Giảm giá cước kiểu đối phó

16/11/2014 03:52 GMT+7

Dù đã có đến 9 lần giảm giá xăng nhưng phải sau nhiều phản ứng gay gắt, liên tục từ người tiêu dùng, một số ít hãng xe vận tải hàng hóa, vận tải hành khách liên tỉnh mới chấp nhận giảm giá cước . Tuy nhiên, việc giảm giá này còn quá ít, lẻ tẻ, mang tính đối phó hơn là cầu thị thực sự.

Có thể thấy mức giảm cước vận tải còn quá thấp so với mức tăng giá trước đây, chỉ giảm từ 5 - 7%, trong khi cách đây hơn 3 tháng, giá cước vận tải hàng đã tăng lên đến 50%.

Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn tính toán, cách đây hơn 3 tháng, khi giá xăng tăng hồi đầu tháng 7, các công ty vận tải đã tăng giá cước vận chuyển lên đến 50%, từ 2.200 đồng/kg lên 3.300 đồng/kg. Chi phí cước vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh hằng tháng của công ty đã tăng từ 500 triệu đồng lên 750 triệu đồng. Đến nay thì giá xăng đã giảm gần 20%, trong khi mức giảm giá cước chỉ mới từ 5 - 7% là quá ít. Theo nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giá cước vận tải tính đến thời điểm hiện tại cần giảm từ 15 - 20% mới hợp lý và công bằng.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đã và đang đăng ký điều chỉnh giá cước hiện nay cực kỳ thấp. Bến xe Miền Đông (TP.HCM) cho biết tính đến giữa tháng 11, chỉ có 3% hãng xe thông báo giảm giá cước. Trên 300 hãng xe ở Hà Nội cũng chỉ có 15 doanh nghiệp (chiếm 5%) nộp hồ sơ xin điều chỉnh giá cước vào ngày cuối tuần. Theo ông Trần Nguyễn Lê Văn, sáng lập và quản lý trang web vexere.com (hệ thống đặt vé trực tuyến và cổng thông tin vé xe khách lớn nhất VN với trên 1.000 hãng xe), lý do mà các hãng xe "lần chần" không chịu giảm cước mà ông được biết là vì sắp đến dịp lễ tết, giá cước vận tải nói chung sẽ tăng vài chục phần trăm nên các hãng xe lo nếu giảm giá bây giờ sẽ rất khó xin tăng giá cước vào dịp Tết. Cách làm của các hãng xe là phớt lờ dư luận, mặc kệ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, của hành khách, những người đang nuôi sống họ. Đó là kiểu làm ăn với tư duy ích kỷ, chỉ thấy lợi cho mình trước mắt.

Trước ngày xăng giảm 950 đồng/lít trong đợt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải có biện pháp yêu cầu các hãng xe giảm giá cước vận tải. Thậm chí, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã phải khuyên người dân nên tẩy chay doanh nghiệp vận tải nào đến bây giờ vẫn còn giữ nguyên giá cước. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các hãng xe giảm giá cước, Bộ Tài chính cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra về chi phí, giá thành cước vận tải của các hãng xe... Báo Thanh Niên cũng phản ánh mạnh mẽ sự bất hợp lý về giá cước, tuy nhiên, đến giờ, các nỗ lực đó của xã hội có vẻ chưa "ép phê" gì với các hãng xe “thích tăng ngại giảm”.

 Thiết nghĩ “căn bệnh” này cần một liều thuốc mạnh hơn, từ các cơ quan quản lý, không thể chỉ là đề nghị, yêu cầu tính tự giác… của các hãng xe nữa. Sức mua đang thấp dù thời điểm cuối năm đang đến. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối đang cố gắng giảm giá, khuyến mãi, kích cầu thì việc các hãng xe cương quyết không hạ giá cước sẽ khiến các nỗ lực đó khó có thể thành công. 

Nguyên Nga

>> Nhiều hãng taxi, xe khách giảm giá cước
>> Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương giảm giá cước vận tải
>> Cần có giải pháp giảm giá cước
>> Làm ngơ chuyện giảm giá cước
>> Taxi Mai Linh giảm giá cước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.