Số doanh nghiệp thành lập mới lập kỷ lục

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/01/2024 07:31 GMT+7

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế VN năm 2023, với gần 159.300 doanh nghiệp mới, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Bước sang năm 2024, để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả nói trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có chính sách để khu vực đầu tư tư nhân không phải gửi tiền vào ngân hàng mà để tiền làm ăn.

Số doanh nghiệp thành lập mới lập kỷ lục- Ảnh 1.

Chính sách cho năm 2024 cần tập trung hỗ trợ phục hồi sản xuất, bất động sản, xây dựng

ĐÌNH SƠN

Bức tranh DN năm 2023 cho thấy chúng ta giữ được ổn định vĩ mô, đã "lách" thành công qua khe cửa hẹp để thoát khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước. Tuy vậy, cần xác định đây vẫn là một năm cực kỳ khó khăn với DN nội địa. Thế nên, chính sách cho năm 2024 cần tập trung hỗ trợ phục hồi sản xuất, kể cả ngành xây dựng, bất động sản.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐHQG Hà Nội)

Nỗ lực đã có kết quả

Theo Bộ KH-ĐT, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong năm 2023 đạt mức kỷ lục "xưa nay chưa từng có", gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm. Bên cạnh đó còn có 58.400 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217.700 DN, tăng 4,5% so với năm 2022.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nhấn mạnh đây là con số rất tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn đang rất bất định. Bởi trong thế giới bất định như vậy thì khó mà xác định khả năng tăng trưởng hay những biến động sắp diễn ra. Thế nên kỷ lục về số DN thành lập mới nói trên là kết quả từ nỗ lực rất lớn của nhiều bên.

Số doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục

"Trong quý đầu năm, số DN đăng ký giảm ngay 2% so cùng kỳ; số DN rút khỏi thị trường cũng rất cao, rất đáng lo ngại. Các quý tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đặc biệt là các chính sách tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, nên lượng DN mới và số DN quay lại thị trường đã tăng trở lại, tạo nên con số kỷ lục của cả năm", ông Thành phân tích.

Nhìn từ khách quan, năm qua, những đối đầu về chính trị, căng thẳng, xung đột xảy ra tại một số nơi trên thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó là những lo ngại về an ninh năng lượng, lương thực, thiên tai… Trong bối cảnh như vậy, VN trở thành một trong những điểm sáng về ổn định kinh tế - chính trị vĩ mô, về cung ứng…

"Chính phủ đã nỗ lực xử lý hàng loạt vấn đề về thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, trái phiếu DN hay thị trường bất động sản. Kết quả là tỷ giá hiện đã khá ổn định, dự trữ ngoại hối tương đối tốt, lãi suất huy động và lãi vay đã giảm… Có thể nói giai đoạn khó khăn của nền kinh tế đã qua nhờ tình hình được cải thiện", TS Võ Trí Thành phân tích.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐHQG Hà Nội), cũng cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, không chỉ trong năm 2023 mà là đòn bẩy cho năm 2024. Số DN thành lập mới tăng, theo TS Nguyễn Quốc Việt, xuất phát từ 2 nguyên nhân. Đó là số hộ kinh doanh trước đây cần làm ăn chính thức, được yêu cầu chuẩn hóa đầu ra, đầu vào hóa đơn chứng từ nên chuyển đổi sang hình thức DN. Việc minh bạch chính thức hóa nền kinh tế, nhất là cải cách thuế, kế toán đã khiến một bộ phận kinh tế ngầm phải chuyển dịch sang thành lập DN chính thức.

Bên cạnh đó, trước đòi hỏi mới, những cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, thị trường thương mại điện tử cũng phải đăng ký kinh doanh. Thế nên, số DN thành lập mới thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong năm 2023 tăng mạnh, nhưng số vốn đăng ký mới vẫn còn khá nhỏ bé so với số DN. Trong thực tế, người dân chưa sẵn sàng "bung tiền" đầu tư làm ăn, kể cả đầu tư mạo hiểm. Đây cũng là năm đầu tiên Bộ KH-ĐT có công bố về tỷ trọng kinh tế số. Chính nhóm này là động lực thúc đẩy thành lập DN mới, thúc đẩy tăng trưởng, thậm chí đã "cứu" một số lĩnh vực, theo ông Việt.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 2.1: Số doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục | Vàng sẽ lập đỉnh mới năm 2024

Duy trì chính sách hỗ trợ DN, "nhặt nhạnh" cơ hội

Từ đó, các chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại việc vốn đổ vào nền kinh tế vẫn chưa cao tương xứng với số DN tham gia thị trường. Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh lưu ý số DN đăng ký tăng nhưng tổng số vốn đăng ký thành lập DN bổ sung vào nền kinh tế năm nay chỉ đạt khoảng 3,55 triệu tỉ đồng, giảm hơn 25% so năm trước. Điều này cho thấy dù niềm tin kinh doanh vẫn được duy trì nhưng việc mạnh dạn để "xuống tay chơi lớn", bỏ tiền ra để đầu tư kinh doanh của DN không như trước. Cho dù số DN thành lập mới làm dịch vụ nhiều hơn, không cần số vốn lớn song nền kinh tế phục hồi tốt hay không thì cần nhìn vào nguồn tài chính đổ vào đó. Thế nên, các chính sách trong năm tới, một mặt củng cố ổn định, mặt khác phải tiếp tục cải cách, kích thích tăng trưởng mới phục hồi tốt được.

Lấy dẫn chứng hình ảnh những mặt bằng tại khu vực trung tâm TP.HCM bị trả lại trong đại dịch đến nay vẫn còn treo bảng cho thuê với chi chít số điện thoại môi giới, TS Nguyễn Quốc Việt nhận định sức khỏe của nền kinh tế, đặc biệt lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng vẫn còn yếu, trong khi đó mới là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Chưa kể, số DN thành lập mới trong các lĩnh vực sản xuất không những không tăng lên mà số rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 cũng khá nhiều.

"Bức tranh DN năm 2023 cho thấy chúng ta giữ được ổn định vĩ mô, đã "lách" thành công qua khe cửa hẹp để thoát khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước. Tuy vậy, cần xác định đây vẫn là một năm cực kỳ khó khăn với DN nội địa. Thế nên, chính sách cho năm 2024 cần tập trung hỗ trợ phục hồi sản xuất, kể cả ngành xây dựng, bất động sản", TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý.

TS Võ Trí Thành cũng đồng quan điểm và nhận định khó khăn có thể còn đeo đẳng trong năm 2024 bởi tổng cầu tiêu dùng thế giới chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, trong nước, thị trường bất động sản đang nỗ lực phục hồi, thanh khoản có dấu hiệu tích cực, các chính sách kích cầu, xuất khẩu đầu tư đã mang lại tín hiệu tốt hơn…, đó là nền tảng để ổn định vĩ mô, tăng trưởng. Từ đó, ông đề xuất cần duy trì chính sách hỗ trợ DN trong năm 2024.

Đó là nhóm chính sách tiền tệ hỗ trợ tổng cầu bằng hình thức kích thích du lịch, giảm thuế giá trị gia tăng, và mới đây là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Làm thế nào để khu vực đầu tư tư nhân không phải gửi tiền vào ngân hàng mà để tiền làm ăn. Thứ hai là sớm sửa đổi các bộ luật cũ đã không còn thích hợp với tình hình mới như luật Điện lực, Đất đai, Nhà ở, Đấu thầu… Thứ ba là thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ông nhấn mạnh: "Đây là lúc cần nhặt nhạnh cơ hội và cần chuyển đổi linh hoạt để tận dụng tối đa cơ hội. Chúng ta đang đẩy mạnh thu hút công nghiệp bán dẫn, đầu tư xanh, năng lượng tái tạo… nên cần chính sách đi kèm phải bắt nhịp với nhau. Không thể chờ quá 3 năm, mà phải cố gắng nắm bắt cơ hội trong vòng 3 năm tới".

Nỗ lực giải ngân đầu tư công tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt tại đầu tàu kinh tế cả nước đã đẩy các tín hiệu tích cực đi lên. Bên cạnh đó, các chính sách giãn hoãn nợ thuế, cơ cấu lại tín dụng, duy trì giảm thêm 2% thuế giá trị gia tăng… hỗ trợ DN và người tiêu dùng có tác dụng hỗ trợ phần nào. Điều này cho thấy lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với VN vẫn rất lớn.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.