Chưa thi đã… stress

14/03/2011 10:55 GMT+7

Mùa thi cận kề cũng là lúc nhiều học sinh phải tìm đến chuyên viên tư vấn, thậm chí cả bác sĩ tâm thần, vì những biểu hiện stress, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu.

Cô bé M. học lớp 12. Bỗng một ngày, mẹ M. phát hiện con gái có những hành vi kỳ lạ như hay lầm bầm một mình, xé nát nhiều bộ quần áo, giấu đồ đạc trong nhà… Bà hốt hoảng đưa con đến phòng tư vấn của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em của Sở LĐ-TB-XH TPHCM để nhờ giúp đỡ.

Học… hết vô

M. tỏ ra khó gần, không muốn chia sẻ với ai. Sau một hồi được chuyên viên tư vấn thuyết phục, cô bé tiết lộ ngay từ năm học lớp 11, cha mẹ em đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Nhất thiết phải đậu đại học vì trong họ hàng, con cháu ai cũng đại học cả, chỉ cao đẳng thì… quê chết!”.


 TS Thạch Ngọc Yến đang tư vấn cho một học sinh - Ảnh: C.T.V

Câu nói ấy đã tạo nên một áp lực vô hình. Dù là học sinh giỏi nhưng M. vẫn không tránh khỏi nỗi sợ hãi mơ hồ về rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thi đại học nên vắt kiệt mình trên từng trang sách. Vài tháng trở lại đây, chính cô bé cũng nhận ra bản thân không thể kiềm chế việc xé một vài bộ quần áo khi việc học quá căng thẳng. Càng gần ngày thi, những biểu hiện tiêu cực ấy càng trầm trọng.

Giúp trẻ “vệ sinh tâm thần”

Theo bác sĩ Phạm Văn Trụ, phụ huynh nên theo dõi con em chặt chẽ hơn khi trẻ bước vào những kỳ thi cử căng thẳng. Stress ở trẻ, đặc biệt là những em còn quá nhỏ, thường khó nhận biết nhưng dễ để lại di chứng nặng nề. Những cơn đau đầu không rõ nguyên nhân, trẻ hay nói một mình hoặc làm những hành động kỳ lạ, dễ kích động, nổi loạn, thay đổi tính nết… đều có thể là biểu hiện của tình trạng căng thẳng, dẫn đến các rối loạn lo âu, rối loạn hành vi. Trong những giai đoạn căng thẳng ấy, phụ huynh nên giúp trẻ “vệ sinh tâm thần” bằng việc thiết kế thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

Còn cậu học trò B. thì vừa khóc vừa nói với chuyên viên tư vấn rằng cứ đến môn toán là em cảm thấy run, không cách nào làm được bài. Dự định thi đại học khối A nên toán là một trong những môn B. phải luyện “dày” nhất. Sợ rớt đại học, sợ đề thi quá khó, sợ gặp phải bài tập chưa luyện qua, sợ cha mẹ mắng nếu kết quả thi quá thấp…, những nỗi sợ ấy khiến khả năng tập trung của B. giảm sút rất nhiều.

Từ stress đến rối loạn tâm thần

TS Thạch Ngọc Yến, chuyên viên tư vấn của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em, cho biết cứ đến gần thời gian thi cử là lượng học sinh đến nhờ tư vấn tăng vọt, đặc biệt là học sinh lớp 12, lớp 5, lớp 9. Số học sinh đến khám đông nhất vào khoảng tháng 4 và tháng 5.

Bệnh viện Tâm thần TPHCM cũng đang có nhiều học sinh đến khám. Bác sĩ Phạm Văn Trụ, phó giám đốc, cho biết năm nào ông cũng gặp những trường hợp học sinh được cha mẹ đưa đến vì áp lực thi cử. Bác sĩ Trụ vừa khám cho một học sinh cứ bảo rằng trong phòng ngủ có ma, thậm chí chỉ vào cha mẹ nói cha bị ma ám, mẹ bị ma ám.

TS Yến khuyên để tránh stress trong những ngày căng thẳng vì thi cử, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo nên hỗ trợ học sinh nhận thức rõ khả năng của mình, hướng dẫn cách học, cách thi cho các em thay vì tạo ra một đích đến quá tầm với.

Nhiều trường hợp cha mẹ đem chính ước mơ mà hồi trẻ mình không thực hiện được để gán vào con, buộc con phải là bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học… trong khi sức học của các em chỉ ở mức trung bình. Những “nhiệm vụ bất khả thi” đó sẽ khiến trẻ gặp bất ổn về tâm lý, dễ mang những nỗi sợ hãi mơ hồ, thấy “đuối” vì học. Bản thân học sinh cũng nên lượng sức mình khi học, chuẩn bị tâm lý đối phó với các rủi ro, sắp xếp thời gian thư giãn để nhẹ nhàng bước vào kỳ thi.

“Sau kỳ thi năm ngoái, có cô bé đến tìm tôi với đầu tóc trống một mảng. Em giải thích là mỗi khi căng thẳng quá lại bứt tóc. Khi đó, tôi thật sự thấy rất thương cho cô bé. Thi cử là chuyện quan trọng nhưng vì kỳ thi mà để lại những tổn thương tinh thần thì không nên…” – TS Yến chia sẻ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.