Sự kiện văn hóa tuần qua: Dòng người đội mưa về đền Hùng dâng hương

30/04/2023 07:24 GMT+7

Sáng 29.4 (10.3 âm lịch), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ đã dâng hương tại Khu di tích lịch sử đền Hùng.

Sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện xong các nghi lễ để tưởng nhớ công đức các vua Hùng và các bậc tiền nhân ở đền Thượng và Thượng cung, người dân bắt đầu vào đền dâng hương, kính lễ.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, dù sáng 29.4 tại TP.Việt Trì có mưa nhưng hàng vạn du khách thập phương vẫn về đây dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. Để đảm bảo trật tự, tránh gây ùn tắc, chen lấn, xô đẩy trong đoạn đường lên núi Nghĩa Lĩnh, hơn 2.000 người gồm lực lượng công an, quân đội và thanh niên tình nguyện được huy động, phân bố thành nhiều chốt, hàng rào an ninh, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho lễ hội.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dòng người đội mưa về đền Hùng dâng hương - Ảnh 1.

Người dân lên đền Hùng dâng hương sáng nay

ĐÌNH HUY

Bà Võ Lan Anh (trú Hà Tĩnh) cho biết, hôm 28.4, bà vượt gần 600 km để đến đền Hùng dâng hương. "Tối hôm qua, tôi ngủ dưới chân đền Hùng, may mắn khi trời mưa mọi người gọi nhau và chạy vào các hàng quán để trú. Dù vậy, tôi rất vui khi lần đầu tiên được đến đền Hùng, được xem đoàn rước lễ", bà Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Tuyên (73 tuổi, trú Bắc Ninh) cùng các con đến đền Hùng từ 6 giờ hôm nay, dù trời mưa gió nhưng ông cảm thấy tinh thần thoải mái, phấn khởi khi tìm về được cội nguồn.

"Do cũng có tuổi nên mấy năm tôi mới có dịp đi lễ đền Hùng một lần. Mỗi lần đến đây tôi đều cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu cho gia đình gặp nhiều sức khỏe, may mắn", ông Tuyên nói.

Việt Nam vang khúc khải hoàn ca bừng sáng phố Nguyễn Huệ

Chương trình nghệ thuật Việt Nam vang khúc khải hoàn ca diễn ra tối 28.4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM thu hút đông đảo người dân và du khách.

Việt Nam vang khúc khải hoàn ca là chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023) và 137 năm ngày Quốc tế lao động (1.5.1886 - 1.5.2021), kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023), do Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức, Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố thực hiện.

Trong không khí tưng bừng, đầy tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, những "bài ca không quên" một lần nữa lại vang lên, xúc động và hào hùng...

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dòng người đội mưa về đền Hùng dâng hương - Ảnh 2.

Tiết mục mở màn Vững bền một cõi non sông

Q.THẮNG

Sài Gòn - TP.HCM với trái tim rộng mở, luôn là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc. Dấu ấn của thành phố trẻ với những bàn tay, khối óc đang từng ngày dựng xây để góp phần tạo nên một diện mạo riêng, đầy tự hào của một "trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước". Và để có được diện mạo một thành phố giàu nét đẹp văn hóa từ truyền thống đến hiện đại với những đặc trưng đa dạng, phong phú như hôm nay, TP.HCM đã không ngừng đầu tư phát triển một cách toàn diện từ những sức mạnh nội sinh và sự tiếp thu có chọn lọc. Tất cả những nét đẹp đó đã được "phác họa" sinh động bằng những tác phẩm kết hợp biểu diễn ca - kịch - nghệ thuật múa...

Sau chương trình nghệ thuật chính thức được truyền hình trực tiếp, khán giả và du khách được "chiêu đãi" phần biểu diễn phục vụ "ngoài sóng", với những bài hit của ca sĩ Võ Hạ Trâm và các chàng trai FB Boiz.

TP.HCM khởi công Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ gần 1.400 tỉ đồng

Sau thời gian lỡ hẹn, sáng 25.4, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (tại Q.11, TP.HCM) đã được Sở VH-TT TP.HCM, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM tổ chức lễ khởi công. Dự án xây dựng quy mô với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM.

Nói về tầm quan trọng của dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Trần Thế Thuận cho rằng, việc xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ góp phần đưa nghệ thuật xiếc ngày một đa dạng và phong phú làm giàu cho văn hóa của nước nhà cũng như người dân. Công trình hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày một cao của công chúng thành phố".

Trước đây Báo Thanh Niên số ra ngày 18.5.2016 từng có bài Rạp xiếc đa năng nghìn tỉ trên giấy viết về công trình quy mô và hiện đại mang tầm cỡ quốc gia của TP.HCM đặt tại trường đua Phú Thọ (đường Lữ Gia, Q.11), từ lúc bắt đầu thực hiện, sau 13 năm nhưng vẫn còn là bãi đất trống 10.000 m2.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dòng người đội mưa về đền Hùng dâng hương - Ảnh 3.

Phối cảnh dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ trong tương lai

T.L

Ngày 26.5, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, đã ký Văn bản khẩn số 4653/VP-THKH gửi Sở VH-TT TP.HCM. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy về việc chỉ đạo kiểm tra, báo cáo về nội dung phản ánh của bài báo Rạp xiếc đa năng nghìn tỉ trên giấy, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở VH-TT TP.HCM khẩn trương rà soát, kiểm tra về dự án rạp xiếc đa năng, để có báo cáo và đề xuất cụ thể cho UBND TP.HCM.

Sau nhiều lần trì hoãn, công trình đã được khởi động lại. Dự án vừa khởi công có quy mô 12 tầng nổi, 2 tầng hầm, nhà biểu diễn có quy mô 2.000 chỗ, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM.

Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ trong tương lai có khán phòng chính 2.000 chỗ, bao gồm 1 sân khấu tròn di động, 1 sân khấu hình chữ nhật nối tiếp sân khấu tròn tạo thành sân khấu đa năng với hệ thống nâng xoắn ốc, có thể di chuyển trong nước hoặc không có nước để phục vụ các chương trình khác nhau.

Riêng khán phòng tập luyện 300 chỗ, gồm 2 sân khấu hình tròn cùng cấp với hàng bậc thang có thể thu vào 300 chỗ ngồi được trang bị nhiều thiết bị trên cao cho các hình thang đa năng như: đu dây, hình thang đôi, hình thang ba, xe hai bánh, dây đai trên không, cột buồm gắn liền với lưới kỹ thuật, máy dẫn đầu trên không để nhào lộn...

Khi Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ đi vào hoạt động không chỉ là địa điểm biểu diễn loại hình nghệ thuật xiếc mà còn được thiết kế có khả năng biểu diễn đa năng với nhiều loại hình nghệ thuật và sự kiện văn hóa và thể thao khác.

Khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2023

Tối 28.4, tại Bia Quốc Học, UBND TP.Huế (Thừa Thiên – Huế) tổ chức lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt".

Dự chương trình khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2023 có Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng hàng ngàn người dân và du khách.

Phát biểu khai mạc, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP.Huế, cho biết Festival nghề truyền thống Huế 2023 là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương, mang tầm quốc gia và có yếu tố quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Huế "Cố đô xanh - Di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện".

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dòng người đội mưa về đền Hùng dâng hương - Ảnh 4.

Phần trình diễn các tiết mục văn nghệ hoành tráng

LÊ HOÀI NHÂN

Theo Chủ tịch UBND TP.Huế, Festival nghề truyền thống Huế còn là nơi tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, nơi hội tụ của những bàn tay nghệ thuật tài hoa, nghiên cứu phương thức đổi mới sáng tạo đương đại…

Đây là dịp để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu… trong nước và quốc tế hội tụ, tham gia giữ gìn, phát huy các giá trị nghề truyền thống, đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn TP.Huế.

Ông Nhật mong rằng, nối tiếp thành công các kỳ Festival nghề truyền thống trước, chương trình lần này sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Chương trình khai mạc tiếp nối với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc ngoài trời, mang đến một bầu không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu.

Festival nghề truyền thống Huế 2023 là chuỗi sự kiện điểm nhấn của Festival Huế 2023, được tổ chức theo định hướng bốn mùa. Festival kéo dài từ ngày 28.4 – 5.5 với nhiều chương trình lễ hội, nghệ thuật đặc sắc.

Hà Nội dự kiến dành 1.800 tỉ đồng tái hiện điện Kính Thiên

Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025" vừa cho biết TP.Hà Nội đã xác định rà soát, dành nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc các công trình tiêu biểu, các công trình lịch sử, văn hóa tại nội đô.

Theo đó, các công trình này gồm: khu vực Hoàng thành Thăng Long , Bảo tàng Lịch sử quân sự, cột cờ Hà Nội; khu vực Công viên lịch sử khảo cổ Hoàng Diệu, điện Kính Thiên và cụm công trình phụ cận; khu vực cầu Long Biên và 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía nam cầu Long Biên...

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dòng người đội mưa về đền Hùng dâng hương - Ảnh 5.

Mảnh mô hình tháp men xanh lục mô tả kết cấu đấu củng, thời Lê Sơ, khai quật được tại khu vực điện Kính Thiên năm 2021

T.L

Dự kiến, TP sẽ bố trí 798 tỉ đồng thực hiện dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học số 18 phố Hoàng Diệu, 1.800 tỉ đồng thực hiện dự án tái hiện điện Kính Thiên, 136 tỉ đồng thực hiện dự án nhà trưng bày hoàng cung Thăng Long thuộc Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Trước đó, tại buổi chủ trì cuộc họp giao ban về kết quả triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng dự án này có ý nghĩa rất quan trọng. Hà Nội tập trung chỉ đạo dự án này chính là nhằm phát huy nguồn lực văn hóa to lớn của Thăng Long - Hà Nội, tạo động lực cho phát triển KT-XH. Đối với dự án tái hiện điện Kính Thiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc triển khai thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc dựa trên cơ sở khoa học và đồng thuận cả trong nước và quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.