Bệnh nào giấu mặt quá khéo?

20/12/2010 09:21 GMT+7

Danh sách các bệnh thời đại như cao huyết áp, tiểu đường, loét dạ dày, thấp khớp, dị ứng ... tuy đã dài đến đáng ngại nhưng vẫn còn thiếu một căn bệnh đang phát tán với vận tốc vượt xa mức độ báo động nhưng chưa được cảnh báo đúng mức. Đó là bệnh do bội nhiễm nấm mốc.

Với tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, sự hiện diện của đủ loại nấm mốc trên mặt da, trên niêm mạc hầu như là điều bình thường. Vấn đề là hệ thống miễn nhiễm không thể bình chân như vại mà dù muốn hay không cũng phải bù đầu với chuyện chống đỡ. Hậu quả là nhiều căn bệnh có liên quan đến sức đề kháng, từ viêm da cho đến hen suyễn, có thể thừa nước đục thả câu chỉ vì một điểm khởi phát không có gì nghiêm trọng, chỉ vì chút nấm mốc ký gửi đâu đó rồi len lén xoi mòn mất sức kháng bệnh. Chuyện nhỏ xé ra to chẳng qua vì cơ thể phải phân tán hệ thống phòng thủ cho nhiều mặt trận hở sườn.

Đi xa hơn nữa, nấm mốc đang từ thế ăn nhờ ở đậu có thể từng bước chiếm thế thượng phong khi gia chủ vì lý do nào đó, hoặc vì xui xẻo vướng bệnh bội nhiễm, hoặc do thói quen tự uống thuốc kháng sinh như thuốc cảm hoặc do thầy thuốc có tật biên toa in sẵn thuốc kháng sinh, khiến lực lượng vi khuẩn, xấu tốt bất kể, bị tiêu diệt đồng loạt. Thành phần đối kháng là nấm mốc khi đó bất chiến tự nhiên thành!
 
Chưa hết, theo nhiều kết quả nghiên cứu trong thời gian gần đây, nấm mốc đang yếu bỗng có thể mạnh nếu được sự tiếp tay nhiệt tình của stress, chế độ dinh dưỡng đơn điệu, rượu bia, thuốc lá, ma túy, kim loại nặng, chất thải công nghệ, phân bón hóa học ... Không lạ gì khi bệnh nấm móng tay, móng chân, nấm ngoài da và nghiêm trọng hơn nữa, bệnh nấm núp sâu hơn trên đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, sinh dục, điển hình là bệnh huyết trắng do nhiễm nấm candida, đã từ lâu không còn là dạng bệnh xảy  ra theo nhịp xuân thu nhị kỳ.  Theo thống kê ở các nước châu u, nơi môi trường chắc không ô nhiễm hơn xứ mình, không dưới 30% cư dân ở đó đang là nạn nhân của nấm mốc. Nếu tỉ lệ mắc bệnh ở nước ta chỉ cần chiếm phân nửa tỉ lệ của nước người thì hiện có tròm trèm gần chục triệu người cần được điều trị chống nấm! Con số đó đáng sợ hay không khi bội nhiễm nấm mốc là bệnh lây lan dễ dàng?
 
Nguy hại của bệnh nấm mốc chưa dừng lại ở đó. Bệnh lúc đầu không đến độ nguy hiểm có thể trở thành nghiêm trọng vì: Bệnh không có triệu chứng báo động nên dễ bị coi thường và dễ trở thành mãn tính; một số không ít thầy thuốc hay quên vai trò phá hoại ngấm ngầm của nấm mốc; thuốc trị nấm không chỉ gây phản ứng phụ mà còn là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh vốn bị kiềm chế bởi nấm mốc.
 
Thông thường hễ nhắc đến bội nhiễm thì mười người hết tám, chín nghĩ ngay đến vi khuẩn và siêu vi. Chính vì thế mà bệnh do nhiễm nấm dễ trở thành nguy hiểm vì minh thương tuy ào ào trước mặt nhưng vẫn dễ tránh, trong khi ám tiễn dù lẻ tẻ sau lưng lại khó phòng.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.