Cảnh báo việc tiêm corticoid

28/04/2011 09:35 GMT+7

(TNTS) Cortioid là thuốc thường làm giảm triệu chứng ở một số bệnh cực kỳ nhanh. Tuy nhiên, nếu dùng bừa bãi sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.

Hai trường hợp bị teo cơ

Mới đây, khoa Bỏng - Chỉnh hình của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhi bị teo cơ ở phần mông do tiêm thuốc corticoid. Một trường hợp là bé gái 4 tuổi, đã được tiêm corticoid cách nay gần 1 năm, và trường hợp thứ hai là bé trai 5 tuổi được tiêm cũng loại thuốc này cách nay khoảng 9 tháng.


Cẩn trọng khi dùng corticoid, nhất là ở trẻ em - Ảnh có tính minh họa 

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ được người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó hai bé bị viêm đường hô hấp, ho, khò khè, có đi bác sĩ khám và được bác sĩ cho tiêm corticoid. Sau tiêm, tình trạng viêm hô hấp có giảm, nhưng độ hai tháng sau thì vùng tiêm thuốc (ở mông) của bé từ từ lõm (trũng) vào, chỗ lõm to gần bằng miệng chén, nên người nhà lo sợ đưa vào viện.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 xử trí bằng cách mổ để lấy bỏ đi các mô cơ và da bị xơ chai, qua mổ phát hiện có cả những mảng thuốc màu trắng đục nằm chen lẫn với các mô bị xơ, đây là những mảng thuốc chưa tan hết, còn nằm lại ở vùng cơ mông… 

"Thần dược" hay "quỷ dược"?

Lâu nay, corticoid là loại thuốc kháng viêm được một số người xem là "thần dược", đồng thời cũng có người cho nó là "quỷ dược" - gọi như thế là vì loại thuốc này cho tác dụng kháng viêm, làm giảm một số triệu chứng bệnh cực kỳ nhanh (nhất là trong một số trường hợp đau xương khớp, viêm nhiễm), nhưng cũng chính nó gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Thực ra, theo các nhà chuyên môn, corticoid chẳng phải "thần dược" và cũng chẳng phải là "quỷ dược", mà vấn đề quan trọng là cẩn thận trọng khi sử dụng, không được dùng bừa bãi. Trong thực tế, đã có một số bác sĩ lạm dụng thuốc corticoid nhằm lôi kéo người bệnh đến điều trị (vì người bệnh thấy giảm triệu chứng nhanh, tưởng bác sĩ điều trị giỏi). Báo Thanh Niên cũng đã từng phản ánh về tình trạng này, đó là trường hợp một bác sĩ ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) lạm dụng cho tiêm và cho trẻ uống corticoid tại phòng mạch của mình nhằm lôi kéo rất nhiều bà mẹ đưa bé đến đây để "chữa trị chứng biếng ăn" - vì thời gian đầu dùng thuốc này một mặt tạo cảm giác đói, thèm ăn (do thuốc bào mòn dạ dày, gây đói bụng), một mặt thuốc giữ nước, giữ muối trong cơ thể gây tăng cân giả tạo. Một trường hợp khác tương tự cũng xảy ra tại phòng mạch của một bác sĩ ở Q.10, TP.HCM. Hai trường hợp này đã bị Sở Y tế TP.HCM rút giấy phép, buộc ngưng hoạt động một thời gian dài.  

Cẩn trọng

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên trường ĐH Y Dược TP.HCM) lưu ý khi sử dụng loại thuốc cortcoid: Cho đến nay thế giới vẫn sử dụng corticoid trong điều trị một số bệnh, mặc dù loại thuốc này có những tác dụng phụ không mong muốn. Lý do vì ở một số trường hợp chuyên môn vẫn cần thiết sử dụng corticoid. Tuy nhiên, việc sử dụng cần phải nắm rõ chuyên môn, để biết giảm liều, hay ngưng thuốc khi cần thiết. Corticoid có những tác dụng phụ như: sang thương thận; teo cơ; viêm loét dạ dày; mọc nhiều lông (rậm lông sau dùng thuốc); một số trường hợp tiêm chích corticoid vào gân, cơ bị đau, sau đó bị teo cơ, teo da, da trở nên trắng mỏng; chậm phát triển ở trẻ; hội chứng mặt tròn như mặt trăng; loãng xương (mà dân gian hay gọi là mục xương do sử dụng đề-xa)…

Do vậy, khi muốn sử dụng loại thuốc này, các nhà chuyên môn thường cân nhắc giữa lợi - hại khi dùng trên một bệnh nhân cụ thể, rồi mới quyết định.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.