Sôi động mua sắm trước tết

05/02/2024 04:20 GMT+7

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thế nên những ngày này, nhu cầu mua sắm đã tăng cao hơn. Những chiếc xe chở hoa, cây cảnh, giỏ quà... lướt đi trên phố cho thấy mùa xuân đã đến rất gần.

Khách "sộp" chi tiền tỉ chơi mai

Từ cuối tuần qua, các chợ hoa xuân trên địa bàn TP.HCM nhộn nhịp khách tham quan, mua sắm. Đặc biệt, dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn không hiếm trường hợp khách xuống tay chi tiền tỉ để có cây hoa chưng tết đẹp nhất.

Có mặt tại chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (Q.7), được mệnh danh là chợ hoa "nhà giàu" bởi luôn hội tụ nhiều nhất các tác phẩm hoa kiểng "độc lạ" với giá tiền tỉ. Năm nay, dù số lượng có giảm nhẹ nhưng sản phẩm cao cấp không thiếu. Khoảng 11 giờ ngày 4.2 (25 tháng chạp), dưới cái nắng gay gắt 34 - 35 độ C, chợ vẫn nhộn nhịp nhờ lượng khách ngày càng đông. Khách đến chợ hoa này phần lớn bằng ô tô, mỗi xe "khuân" ít nhất 5 - 7 chậu các loại từ cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc họa mi, hoa thủy tiên, mẫu đơn, vạn thọ… Giá các loại hoa trang trí này dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/cặp.

Sôi động mua sắm trước tết- Ảnh 1.

Một trong 4 gốc mai vàng được chốt giá trên 1 tỉ đồng

Chí Nhân

Chị Ngọc Thu, sống trong khu Phú Mỹ Hưng, cho biết những năm trước đã mua mấy gốc mai cổ về chơi, hết tết chở đi nhà vườn thuê người chăm sóc. Nhờ có nghệ nhân chuyên nghiệp nên năm nào mai nhà chị nở cũng đúng tết, rất đẹp. Thế nên chị chỉ cần mua thêm khoảng chục loại hoa trang trí là nhà cửa đủ rực rỡ sắc xuân. "Mùa xuân là mùa của cỏ cây hoa lá đơm hoa kết trái. Thiếu màu sắc rực rỡ của các loại hoa cũng làm giảm đi cái không khí tết nhất. Mình tốn tiền chơi hoa, nhưng bù lại là cảm giác vui tươi phấn khởi, may mắn, thuận lợi trong cuộc sống cho khởi đầu một năm mới", chị Thu chia sẻ.

Có lẽ cùng suy nghĩ đó mà trưa 25 tết, tại chợ hoa này, một vị khách đã chốt đơn hàng trị giá hơn 1 tỉ đồng gồm 4 cây mai cỡ đại để mang về nhà. Chủ vườn mai Q.C cho hay ngoài khách "sộp" này còn bán được thêm một gốc mai cổ khác giá gần 300 triệu đồng. Đối với những đơn hàng "tiền tỉ", chủ vườn phải thuê xe cẩu đến để di chuyển mai về tận nhà cho khách. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong buổi sáng cuối tuần, phần lớn những cây mai giá trị cao của nhà vườn Q.C đã được bán hết. Những sản phẩm còn lại có giá rẻ hơn, khoảng vài chục triệu đồng/loại. Đại diện chủ vườn cho biết nếu khách có nhu cầu thêm thì họ vẫn còn hàng "độc lạ" tại vườn và có thể giao trực tiếp đến nhà. "Do lúc này đã cận tết nên tôi không cho đưa thêm hàng về chợ hoa, nhưng nếu khách có nhu cầu, vẫn có thể đáp ứng được", người bán nói.

Sôi động mua sắm trước tết- Ảnh 2.

Nhà vườn tại chợ hoa công viên 23.9 tấp nập chốt đơn

Chí Nhân

Tại chợ hoa "nhà giàu", những gốc mai đẹp với giá 700 - 800 triệu đồng/gốc; cỡ vừa giá từ 10 - 30 triệu đồng/gốc rất nhiều. Tương tự, cúc đại đóa Nha Trang cỡ đại có giá khoảng 8 - 10 triệu đồng/cặp, cỡ trung là 6 triệu đồng/cặp và nhỏ khoảng 4 triệu đồng/cặp cũng ngập tràn.

Nếu như chợ hoa Phú Mỹ Hưng "nóng" từ thời tiết đến giá thì dù giữa trưa, chợ hoa tại công viên 23.9 vẫn mát rượi. Dưới các tán cây cổ thụ, hàng chục loại hoa khác nhau khoe sắc rực rỡ; các nhà hàng, quán cà phê gần đó vang lên những khúc nhạc mừng xuân; nhiều đôi nam thanh nữ tú, các gia đình trẻ, khách du lịch cũng tranh thủ chụp ảnh lưu niệm… khiến người ta có cảm giác tết đã đến thật gần. Vì là chợ trung tâm nên không khí mua bán ở đây sôi động hơn nhiều nơi khác. Một khách hàng tuổi trung niên mua hàng chục chậu lan cỡ lớn và nhiều gốc đào to cho biết hoa này sẽ được giao đến một số ngôi chùa trong thành phố để cúng dường. Đây là thói quen của bà nhiều năm qua và mỗi năm đều dành "ngân sách" vài trăm triệu đồng cho việc này.

Chủ nhà vườn Nguyễn Văn Tư, chuyên bán các loại cúc, vạn thọ, chia sẻ: Trồng ra một chậu hoa đẹp rất vất vả nhưng chợ hoa tết mỗi năm cũng chỉ họp có mấy ngày. Năm nay khó khăn, nhà vườn của ông Tư đã chủ động giảm giá bán so với giá năm ngoái, các loại hoa chỉ từ 200.000 - 400.000 đồng/cặp. "Chúng tôi hy vọng bà con thành phố ủng hộ nhà vườn và thương lái, mua hoa sớm về chưng tết để chúng tôi cũng được hưởng niềm vui đón giao thừa bên gia đình", ông Tư thật thà nói.

Thực phẩm hút khách, hàng xa xỉ ế ẩm

Cũng phải đến những ngày nghỉ cuối tuần qua, người dân TP.HCM mới tất bật mua sắm chuẩn bị cho kỳ nghỉ tết sắp tới. Trưa 4.2, tại Trung tâm thương mại Thiso Mall, TP.Thủ Đức, khách mua sắm tập trung ở tầng siêu thị E-mart với các mặt hàng được chọn lựa nhiều nhất là thực phẩm, bánh kẹo, hàng gia dụng. Anh Bùi Tường Nhân, ngụ tại P.An Khánh, TP.Thủ Đức, nói: "Tranh thủ những ngày gần tết, tôi cùng gia đình đi mua sắm thêm vài thứ để chuẩn bị nghỉ tết. Các loại thực phẩm đã được dự trữ đầy đủ, hôm nay chỉ mua thêm bánh kẹo, mì gói cho mấy đứa nhỏ". Theo quan sát của PV Thanh Niên, khu vực tính tiền tại E-mart đã phải hoạt động hết công suất, mở tất cả các quầy để thanh toán nhanh nhất cho khách. Tuy vậy, lượng khách xếp hàng chờ thanh toán đông hơn ngày thường rất nhiều.

Tại siêu thị MM Mega Market trên đường Song Hành, TP.Thủ Đức, khách mua sắm vào cuối tuần cũng đã tăng lên rõ rệt. Xếp hàng chờ tính tiền khá lâu tại quầy thu ngân, chị Đoàn Thủy, ngụ tại Q.Bình Thạnh, chia sẻ: "Tôi thường chọn mua sỉ các loại thực phẩm và sữa cho các con ở đây để được giảm giá. Còn mấy ngày nữa đến tết, tôi tranh thủ mua các mặt hàng để trưng bày, cúng kiếng và dự trữ thêm thực phẩm như thịt, trứng, cá cho kỳ nghỉ dài ngày". Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng ghi nhận lượng khách mua sắm tăng cao. 

Tại siêu thị Co.opmart trên đường Xa lộ Hà Nội, TP.Thủ Đức, khách ùn ùn mua sắm các mặt hàng thực phẩm, đồ khô, đồ gia dụng, chen chúc ở khu vực tính tiền. Chị Lê Bích Phượng, ngụ tại P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, nhận định: "Năm nay kinh tế khó khăn, tôi làm công việc bảo mẫu mà còn bị thất nghiệp mấy tháng. Công ty của chồng tôi thì cũng giảm lương vì ít đơn hàng. Mặc dù vậy đến gần tết cũng phải tranh thủ mua thực phẩm để dự trữ. Nghe nói người dân đổ về quê nghỉ tết sớm rất nhiều nhưng không ngờ khách đi mua sắm ở TP.Thủ Đức vẫn còn rất đông".

Sôi động mua sắm trước tết- Ảnh 3.

Người bán cân đong không ngơi tay tại chợ An Đông sáng qua (25 tháng chạp)

Lam Nghi

Tương tự, tại Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall, khách đến vui chơi, mua sắm giải trí cũng tăng lên rõ rệt vào cuối tuần. Tuy nhiên, ở những khu vực bán hàng không thiết yếu như thời trang, giày dép… vẫn khá vắng vẻ, khách tham quan chủ yếu tập trung ở tầng trệt với các mặt hàng ẩm thực, đồ giảm giá và gia dụng cần thiết. Tại Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, Q.5 cũng tương tự. Khu vực tầng trệt, nhiều thương hiệu bán giảm giá từ 30 - 70%, song rất ít khách đến mua sắm. 

"Những sản phẩm này gần như đã hết hàng, không đủ size nên công ty đang bán thanh lý, giảm giá", nhân viên bán hàng của một công ty may mặc cho biết. Các khu vực khác ở trung tâm thương mại này bán những mặt hàng xa xỉ như quần áo thời trang, túi xách, đồng hồ, điện thoại… hầu như đều vắng khách, nhiều nhân viên bán hàng rảnh rỗi bấm điện thoại cho hết thời gian.

Giỏ quà tết "dội chợ", hàng sale tràn ra đường

Khảo sát tại các chợ truyền thống lớn trên địa bàn TP.HCM, cảnh mua bán còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng sức mua sẽ tăng mạnh vào tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ tết. Những năm trước, các quận Tân Bình, 5, 6… là những khu vực chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sớm nhất trên địa bàn do có nhiều chợ đầu mối cũng như các tuyến đường chuyên cung cấp sỉ hàng hóa. Tuy vậy, đến ngày 25 tháng chạp, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, cảnh người mua, người bán lẫn hàng hóa đều "ngót" đi rất nhiều.

Đặc biệt, hàng hóa mua sỉ hầu như không còn, chỉ lác đác khách mua lẻ. Tại chợ Tân Bình, cảnh đóng hàng chở đi tỉnh đến ngày 4.2 hầu như biến mất. Thay vào đó, nhiều quầy sạp trong chợ và khu vực chợ đã đóng cửa nghỉ tết. Các quầy sạp hàng tồn nhiều, tiểu thương đổ đống tràn ra những tuyến đường quanh để bảng sale với giá "rẻ chưa từng thấy". Một chiếc áo đầm thời trang, theo người bán hàng, ngày thường giá sỉ 220.000 - 250.000 đồng, bán lẻ giá 280.000 - 350.000 đồng, nay được bán đồng giá 120.000 đồng/chiếc. Tương tự, quần jeans nam đổ đống giá 60.000 - 65.000 đồng/chiếc, áo sơ mi nam 40.000 đồng/chiếc. 

"Chợ sale hàng cuối năm là dành cho nhà nghèo, người bận rộn làm ăn chưa kịp sắm đồ tết... Cả năm mua bán, cuối năm kẹt quá ghé qua cũng tậu được bộ đồ mới chưa bằng nửa giá mấy ngày trước. Nhiều người canh hàng sale cuối năm, dại gì không sắm. Ra năm, giá lại tăng lại như cũ", bà Diệu, bán hàng sale trên đường Lê Minh Xuân (Q.Tân Bình), giới thiệu. Ngay cả mặt hàng áo dài diện tết cho trẻ em lẫn người lớn cũng giảm giá hàng loạt nhằm giải quyết bớt hàng tồn kho.

Sôi động mua sắm trước tết- Ảnh 4.

Các siêu thị mở hết các quầy thu ngân để tính tiền cho khách

Quang Thuần

Tương tự, tại chợ An Đông (Q.5), chủ yếu khách mua lẻ hàng thời trang áo quần, song cũng rất ít. Nhiều chủ sạp tại chợ thở dài cho biết họ ra mở sạp chủ yếu chờ lấy nợ nghỉ tết, chứ bán hàng thời trang lúc này không ăn thua nữa. An ủi hơn là khu vực tầng hầm chợ An Đông, khách mua sắm hàng đồ khô, mứt bánh kẹo, hạt các loại vẫn nhộn nhịp, tấp nập. Có nhiều quầy sạp, khách chờ mua lớp trong lớp ngoài không chen vào được. Người bán cân, tính tiền không ngừng. Khách mua hàng tại chợ chủ yếu là Việt kiều, Hoa kiều… mỗi người mua nhiều loại hàng khô, mứt bánh đóng thành từng thùng đưa đi. "Hàng đồ khô có thể mở bán đến cận tết, khách quen, mối quen vẫn đến mua hàng cho đến 29 tết. Giá các mặt hàng không tăng, không giảm, y như giá bán từ nửa tháng trước", chị Nhung bán hàng tại An Đông cho hay.

Dạo một vòng quanh chợ Bến Thành, Q.1, tình hình mua sắm trong ngày cuối tuần trước khi nghỉ tết cũng khá vắng vẻ, các quầy hàng trái cây hầu như không có bóng người. Du khách nước ngoài chủ yếu tập trung ở khu vực ẩm thực, hoặc mua sắm các loại bánh mứt tết truyền thống. Phía trước cổng chợ Bến Thành, một chợ phiên ẩm thực tết đã được trang hoàng, thu hút khá đông khách đến chụp hình, thưởng thức các món ăn. Không khí tết tập trung ở khu vực này, thay vì phía trong chợ.

Đáng nói, mặt hàng giỏ quà tết đến nay chính thức "dội chợ". Dọc các tuyến đường An Dương Vương, Hùng Vương, Âu Cơ, Ba Tháng Hai, Châu Văn Liêm… nơi chuyên "trị" giỏ quà tết, đến 25 tháng chạp, kẻ mua người bán đều giảm mạnh. Trên đường An Dương Vương, chủ các cửa hàng trái cây lớn trưng bán các giỏ quà tết bánh kẹo, rượu, mứt, hạt… từ rất sớm nhưng cũng rất ế. Nhân viên bán hàng tại điểm bán giỏ quà trên đường Châu Văn Liêm (Q.5) buồn bã nói khách mua sỉ đến giờ này hoàn toàn không có, chỉ khách mua lẻ và cũng chỉ mua giỏ có giá trị thấp dưới 1 triệu đồng. Các giỏ quà to, sang với giá trên 1,8 triệu đồng không ai hỏi đến.

Lúc 11 giờ 45 phút, tại điểm bán giỏ quà tết lớn nhất trên đường An Dương Vương, có 2 khách ghé mua giỏ quà để đi đám, giá 590.000 đồng. Người bán cho biết mức giá thấp nhất ở đây là 550.000 đồng/giỏ quà, loại 590.000 đồng sẽ có thêm lon Coca nhập từ Nhật. Người bán cho hay từ sáng đến giờ, đây là vị khách hàng thứ ba của cửa hàng. Trong khi đó, cửa hàng đang trưng bày ước tính khoảng 200 giỏ quà các loại, trị giá từ 550.000 - 2,5 triệu đồng. Tại cửa hàng T.T trên đường Ba Tháng Hai, có 2 phụ nữ vào mua 2 giỏ quà tết, trị giá mỗi giỏ 1,45 triệu đồng sau khi được giảm 50.000 đồng/giỏ. "Các mặt hàng đồ khô, chủ yếu bánh kẹo, rượu, nước giải khát. Không bán được trước tết thì bán sau tết. Hàng không hết "date" nên không có chuyện giảm giá bán lỗ", chủ cửa hàng bán hàng tết trên đường Ba Tháng Hai nói cứng.

Đúng như dự báo, nhu cầu mua sắm hàng hóa tết năm nay giảm mạnh. Tuy vậy, không khí, hương vị, mùi tết đã len lỏi khắp nơi. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, những giỏ quà tết, những chuyến xe chở cành đào, cây mai, chậu hoa vạn thọ… trên đường phố vẫn ngày càng nhiều hơn. Những gam màu tươi vui như kỳ vọng một mùa xuân mới ấm áp hơn, an lành hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1.2024, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2024 ước đạt 524.100 tỉ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng khá cao, song vẫn thấp hơn mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá cả, theo Tổng cục Thống kê, mức tăng là 5,8%, cũng thấp hơn con số 9,1% của cùng kỳ năm ngoái. Trong một báo cáo nghiên cứu về tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN năm 2023, do Ngân hàng UOB công bố vào tháng 11.2023, thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá lạc quan, với 76% số người được hỏi kỳ vọng tình hình tài chính cá nhân sẽ tốt hơn vào tháng 6.2024, cao hơn con số 74% của Indonesia và 68% của Thái Lan.

Hơn 1.000 đặc sản từ 30 tỉnh thành đổ về phiên chợ "Tết xanh - Quà Việt" ở TP.HCM

Từ ngày 3 - 6.2, tại số 135A Pasteur, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cùng với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức phiên chợ "Tết xanh - Quà Việt" phục vụ tết. Phiên chợ bán gần 1.000 sản phẩm nông nghiệp đặc sản dùng trong dịp tết, mở cửa phục vụ người tiêu dùng từ 7 giờ 30 - 20 giờ mỗi ngày. Điểm ấn tượng nhất của phiên chợ là những đặc sản từ các địa phương mà ngày thường người dân TP.HCM không dễ thưởng thức được. Chẳng hạn, món nem Thanh Hóa được bọc lá chuối, nướng lên, cuộn với lá sung, lá đinh lăng được chủ gian hàng đặc sản xứ Thanh mời khách ăn thử tại phiên chợ; hay món bánh chưng Đất Tổ được gói từ nếp cái hoa vàng rất dẻo và có mùi thơm đặc biệt; đậu xanh được dùng làm nhân phải là loại đậu hạt gié, nhỏ và được chế biến nguyên hạt… Bên cạnh đó, những sản phẩm hiện đại như nước tương làm từ mật hoa dừa, bánh bao cá chép… cũng được giới thiệu tại phiên chợ này. Đây là phiên chợ tết lần thứ 10 được tổ chức tại TP.HCM bởi Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.