Sớm loại bỏ việc đốt vàng mã

31/12/2022 05:45 GMT+7

Việc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM vận động phật tử đến viếng chùa chỉ đốt một nén nhang, nói không với vàng mã được bạn đọc ủng hộ.

Như Thanh Niên thông tin, chiều 29.12, tại TP.HCM diễn ra hội nghị ký kết thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Sở TN-MT TP.HCM với các tổ chức tôn giáo giai đoạn 2022 - 2026.

Theo Sở TN-MT TP.HCM, qua 5 năm triển khai, các tổ chức, cơ sở tôn giáo đã xây dựng được hàng ngàn mô hình, nhiều hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM cho hay các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động tăng ni, phật tử và người dân không đánh bắt cá dưới mọi hình thức được tổ chức thường xuyên. Ngoài ra, ban cũng tuyên truyền vận động phật tử không rải vàng mã khi đưa tang, hạn chế đốt vàng mã; vận động phật tử đến viếng chùa mỗi người chỉ đốt một nén nhang...

Việc vận động phật tử đến viếng chùa chỉ đốt một nén nhang, nói không với vàng mã được nhiều người ủng hộ

Vũ Phượng

Hết sức thiết thực và văn minh

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ việc tăng ni, phật tử, người dân nói không với việc đốt vàng mã. "Một việc làm đúng đắn nên mong các trụ trì, phật tử thực hiện theo chủ trương này. Thứ nhất là để tránh gây lãng phí, thứ hai là tránh làm ảnh hưởng đến môi trường... Trước mắt hạn chế từ từ, sau đó tiến tới loại bỏ triệt để hủ tục này", BĐ Xuân Hùng ủng hộ.

Cùng quan điểm, BĐ Lương Huy viết: "Cá nhân tôi thấy cần thực hiện ngay và luôn. Từng bước đơn giản hóa các lễ nghi truyền thống như thế cũng là cách bài trừ những hủ tục lạc hậu. Chỉ có như vậy thì bọn xấu không lợi dụng lòng tin của các phật tử mà lợi dụng, trục lợi cá nhân. Việc đốt một nén nhang cũng cần có quy định tại chùa, chứ mỗi lần đi lễ chỉ thấy khói là khói".

"Hình thức vận động bảo vệ môi trường của các tôn giáo rất cần và có nhiều ý nghĩa. Hạn chế đốt vàng mã, đốt nhang là đúng đắn", BĐ Phuong Nguyen ý kiến.

BĐ Hoàng Trang viết: "Tôi ủng hộ việc hạn chế đốt vàng mã, bởi đó là cách thiết thực góp phần bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan. Nhiều người lợi dụng vào đó mà trục lợi, còn chưa kể gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ cao, đã từng có nhiều vụ đốt vàng mã gây hỏa hoạn với hậu quả rất nghiêm trọng xảy ra rồi. Tính thử xem mỗi năm chúng ta đã lãng phí bao nhiêu cho hủ tục này?".

Hạn chế và tiến tới loại bỏ triệt để

Nhiều ý kiến mong việc này không chỉ dừng lại ở chuyện vận động người dân khi đến viếng chùa mà có thể nhân rộng ra cộng đồng và tiến tới loại bỏ triệt để. "Nói thật, nhìn cảnh chùa nghi ngút khói trong những ngày lễ tết mà tôi không dám đến. Nhiều người đốt nhang cho lắm vào rồi chỉ ở đó hít khói. Tu thì ở trong tâm, một nén nhang cũng là lòng thành mà. Mong rằng việc làm thiết thực này không chỉ áp dụng trong chùa mà còn trong xã hội", BĐ Long Giang ý kiến.

Còn BĐ Bùi Tùng viết: "Hạn chế đốt vàng mã, đốt hương là đúng đắn. Mỗi năm, nhất là dịp cuối năm, chúng ta đã tốn quá nhiều tiền cho hủ tục này rồi. Tại sao không dùng số tiền đó mà giúp đỡ người nghèo, người khó khăn để tích đức cho bản thân và gia đình, có phải thiết thực hơn không? Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận thẳng vấn đề và mạnh dạn loại bỏ những tục lệ lạc hậu như thế này. Nó không chỉ gây lãng phí cho gia đình, xã hội mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy từ việc hỏa hoạn do đốt nhang, đốt vàng mã".

"Chùa là nơi thanh tịnh, để người ta tịnh tâm thay vì phải chen chúc, ngột ngạt vì khói nhang mù mịt. Về tục đốt vàng mã, tôi nghĩ lẽ ra phải bỏ từ lâu rồi. Đó không phải là tục trong nhà Phật lại còn có nhiều hệ lụy nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nhà… Cần đơn giản các tập tục truyền thống để phù hợp với hiện tại. Mong rằng việc này sẽ nhân rộng ra cộng đồng. Việc đốt vàng mã cần phải hạn chế dần dần, tiến tới loại bỏ triệt để", BĐ Chí Bảo ý kiến.

Tín ngưỡng mà ảnh hưởng đến môi trường, gây mất mỹ quan nơi công cộng thì chúng ta cần xem xét lại.

Trúc Lê

Biết là việc này đã ăn sâu vào văn hóa tín ngưỡng của người dân, tuy nhiên nếu không còn phù hợp với xu thế thì mạnh dạn loại bỏ.

Nga Đặng

Những năm gần đây, tục đốt vàng mã ngày càng trở nên thái quá, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, không còn nhiều ý nghĩa tốt đẹp là hướng về tổ tiên, nguồn cội, nên sớm loại bỏ.

Bình Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.