Bệnh nhi sơ sinh nhập viện tăng mạnh

03/11/2009 10:00 GMT+7

Mới bước vào đầu mùa sinh (sau mùa cưới cuối năm khoảng 9-10 tháng), số lượng bệnh nhi sơ sinh tại các BV Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi Đồng 1, 2 đã tăng mạnh.

Chỉ tính riêng ở BV Từ Dũ, tại khoa Nhi sơ sinh, trẻ sinh non chiếm khoảng 40%, trong đó nhiều trẻ chỉ nặng 500 gram.

Khoa Sơ sinh tại BV Từ Dũ chỉ có khoảng 160 giường, thế nhưng vào những ngày cuối tháng 10, số trẻ nhi sơ sinh được chuyển vào khoa dao động từ 300 - 350 trẻ. Không đủ lồng ấp, BV đành phải bố trí cho 2-3 trẻ nằm chung trong một lồng.

Tại BV Nhi Đồng 1, qua thống kê cho thấy, trong tháng 10, số lượng trẻ nhi sơ sinh nhập viện tăng 20% so với tháng trước đó. Tại hai khoa Sơ sinh và Săn sóc tăng cường sơ sinh thường xuyên có trên 100 trẻ sơ sinh nặng đang được điều trị.

Ths-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 cho biết: "Một số phụ huynh muốn con mình được sinh vào "ngày, giờ đẹp" nên dẫn đến tình trạng sinh hoặc mổ trước ngày dự sinh mà không chờ chuyển dạ tự nhiên. Vì vậy, khi sinh ra trẻ có thể bị suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành hoặc do ứ dịch. Trẻ được sinh vào các tháng cuối năm thường được ủ ấm rất kỹ bằng nhiều lớp khăn và ở trong phòng tối ít khi được bế ra ngoài. Do đó, có một số trường hợp bị vàng da nặng nhưng không được phụ huynh phát hiện kịp thời".

Còn tại BV Từ Dũ, TS - BS Ngô Minh Xuân - Trưởng khoa Sơ sinh, cảnh báo: "Qua theo dõi trẻ sơ sinh vàng da thì có khoảng 25 - 30% ở trẻ đủ tháng và gần 100% trường hợp ở trẻ non tháng dưới 1.500g. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời vì dễ gây ra biến chứng vàng da nhân, do tình trạng nhiễm độc thần kinh gây tỉ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề".

Ở các trẻ đủ tháng, vàng da thường bắt đầu từ vùng đầu mặt, lan xuống cổ, ngực, bụng rồi ra chân tay. Khi vàng da lan đến đùi thì cần phải chú ý. Nếu trẻ bị vàng da lan đến cẳng tay, cẳng chân thì phải đưa đi khám ngay. Còn khi vàng da lan đến lòng bàn tay, bàn chân thì trẻ có thể bị nguy hiểm, cần nhập viện.

Trẻ sơ sinh chỉ được coi là vàng da sinh lý nếu xuất hiện sau 24 giờ tuổi, hết trong vòng một tuần với trẻ đủ tháng và hai tuần đối với trẻ non tháng, chỉ vàng da ở vùng mặt, cổ, ngực. Việc tắm nắng cho trẻ chỉ có thể điều trị được các trường hợp vàng da nhẹ nhưng có thể giúp các bậc phụ huynh theo dõi được mức độ vàng da được dễ dàng hơn.

Theo Võ Tuấn / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.