Bài thuốc trị ho

02/12/2012 03:20 GMT+7

Chị Nguyễn Thị Hòa, y sĩ định hướng y học dân tộc cổ truyền Trung tâm y tế Tuy Phước (Bình Định), cho biết khi trẻ dưới 1 tuổi bị ho, chảy nước mũi, cảm sốt, nếu gia đình không muốn dùng thuốc tây thì có thể dùng bài thuốc gồm các loại “cây nhà, lá vườn” để điều trị.

Bài thuốc nói trên gồm có các loại như bông đu đủ đực, bông khế, lá tía tô kết hợp với đường phèn. Hoa đu đủ đực mọc ở kẽ lá, thanh chùy có cuống rất dài, dài hơn hoa đu đủ cái. Vỏ, quả, rễ, bông, hạt... đu đủ có thể tinh chế được một số thuốc có tác dụng rất tốt cho việc điều trị một số bệnh nội, ngoại khoa, đặc biệt cho tẩy độc và chống táo. Khế và bông khế có thể chủ trị nóng sốt, chữa ngộ độc (nhất là với ngộ độc mã tiền) chữa dị ứng, viêm loét da. Lá tía tô, còn gọi là tử tô, tử tô tử, tô ngạnh... ngoài việc dùng làm thức ăn gia vị, tía tô còn chữa nhiều bệnh như cảm mạo, động thai, ngộ độc cá đặc biệt chữa ho long đờm, hen suyễn, đau đầu, tê thấp, đau nhức xương khớp...

Cách làm

Cách chế biến bài thuốc ho cho trẻ cần chuẩn bị theo công thức: bông khế 10 gr, bông đu đủ đực 10 gr, lá tía tô 10 gr, đường phèn 5 gr. Rửa sạch bông khế, bông đu đủ, lá tía tô rồi cho vào bát sứ đã có ít nước lọc và đường phèn.

Đu đủ
Đu đủ - Ảnh: K.Vy 

Đặt bát nước trong nồi có nước, đậy nắp kín và đun cách thủy bằng lửa than, đủ độ nóng sôi nho nhỏ càng lâu càng tốt.

Khi đã đun cách thủy xong, để nguội bát nước rồi cho vào chai thủy tinh (không cho vào chai nhựa và không cho vào tủ lạnh). Hằng ngày cho bé uống thấm dần dần ở đầu lưỡi, từ ít đến nhiều. Nên bắt đầu bằng nửa muỗng cà phê. Các bà mẹ lưu ý phải biết cách cho bé uống thuốc nước, nâng đầu cổ hơi cao so với bụng để tránh sặc, trớ, nôn. Khi cho bé uống, dùng bàn tay của mẹ vuốt từ xuống.

Việc cho bé dưới 1 tuổi khi bị ho, cảm sốt uống thuốc nam rất tốt, nhưng lưu ý khi bé sốt cao, ho sặc sụa, quấy khóc, chán bú sữa mẹ... thì phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa nhi để khám.

BS Trang Xuân Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.