Chích insulin chưa là bước cuối

02/01/2009 11:41 GMT+7

Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) khi được chỉ định chích insulin đều thấy như đất dưới chân sụp đổ, nghĩ rằng mình đã đi đến cuối đường. Trên thực tế tỉ lệ chích insulin trên thế giới có khuynh hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây.

Giống như ta cần chìa khóa để mở cửa vào nhà, chất đường cần insulin để mở cửa tế bào để được đưa vào sử dụng, sinh năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Người ĐTĐ là người thiếu insulin (ĐTĐ tipe 2 - ĐTĐ không phụ thuộc insulin) hoặc hoàn toàn không có insulin (ĐTĐ tipe 1 - phụ thuộc hoàn toàn vào insulin).

Tuyến tụy là cơ quan tạo ra insulin. Khi bạn được chẩn đoán ĐTĐ tipe 1, nghĩa là khả năng tạo insulin của tuyến tụy đã mất hẳn. Khi đó tế bào “cấm cửa” hoàn toàn mặc cho chất đường “bu đen bu đỏ” kêu cửa rầm rầm ở bên ngoài... Hậu quả là tế bào không có năng lượng sử dụng, “nhấc chân không nổi” làm ta mệt mỏi khôn cùng; trong khi chất đường trong máu lại tích tụ và gia tăng nhanh chóng. Rồi “nhàn cư” thì “bất thiện”, đám đông gào thét đó quay ra tàn phá lung tung... Sự tàn phá do gia tăng nồng độ đường cấp tính thường biểu hiện và diễn tiến chỉ trong 1-2 tuần, gồm sụt cân cả chục ký, ăn nhiều, khát và uống nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi khủng khiếp và hôn mê nhanh chóng.

Ba rào cản

Rào cản lớn nhất chính là bệnh nhân cho rằng chích insulin là hết thuốc chữa, là bệnh đã đến giai đoạn cuối. Ngoại trừ những trường hợp “chết đi sống lại”, ít nhất phải mất vài tháng trời để thuyết phục bệnh nhân. Trong mấy tháng chờ đợi chấp nhận, đường huyết tăng cao và mặc sức tàn phá cơ thể bệnh nhân.

Rào cản thứ hai là sự bất tiện do phải mang theo thuốc chích (nay đã có bút).

Thứ ba là bệnh nhân sợ đau, trong khi thực tế gần như chẳng đau đớn gì, và cuối cùng sợ thiên hạ tưởng mình... chích xìke! Xin đừng vì những cái nhỏ xíu đó mà để bệnh tật hoành hành đưa ta vào ngõ cụt.

Khổ thay các bệnh nhân này thường còn rất trẻ, đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên mấy biểu hiện đó rất dễ bị bỏ qua, cho đến một ngày đẹp trời người mẹ gọi mãi chẳng thấy đứa con trai lớp 12 của mình thức dậy, mới nước mắt ngắn dài khiêng vào bệnh viện. Rồi trải qua khoảng một tuần chạy ngược chạy xuôi, đến ngày xuất viện được thông báo con mình phải chích insulin thì hoảng sợ năn nỉ bác sĩ dùng thuốc viên vì thấy nhiều người lớn tuổi còn chưa cần chích, “chắc cháu nhà tôi bệnh nặng lắm”... Thật ra nặng nhẹ được tính trên biến chứng do ĐTĐ chứ không phải trên phương tiện điều trị. Phụ thuộc hoàn toàn nghĩa là cần insulin để tồn tại.

Không phụ thuộc vẫn dùng

Ở người ĐTĐ tipe 2, ngược lại, tuyến tụy vẫn còn khả năng tiết insulin nhưng “cung không đủ cầu”, vì thế bị thiếu hụt. Điều trị bằng thuốc viên chính là để kích thích tuyến tụy tiết thêm insulin đủ nhu cầu cơ thể, tức là tạo ra nhiều “chìa khóa” hơn; hoặc để các “ổ khóa” dễ mở hơn, tức là giảm đề kháng insulin, giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, khi nhu cầu insulin trong cơ thể tăng lên đột ngột thì thuốc viên không còn hiệu quả nữa, cần dùng insulin chích. Đó là khi bạn bị bệnh nặng như nhiễm trùng, stress như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, phẫu thuật... thì insulin là phương tiện duy nhất an toàn và hiệu quả. Qua khỏi giai đoạn này, bạn có thể trở lại với những viên thuốc xinh xắn của mình.

Tuyến tụy là một guồng máy, làm việc nhiều tất sẽ có ngày mệt mỏi. Dùng thuốc viên kích thích tuyến tụy làm việc nhiều hơn đồng nghĩa với việc làm cho nó lão hóa nhanh hơn, chết nhanh hơn. Trung bình sau năm năm, tế bào tuyến tụy ở người ĐTĐ sẽ có hiện tượng apoptosis, tạm dịch là “chết theo chương trình”. Khi đó các tế bào còn lại phải làm việc nhiều hơn, gánh vác luôn phần việc của những tế bào đã chết và sẽ chết nhanh hơn nữa. Lúc này thuốc viên không còn hiệu quả, gọi là “thất bại thứ phát”. Một trong các dấu hiệu dễ dàng nhận ra là bạn không thể kiểm soát đường huyết với liều thuốc viên tối đa. Và insulin là phương tiện cuối cùng.

Khởi đầu sớm

Các nhà nghiên cứu không chấp nhận chữ “cuối cùng” này. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra thường xuyên trong nhiều năm gần đây là khi nào thì nên khởi đầu chích insulin cho những bệnh nhân ĐTĐ không phụ thuộc insulin? Phần lớn ủng hộ quan điểm khởi đầu sớm để “cứu lấy tuyến tụy”. Tức là dùng insulin sớm để giảm bớt gánh nặng của tụy, giúp tụy sống lâu hơn. Thời điểm tốt nhất là khởi đầu một mũi chích buổi tối sau năm năm bị ĐTĐ. Vì vậy, tỉ lệ dùng thuốc chích có chiều hướng gia tăng trên thế giới.

Rất nhiều người ĐTĐ tipe 2 phải khởi đầu chích insulin ngay sau vài tháng chẩn đoán. Đó chính là do suy giảm trầm trọng khả năng tiết insulin của tụy, hoặc do chống chỉ định thuốc viên như bệnh gan thận nặng. Những bệnh nhân này gần như phải chích insulin suốt đời.

Đối với các bác sĩ, insulin là phương tiện an toàn và hiệu quả, miễn là hiểu biết và sử dụng đúng cách. Insulin dùng cho người ĐTĐ như một thứ vũ khí bí mật và cực kỳ dễ thương, chẳng làm bạn phải sợ ung thư, là một phương tiện thay thế không làm bạn xấu đi, ngược lại, giúp bạn kiểm soát tốt bệnh, kéo dài tuổi thọ cho mình.

Theo BS Vành Khuyên (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.