Chật kín bệnh nhân cấp cứu đêm giao thừa

23/01/2012 08:45 GMT+7

(TNO) Kim đồng hồ nhích dần sang số 12, năm mới đến rất gần, tại các bệnh viện tiếng xe cấp cứu vẫn chạy ra chạy vào. Nơi đây, đội ngũ y, bác sĩ vẫn đang miệt mài nhận bệnh, cấp cứu cho từng bệnh nhân.

Nhiều trường hợp tai nạn giao thông

21 giờ ngày cuối năm, vừa bước vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy khung cảnh trước mắt tôi là hơn 35 giường bệnh gần như kín bệnh nhân, tràn ra cả lối đi. Và gần như suốt đêm 29 tết, trước cửa khoa Cấp cứu cứ hết lượt xe này đến lượt xe khác chuyển bệnh nhân vào.

 
Chật kín bệnh nhân cấp cứu đêm giao thừa

Trong bộ dạng hốt hoảng, chân phải xây xát tứa máu, anh P.Đ.Q (29 tuổi), ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM níu theo cáng chuyển vợ là chị C.T.N.T (27 tuổi) và con gái P.T.T.T (6 tuổi) vào cấp cứu.

Ngày cuối năm, gia đình anh tranh thủ về thăm bên ngoại ở Bến Lức, Long An lúc trên đường về thì xe anh Q. va chạm với xe máy khác.

Anh Q. xây xát nhiều chỗ, bị thương phần mềm còn chị T. bị chấn thương sọ não, bé T. thì bị gãy chân phải. Vừa ôm con, vừa nhìn sang vợ, anh Q. than: “Bố có lỗi với con, anh có lỗi với em. Cuối năm rồi mà gia đình mình ra nông nỗi này đây”.

Không lâu sau, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận thêm một loạt trường hợp cấp cứu vì tai nạn giao thông. Nạn nhân là ba cha con: anh B.V.H (36 tuổi), B.N.H (13 tuổi) và B.N.H (12 tuổi), ngụ H.Cần Giờ, TP.HCM.

Vào lúc 16 giờ chiều 22.1, cả ba đang trên đường đi thăm nội ở Cần Đước, Long An trở về nhà thì va chạm với xe máy khác chạy từ trong hẻm ra.

B.N.H (12 tuổi) bị nặng nhất với cả tay và chân đều bị gãy. Hớt hải chạy vào bệnh viện lo cho chồng và 2 con trai bị nạn, vợ anh H. chỉ còn biết ôm mặt khóc: “Em đang làm bữa cơm tất niên để bố con anh về ăn mà sao giờ anh và các con lại nằm ở đây đau đớn như thế này”.

Điều dưỡng Nguyễn Xuân Hương, người tiếp nhận bệnh cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ (từ 20 giờ đến 23 giờ đêm), bệnh viện đã tiếp nhận gần 30 ca tai nạn giao thông trong nội thành và từ tuyến dưới chuyển lên.

Xe cứu thương vừa đổ xịch ngay trước cổng khoa Cấp cứu, một trường hợp nguy kịch chuyển lên từ Bệnh viện Sa Đéc (Đồng Tháp) được vận chuyển ngay vào phòng hồi sức.

Bệnh nhân là một người đàn ông với khuôn mặt đã bị biến dạng và khắp người bết máu vì tai nạn giao thông đang thoi thóp. Trong phòng hồi sức lúc này cũng chật kín bệnh nhân, BS Nguyễn Khắc Lê Sơn và Ngô Sỹ Đại kịp thời đặt nội khí quản và tiến hành các bước hồi sức cho bệnh nhân.

 
Nhiều trường hợp cấp cứu đêm giao thừa liên quan đến tai nạn giao thông

Ngoài những ca bị tai nạn giao thông, đêm cuối năm, bệnh viện còn tiếp nhận các trường hợp gây gổ, đâm chém…

Anh N.T.H, 37 tuổi, ngụ Đắk Nông chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy lúc hơn 23 giờ đêm trong tình trạng bị chém ở cổ, tay và hông. Vì không nhịn được sự quậy phá, ồn ào của nhóm thanh niên nhậu xỉn ở cạnh nhà, anh H. lên tiếng yêu cầu giữ im lặng.

Không ngờ chỉ mười mấy phút sau, cả đám bạn của người kia kéo đến nhà và “xử” anh bằng mã tấu. Nằm trên băng ca anh H. than thở: “Cuối năm không ngờ lại phải vào bệnh viện cấp cứu, chỉ một lời nói mà chúng chém tôi ra nông nỗi này”.

Gắn bó cùng bệnh nhân

Trên 70 ca tai nạn giao thông nhập viện Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu

Sáng mùng 1 tết Nhâm Thìn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) Phạm Quốc Tuấn cho biết: Trong ngày 22.1 (29 tết), tại đây đã tiếp nhận 74 ca cấp cứu do tai nạn giao thông; phần lớn đều xuất phát từ say rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Rất may, không có trường hợp nào tử vong trong số ca cấp cứu trên.

Khoa Chiến

23 giờ 50 phút, khu vực nội thành trở nên vắng vẻ, nhiều người tề tựu bên gia đình để cùng đón năm mới nhưng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếng xe cấp cứu vẫn hú còi inh ỏi, lượt này qua, lượt khác đến. Đội ngũ y, bác sĩ vẫn miệt mài nhận bệnh, cấp cứu bệnh nhân không kịp để ý thời khắc giao thừa đến rất gần.

Hơn 11 năm làm ở khoa Cấp cứu cũng chừng ấy năm BS Vũ Dzuy chưa có cái tết trọn vẹn bên gia đình.

“Đêm giao thừa ai cũng mong sum họp cùng gia đình nhưng vì công việc, vì nhiều bệnh nhân cần bác sĩ nên việc ăn tết trong bệnh viện cũng trở nên thường xuyên và lâu dần thành quen”, BS Dzuy tâm sự.

Khi thời gian đã bước sang năm mới, các y, bác sĩ cũng chỉ kịp gửi lời chúc đến nhau, cùng nhau ăn ít bánh kẹo rồi lại vào guồng công việc. Điều dưỡng Nguyễn Xuân Hương đang ghi hồ sơ bệnh nhân nói: “Nãy giờ cả chục tin nhắn chúc năm mới mà tôi không có thời gian để nhắn tin chúc lại nữa”.

BS trẻ Nguyễn Viết Đăng Quang tâm sự: “3 năm rồi năm nào tôi cũng ăn tết luôn trong bệnh viện. Năm ngoái, vừa xong giao thừa tôi đã phải đi mổ, đến 10 giờ sáng mới mổ xong. Niềm vui cứu sống bệnh nhân đã làm cho ngày tết thêm ý nghĩa mặc dù mình không được ở bên gia đình đêm giao thừa”.

Năm nay, dù hơi chạnh lòng khi giao thừa không thể ở bên vợ đang mang bầu tháng thứ 5 nhưng điều dưỡng Lê Bá Tuyên tâm niệm: “Vì công việc đành phải hy sinh niềm vui riêng vậy. Mình tận tụy với nghề thì nghề không phụ mình. Năm rồng này, vợ chồng tôi sẽ đón con gái đầu lòng, đó cũng là động lực, niềm vui để tôi cố gắng nhiều hơn trong công việc”.


Điều dưỡng sơ cứu vết thương cho bệnh nhân

Bài, ảnh: Hà Minh

>> Chào Nhâm Thìn 2012
>> Nhộn nhịp sắm “phụ kiện” cho ông Công, ông Táo
>> Phố phường Hà Nội ấm sắc đào, mai
>> Thanh long tết mất mùa, rớt giá
>> Giá tăng, thị trường đồ trang trí tết vẫn nhộn nhịp
>> Hà Nội được mùa quất cảnh
>> Dân thủ đô chi tiền “khủng” mua lan chưng tết
>> Hoa kiểng "hóa" rồng lên ngôi
>> Múa lân ngày xuân - Từ nét đẹp… đến biến tướng
>> Rộn ràng "Phố ông đồ
>> Nhộn nhịp chợ Tết công nhân  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.