Sốt đất trên... mạng

08/04/2023 06:08 GMT+7

Hết sốt vì làm cầu, mở đường, quy hoạch sân bay, "đại bàng" đầu tư... giờ xuất hiện thêm chiêu trò mới: sốt đất trên... mạng. Chuyện xảy ra ở H.Cam Lâm (Khánh Hòa) mấy ngày nay chỉ khiến cho nhiều người thở dài ngao ngán.

Chuyện bắt đầu từ hình ảnh khách hàng kéo nhau đến các đơn vị hành chính ở H.Cam Lâm làm thủ tục sang nhượng đất đai, sau đó là thông tin quy hoạch huyện này được kháo tới kháo lui... trên mạng.

Từ trên mạng, một dòng xe cộ toàn cò và đầu nậu xếp hàng ở một số tuyến đường tụ tập "tám" về đất đai... thế là thành cơn sốt đất. Nhưng lãnh đạo huyện cũng ngay lập tức đã xác minh và công bố, hình ảnh ùn ùn sang nhượng kia là không có thật, thủ tục nhà đất ở khu vực này vẫn bình thường, chẳng hề đột biến. Các thông tin quy hoạch này nọ cũng chỉ trôi nổi trên mạng. Và cơn sốt ảo trên mạng tất nhiên cũng nhanh chóng bị dập tắt.

Thực ra ở thời điểm này nói đến sốt đất, kể cả sốt ảo... cũng là chuyện hoang tưởng. Từ quý 4 năm ngoái đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) tê liệt. Lớp băng được tạo thành từ quá nhiều yếu tố như kinh tế khó khăn, một số chủ đầu tư vi phạm bị xử lý, trái phiếu quá hạn thanh toán trị giá lớn, tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất cao... nên rất dày, rất chắc.

Cũng vì BĐS đóng băng khiến tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, nếu không tính năm 2020 là năm Covid-19 ập đến. Chính phủ, chính quyền các địa phương và cả chủ đầu tư đang làm đủ mọi cách mà thị trường còn chưa ấm nổi, nói chi đến sốt.

Còn chuyện quy hoạch, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng công bố công khai, đâu riêng gì Khánh Hòa. Có nghĩa là từ tâm lý, dòng tiền, cung - cầu... đều không có cơ sở để sốt. Thậm chí, thị trường còn đang kỳ vọng gói ưu đãi lãi suất 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội mới triển khai có thể rã đông BĐS, và từ phân khúc đó lan ra cả thị trường. Bối cảnh này, thực trạng này lấy đâu ra mà sốt với nóng!

Vì vậy, lần tạo sóng trên mạng của giới cò, đầu nậu nói trên là một phép thử tâm lý, thăm dò thị trường. Vợt được chút nào hay chút đó. Chỉ cần tỉnh táo và chậm lại chút là sẽ rõ ngay.

Dù vẫn phải cảnh báo, những phép thử thế này có thể vẫn tiếp diễn bởi có rất nhiều người "ôm" nhà, đất từ những cơn sốt trước chưa kịp thoát ra đến nay không thể gồng hơn được nữa. Nên nhớ lần sụt giảm của BĐS từ quý cuối cùng của năm trước là khá đột ngột. Đi cùng với đó đến nay, tín dụng ngân hàng siết chặt, lãi vay tăng cao, tổng cầu sụt giảm, ngay cả người có nhu cầu nhà ở thực sự cũng có tâm lý phòng thủ... nên kiếm người mua, ngay cả giảm giá cũng không dễ bán. Ôm hàng lâu đồng nghĩa với gánh nợ vốn, lãi vay... càng nặng, họ càng tìm đủ chiêu trò tạo sóng, đón gió, kích động lòng tham...

Ở chiều ngược lại, thị trường BĐS đang có nhiều thông tin để những người có nhu cầu thật sự có thể xem xét. Đó là Chính phủ quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, đồng nghĩa với các công trình hạ tầng sẽ được đẩy mạnh, nhanh. Nhiều chủ đầu tư hạ giá bán so với thời điểm trước để ra hàng. Phương thức thanh toán linh hoạt, kéo dài. Các dự án được mở bán hầu hết là pháp lý hoàn chỉnh. Quy hoạch đa số được công khai, minh bạch, dễ dàng tra cứu...

Thông tin công khai, minh bạch, chính thức không thiếu, đừng để bị sập bẫy vì những hình ảnh trôi nổi trên mạng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.