu (sang chấn sẽ làm kích thích những cơn co thắt tử cung). Vì thế, cần tránh tối đa việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như dụng cụ kẹp, nong cổ tử cung…

Các ghi nhận cho thấy, khi chuyển phôi, nếu đặt phôi chạm đáy hoặc gần đáy tử cung (dưới 5 mm) thì tỷ lệ có thai lâm sàng sẽ thấp hơn, và còn làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Trong một số trường hợp, cổ tử cung chít hẹp, hoặc góc cổ tử cung và tử cung gập quá nhiều sẽ làm cho việc chuyển phôi khó. Siêu âm khi chuyển phôi cũng là một cách giúp khảo sát độ gập góc của cổ tử cung - tử cung. Chuyển phôi qua hướng dẫn của siêu âm sẽ giúp tăng tỷ lệ thành công. Nhờ hướng dẫn của siêu âm, phôi được chuyển đúng vị trí trong buồng tử cung, tránh chạm đến đáy tử cung.

Việc để phôi phơi ra môi trường bên ngoài lâu hay chuyển phôi khó khăn (kéo dài hơn 5 phút) cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của việc có thai sau đó. Do vậy, bác sĩ sẽ khảo sát, nắm rõ về độ dài, tư thế tử cung của bệnh nhân để quá trình chuyển phôi được dễ dàng, nhanh chóng. Nếu để máu và dịch nhầy dính vào catheter cũng sẽ làm giảm tỷ lệ có thai…

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.