Bà bầu khổ vì táo bón

28/05/2007 15:23 GMT+7

Trong nhiều cái khổ mà chị em phụ nữ phải chịu đựng đằng đẵng trong 9 tháng 10 ngày mang thai, thì chứng táo bón thai kỳ là "kẻ" khiến chị em cực khổ với nó hằng ngày!

Vì sao thai phụ thường bị táo bón?

Ở phương diện Tây y, bác sĩ chuyên khoa II về sản phụ khoa Trương Thị Thảo (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM) trình bày về cơ chế gây ra chứng táo bón trong thai kỳ như sau: Do tác động của thai lên hệ tiêu hóa, nồng độ progesterone ở thai phụ tăng lên, làm giảm trương lực cơ trơn dẫn đến thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột non kéo dài làm cho thai phụ dễ bị táo bón; tử cung ở thai phụ tăng kích thước chèn ép các cơ quan trong ổ bụng.

Chẳng hạn ruột non bị đẩy lên nằm hai bên tử cung, ruột già bị ép lại dẫn đến các bà bầu dễ bị táo bón và cả bệnh trĩ, vì tăng áp lực ổ bụng. Bên cạnh đó còn có những yếu tố như, do lúc mang thai ốm nghén, mệt mỏi, thai phụ hạn chế việc đi lại, vận động dẫn đến táo bón; thời gian đầu có thai kích thích tiểu nhiều (đặc biệt vào ban đêm) nên nhiều thai phụ ngại uống nước nhiều (sợ phải đi tiểu đêm), cộng với việc nôn ói lúc mang thai (nồng độ progesterone tăng ở thai phụ làm giảm trương lực cơ trơn đã đưa đến giảm trương lực cơ vòng thực quản gây bệnh trào ngược thực quản) dẫn đến thiếu nước cũng dễ gây táo bón... Theo bác sĩ Thảo, có hơn 50% số thai phụ đến với bác sĩ than phiền về chứng táo bón!

Còn ở phương diện y học cổ truyền, theo lương y Trần Duy Linh: Khi mang thai thì thận thủy  (tạng thận thuộc thủy) của người phụ nữ là cơ quan hoạt động vất vả nhất, tích cực nhất để giúp thai nhi được khỏe mạnh, phát triển. Chính vì thế, thai phụ nếu ban đầu thận thủy không được đầy đủ sẽ dẫn đến một số tình trạng như: khô miệng, đau cuống họng, khát nước, đi tiểu nhiều, tiểu đêm, đau lưng, táo bón... Trong đó táo bón là chứng rất thường gặp sau chứng đau lưng, tiểu nhiều.

Một số trường hợp táo bón xảy ra ở thai phụ còn do dùng viên sắt (thai phụ thường phải bổ sung viên sắt). Thường chứng táo bón xảy ra ở khoảng tháng thứ 4, thứ 5 của thai kỳ.

Phòng ngừa, giải quyết nỗi khổ cho chị em 

Về phương diện Tây y, để phòng ngừa, cũng như giải quyết chứng táo bón xảy ra trong lúc mang thai, bác sĩ Trương Thị Thảo khuyên các thai phụ cần dùng nhiều rau và trái cây tươi, những thức ăn có nhiều năng lượng và chất xơ; cần uống nhiều nước lọc, bên cạnh những loại nước trái cây tươi. Song song đó, cần tập thể dục, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày... Các chị em cần lưu ý, việc điều trị táo bón trong thai kỳ không được dùng thuốc nhuận trường kéo dài, bởi nó sẽ gây nên tình trạng rối loạn men tiêu hóa ở đường ruột dễ làm mắc bệnh tiêu chảy!

Còn theo lương y Trần Duy Linh, để giải quyết tình trạng táo bón, chị em mang thai cần dùng những món ăn có tính chất tư âm nhuận táo như: chuối chín, đu đủ chín, cà rốt, một số loại rau có màu đậm, loại củ quả có nhiều chất xơ, uống nhiều nước... Bên cạnh đó, còn có món canh được nấu từ 100gr sườn heo non cùng đương quy (chỉ lấy phần thân), hoài sơn - mỗi vị 16gr, đỗ trọng, sinh địa, đảng sâm - mỗi loại 12gr, 8gr kỷ tử và 5 trái táo tàu. Một tuần dùng món canh này một lần. Nếu thai phụ bị táo bón nhiều thì có thể dùng mỗi ngày, gia thêm nhục thung dung và hoàng cầm - mỗi loại 8gr.

Còn lương y Nguyễn Công Đức cho biết: "Nếu thai phụ bị táo bón do khí huyết hư, thì phép trị là bổ khí, nhuận trường. Theo đó, y học cổ truyền có bài Tứ quân gồm có: sâm - linh - truật - thảo (nhân sâm, bạch phục linh, bạch truật, cam thảo - mỗi thứ 20gr), gia thêm 50gr mè đen, đem nấu với 800ml nước còn lại 300ml để dùng 3 lần trong ngày. Khi dùng có thể thêm 1 muỗng canh mật ong. Còn nếu thai phụ bị táo bón do khí hư, thì phép trị là bổ âm huyết và nhuận táo. Đông y có bài Tứ vật gồm xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược - mỗi vị 20gr, gia thêm 50gr mè đen. Cách nấu và sử dụng cũng giống như bài Tứ quân. Cần lưu ý, phụ nữ mang thai không được dùng các loại có tác dụng lợi tiểu và nhuận trường mạnh như: rễ tranh, đại hoàng, lá muồng, vỏ cây đại... 

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.