Bế mạc Hội nghị T.Ư 8:

Sớm quyết định quy hoạch nhân sự T.Ư Đảng khóa XIV

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/10/2023 06:12 GMT+7

Sáng 8.10, sau 7 ngày làm việc, Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp bế mạc.

Tạo việc làm, tăng thu nhập

Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định hội nghị thống nhất cao cho rằng từ tháng 1-9 vừa qua, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu, khi kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Sớm quyết định quy hoạch nhân sự T.Ư Đảng khóa XIV - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc

TTXVN


Dự báo đến hết năm 2023, tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; thu ngân sách nhà nước có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 tỉ USD, trong đó xuất siêu khoảng 15 tỉ USD. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8% so với cùng kỳ…

Dù vậy, hội nghị dự báo thời gian tới tình hình thế giới có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn. Ở trong nước, bên cạnh thuận lợi, tiếp tục phải đối mặt với không ít hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức lớn.

Do đó, trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã được T.Ư đề ra tại hội nghị. Tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước để kịp thời có những quyết sách phù hợp, hiệu quả; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu của năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa XIII.

Thông qua nghị quyết hội nghị T.Ư 8 khóa XIII

Theo Văn phòng T.Ư Đảng, sáng 8.10, Hội nghị T.Ư 8 họp phiên bế mạc. Các ủy viên Bộ Chính trị trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị đối với các nội dung T.Ư đã thảo luận, cho ý kiến. Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về: Báo cáo tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 10.6.2012 của T.Ư Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về: tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 ngày 6.8.2008 của T.Ư Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 12.3.2003 của T.Ư Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về quy hoạch T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031; về thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 ngày 25.10.2013 của T.Ư Đảng khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sau đó, bà Trương Thị Mai trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị 8 T.Ư khóa XIII. T.Ư Đảng thông qua nghị quyết.

Nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại hội nghị, T.Ư Đảng đã nhất trí ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với nhiều nội dung kế thừa, phát triển quan trọng so với Nghị quyết T.Ư 5 khóa XI về chính sách xã hội.

Nghị quyết mới đã mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội, tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Với quan điểm chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, T.Ư đã thống nhất xác định mục tiêu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp mới, sát với tình hình thực tế và có tính khả thi cao.

Về tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần phải khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách để phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới. Bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới.

Cùng đó, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh toàn diện; giữ vững vai trò tiên phong, hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, động lực chủ yếu, là mục tiêu của đoàn kết dân tộc.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc VN, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng sáng tạo, thực sự đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phục vụ phát triển đất nước…

Bốn nguy cơ vẫn hiện hữu, sẽ diễn biến phức tạp

Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư khẳng định T.Ư Đảng nhất trí cao cho rằng trong 10 năm thực hiện nghị quyết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Tuy vậy, T.Ư Đảng cho rằng sắp tới tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong nước, "bốn nguy cơ" mà Đảng đã từng cảnh báo vẫn hiện hữu và sẽ diễn biến phức tạp, gay gắt hơn. Theo Tổng Bí thư, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống; những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu - nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng.

Cạnh đó, trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm và trong một số nhóm đối tượng còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... là những nguy cơ lớn. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết tăng cường các hoạt động với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi.

Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt nghị quyết mới của T.Ư về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng này. Luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Dựa vào dân, lấy "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân". Chú trọng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi…

Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới

Về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư lưu ý, tình hình mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải ban hành nghị quyết mới của T.Ư về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người VN thời đại mới...

Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển đồng bộ, toàn diện khoa học - công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.

Cùng đó, khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lãnh đạo, phát triển đội ngũ trí thức. Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học.

Đẩy mạnh việc huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức; đề cao trách nhiệm, tăng cường tính chủ động, tích cực của bản thân đội ngũ trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội nghề nghiệp trong đội ngũ trí thức...

Thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV

Về quy hoạch T.Ư Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngay sau hội nghị, căn cứ vào kết quả giới thiệu của T.Ư, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban đảng T.Ư và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch T.Ư Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031.

"Nếu phát hiện cán bộ có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch. Đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình T.Ư xem xét ở các hội nghị sau", Tổng Bí thư nêu rõ.

"Quy hoạch xong Ban Chấp hành T.Ư mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt", Tổng Bí thư khẳng định.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Cùng đó, tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới; lấy quy hoạch T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại hội nghị, T.Ư đã thảo luận và thống nhất quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, bao gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - xã hội; Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Điều lệ Đảng; và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Khi xem xét, quyết định thành lập các tiểu ban, T.Ư đã thảo luận, cho ý kiến điều chỉnh về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ và nhân sự cụ thể của từng tiểu ban; coi đây là công việc khởi đầu cho quá trình chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.

"Chúng ta đều biết, công tác cán bộ là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi chúng ta phải rất công tâm, khách quan, trong sáng, đặc biệt là phải có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", có khi "xanh vỏ mà đỏ lòng đấy", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.