Bệnh văn phòng

10/09/2009 10:14 GMT+7

(TNTT>) Gần đây, hiện tượng suy giảm sức khỏe của giới văn phòng, những người thường sống và làm việc trong cao ốc bị cho là “bệnh nghề nghiệp”, “bệnh môi trường”. Riêng giới thầy thuốc gọi thứ bệnh lạ này là SOS (Sick Office Syndrome – hội chứng bệnh văn phòng) hay SBS (Sick Building Syndrome – hội chứng bệnh cao ốc)

Công trình hợp tác của ba ê-kíp thuộc Trung Tâm Khoa học Kỹ thuật Xây dựng Pháp, Viện Y học bệnh nghề nghiệp môi trường, Viện Đại học Aertlius Đan Mạch, đưa đến kết luận  làm người ta không khỏi kinh ngạc. Theo nghiên cứu này, nguyên nhân gây ra SOS gồm các hợp chất hữu cơ bay hơi từ vật liệu trang trí nội thất. Ngoài ra nhiệt độ thấp, độ ẩm, không khí tù hãm trong phòng gắn máy lạnh cũng là “đồng phạm”.

Thế nào là SOS?

Không khí vào mũi được xử lý bằng lớp niêm mạc bao phủ bên trong mũi, họng, xoang, phế quản. Ở nhiệt độ thấp, mạch máu dưới lớp niêm mạc trương nở, sung huyết, không khí vào phổi đã được làm ấm. Với người ở vùng lạnh quanh năm, cơ chế tự nhiên thích nghi. Ngược lại, người sống khu vực nhiệt đới ở phòng lạnh, bộ máy điều hòa nhiệt độ của cơ thể bị quá tải vì luôn trong tình trạng “ứng phó”. Hiện tượng này làm rối loạn sinh lý chức năng điều hòa nhiệt độ kéo dài làm người ta đổ bệnh. Một tai hại khác là do yêu cầu cơ bản của phòng đặt máy lạnh là phải thật kín. Không khí không được luân chuyển thông thoáng là nguyên nhân chủ yếu làm cơ thể thiếu không khí trong lành, dễ mắc bệnh đường hô hấp.

Thuật ngữ “hội chứng cao ốc” xuất hiện lần đầu tiên là vào thập niên 70. Các triệu chứng sẽ bao gồm từ những biểu hiện cụ thể như ngứa mắt, da nổi mẩn đỏ, nghẹt mũi đến những biểu hiện chung chung như mệt mỏi, đau đầu, nhạy cảm với mùi vị. Theo Hội bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), một người bị nghi ngờ mắc “hội chứng cao ốc” khi hội đủ những yếu tố sau:

• Các triệu chứng xuất hiện khi người đó hiện diện trong cao ốc và mất đi khi người đó ra khỏi cao ốc
• Các triệu chứng xuất hiện theo mùa
• Đồng nghiệp cũng mắc phải những dấu hiệu tương tự

Người ta phát hiện hầu hết mọi vật liệu trang bị cho căn nhà hiện đại có từ 50 – 300 chất hữu cơ gây ô nhiễm không khí, không gian nhà ở. Nó gây dị ứng mạn tính, bệnh đường hô hấp trên, tái phát hen suyễn, viêm phế quản mạn tính… Có 37% SOS biểu hiện thần kinh như khó tập trung, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, cáu bẳn, stress… Báo cáo này làm người ta vỡ lẽ, thì ra lâu nay tình trạng căng thẳng, năng suất thấp, hay bệnh vặt có một sự đóng góp không nhỏ của  “thủ phạm giấu mặt”: SOS!

Giải Pháp

Để ngăn ngừa SOS, những công trình kiến trúc mới xây dựng cần được hút, làm thông thoáng không khí trong 10 -15 ngày trước khi vào ở. Tốt nhất, trước khi sử dụng, các công trình xây dựng phải được kiểm tra lượng hợp chất hữu cơ tồn tại trong không khí. Đối với các phòng có điều hòa, việc thông gió và cung cấp không khí tươi là điều hết sức cần thiết. Vì thế, vào thời điểm nào đó trong ngày (sáng sớm, tối hoặc ban đêm), phải mở cửa để thông gió toàn bộ không gian có điều hòa.

Ngoài ra, những tòa nhà mới cần xây dựng riêng khu vực hút thuốc, phòng sử dụng điều hòa nên có hệ thống quạt thông gió, giúp lưu thông không khí và thường xuyên làm sạch hệ thống máy lạnh, thông gió, thảm ...

BS. Lê  Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.