Bùng phát bệnh tay chân miệng

08/04/2011 11:08 GMT+7

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn TP đã có gần 600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Ở các bệnh viện nhi tại TPHCM, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đưa đến điều trị đang liên tục tăng. Phần lớn bệnh nhi đang điều trị bệnh này đều cư ngụ tại TP.

Ba trẻ tử vong

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết 2 tuần trước, trung bình mỗi ngày tại đây có 10-20 ca mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị nhưng nay con số đã tăng lên gấp đôi, với 35-40 ca. Chỉ riêng trong ngày 7-4, khoa này có 35 bệnh nhi điều trị, trong đó có 5 trường hợp mắc bệnh nặng phải thở máy và theo dõi đặc biệt. Cách đây vài ngày, một bé gái (ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tử vong do biến chứng quá nặng và nhập viện quá muộn.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong ngày 7-4 cũng có 27 bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị nội trú. Theo bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó Khoa Nhiễm, những ngày qua luôn có từ 25-30 ca điều trị bệnh này tại khoa. Dù không có ca nặng nhưng số bệnh nhi như vậy là đã tăng nhiều so với bình quân ở tháng trước.

 
Trẻ điều trị bệnh tay chận miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, ngày 7-4


 
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP gia tăng với số ca mắc được ghi nhận 80 ca/tuần, trong khi 2 tháng trước, bình quân chỉ khoảng 30 ca/tuần. Tính từ đầu năm đến nay, TP đã có gần 600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 3 bệnh nhi (cư ngụ tại quận 12, quận Tân Bình) tử vong vì những biến chứng thần kinh, co giật, suy hô hấp nặng, viêm não, viêm cơ tim...

Khó tránh lây lan

Theo các bác sĩ điều trị, bệnh tay chân miệng thường xảy ra  vào các tháng 3, 4, 5 và cao điểm là vào tháng 10, 11, 12 hằng năm. Năm nay vừa mới vào đầu mùa dịch mà đã có đến 3 ca tử vong là điều đáng lo ngại. Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ sống cùng nhà hay sinh hoạt cùng nhà trẻ và rất dễ lây lan nhanh qua đường tiêu hóa. Vì vậy, nguy cơ lây lan bệnh dịch từ các nhóm trẻ, trường học là khó tránh khỏi nếu không có biện pháp phòng bệnh.

Trước tình hình này, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cho biết Trung tâm Y tế dự phòng TP đã gửi công văn cho các đơn vị trực thuộc và các địa phương đề nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng cũng như các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu tăng cường phòng bệnh trong môi trường trường học, truyền thông vệ sinh phòng bệnh ở học sinh và phụ huynh. Sở GD-ĐT cũng cho hay đã có công văn chỉ đạo gấp tới các trường mầm non về việc phòng chống lây lan bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác cho trẻ.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ đa số sẽ tự khỏi nhưng bị ở thể nặng nếu không can thiệp kịp thời thì biến chứng rất nguy hiểm. Kết quả xét nghiệm số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nặng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy 50% do virus đường ruột gây ra. Virus này có độc lực cao, gây nhiều biến chứng nặng như viêm não, suy hô hấp, suy tim, phù phổi, dễ tử vong.

Hiện bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong sinh hoạt, môi trường, ăn uống, tăng cường đề kháng cơ thể cho trẻ... Nếu thấy trẻ mắc bệnh nên cho nghỉ học; tránh tiếp xúc với trẻ bệnh vì rất dễ lây. Khi thấy trẻ có bệnh tay chân miệng (triệu chứng bóng nước ở tay, chân, miệng; sốt cao) thì  mang đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời.

 

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.