Bùng phát bệnh tay chân miệng tại TP.HCM

04/05/2011 18:26 GMT+7

(TNO) Trong tháng 4.2011, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đã tăng gấp đôi so với tháng 3.2011. Đáng lo ngại, trong đó có nhiều trẻ bị biến chứng nặng và 3 trường hợp đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, hôm 4.5 cảnh báo, bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng cho đến hết tháng 5.2011 và có thể bùng phát thành dịch nếu không được xử lý, kiểm soát tốt.

 
Bệnh nhi tay chân miệng biến chứng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong tháng 4.2011, toàn thành phố có 595 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi so với tháng 3.2011. Trong đó, có 3 trường hợp trẻ em tử vong do bệnh biến chứng nặng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM), mỗi ngày mỗi bệnh viện tiếp nhận 50-60 bệnh nhi nhiễm bệnh từ TP.HCM và các tỉnh lân cận nhập viện điều trị.

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết bệnh có nguy cơ lây lan nhanh do xuất hiện ở nhiều trường học, đặc biệt là trường mẫu giáo. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và thường gây biến chứng nặng ở bé dưới 2 tuổi.

Biểu hiện ban đầu của bệnh tay chân miệng là sốt. Sau đó, trẻ xuất hiện những bóng nước ở mông, đầu gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng.

Hằng năm, thường có hai đợt cao điểm của bệnh tay chân miệng là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11.

Để phòng bệnh, phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống của trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện trên, có thể kèm theo lờ đờ, gồng cứng, mắt trợn ngược, khóc quấy liên tục, thì gia đình phải đưa ngay đến bệnh viện để khám chữa.

Ông Giang yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng quận, huyện phải vệ sinh khử khuẩn môi trường tại địa phương, đặc biệt là những gia đình có trẻ dưới 3 tuổi, các trường học. Sở Y tế đề nghị các trường mầm non dứt khoát không để trẻ bệnh đến trường.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có cảnh báo, không chỉ ở TP.HCM mà bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng ở cả khu vực phía Nam. Trong hơn 2.000 ca mắc tay chân miệng được ghi nhận trên 26 tỉnh, thành của cả nước từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã chiếm đến 96%.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.