TNO

Sinh viên Trung Quốc đua du học Mỹ để có việc làm

17/03/2015 15:26 GMT+7

(Tin Nóng) Hiện nay, sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học tại Mỹ có số lượng vượt trội hơn bất kỳ nước nào khác. Lý do là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tại Trung Quốc đa số không tìm được việc làm, nên ngày càng nhiều học sinh trung học dồn sức cho nỗ lực du học, nhất là vào Mỹ.

(Tin Nóng) Hiện nay, sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học tại Mỹ có số lượng vượt trội hơn bất kỳ nước nào khác. Lý do là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tại Trung Quốc đa số không tìm được việc làm, nên ngày càng nhiều học sinh trung học dồn sức cho nỗ lực du học, nhất là vào Mỹ.


Sinh viên Trung Quốc tại Đại học Nam California, ở Los Angeles - Ảnh: AFP

Đua luyện thi để được du học

Hành trình vào một trường đại học ưu tú tại Mỹ sẽ gặp nhiều thử thách hơn, và số sinh viên vượt qua thách thức theo cách khác thường vẫn đang gia tăng.

Gaokao (cao khảo) được biết đến với một kỳ thi đại học nghiêm ngặt tại Trung Quốc mà các sinh viên phải mất nhiều năm chuẩn bị. Các yếu tố quyết định một suất vào đại học của học sinh trung học qua kỳ cao khảo là nguyên nhân gây áp lực, căng thẳng và đôi khi cả việc gian lận giữa các thí sinh.

Tuy nhiên, do sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Trung Quốc không tìm được việc làm, nên ngày càng nhiều học sinh trung học dồn việc nỗ lực học tập ở nước ngoài. Theo số liệu từ Viện Giáo dục Quốc tế, sinh viên Trung Quốc hiện chiếm 31% sinh viên quốc tế tại các trường đại học ở Mỹ. Trái lại, thí sinh cao khảo năm 2012 lại đạt mức thấp với khoảng 9 triệu thí sinh so với đỉnh điểm 10,5 triệu trong năm 2008. Theo báo Financial Times, vào phút chót của kỳ thi năm 2013, đã có thêm một triệu học sinh quyết định rút lui.

Áp lực ở các kỳ cao khảo trước, nay lại rơi vào các học sinh thi SAT, ACT và TOEFL. Scott Wang, một giáo viên trung học đã làm việc với học sinh nộp đơn vào các trường đại học Mỹ, cho biết họ đang dồn mọi nỗ lực trong học tập: “Năm năm trước, tôi không thể thuyết phục được ai nghĩ đến việc thi lấy chứng chỉ ACT. Tôi phải xin, thậm chí sẽ trả lệ phí nếu chịu thi và đạt điểm cao, vì tôi biết em ấy có khả năng. Năm nay có đến một nửa số học sinh chấp nhận thi ACT”.

Theo ông Wang, các bậc cha mẹ giàu có đã sốt sắng để con em họ được nhận vào các trường đại học Mỹ. Một gia đình nhất mực yêu cầu Wang dạy thêm kiểu ‘một kèm một’ cho con, từ 1 đến 3 giờ sáng - khoảng thời gian rảnh rỗi duy nhất của con. Một gia đình khác còn gửi con đến trại luyện thi SAT dưới chiêu bài đi nghỉ hè tại Hàn Quốc. Các bậc cha mẹ còn cùng lúc thuê nhiều người chuyên lo việc xin vào đại học. Wang cho biết năm ngoái một trong các học sinh của mình được luyện thi SAT với 3 công ty dạy kèm khác nhau. Wang hỏi: “Sao phải lo đến vậy?”, em học sinh trả lời: “Vì ba mẹ em muốn ‘chắc ăn’”.

Từ cố gắng để tạo sự nổi bật bằng mọi giá

Những nỗ lực xin vào các trường đại học của sinh viên Trung Quốc chỉ là đại diện cho một phần nhỏ dân số. Tuy nhiên, chuyện giao dịch quanh ngành giáo dục làm nổi lên các đối thủ cạnh tranh để có được nền giáo dục ở nước ngoài.

Theo truyền thống, sinh viên Trung Quốc luôn qua các kỳ kiểm tra nghiêm ngặt để vào các học viện. Đối với những ai đang làm mọi cách để được vào một trường đại học Mỹ, số điểm thi tuyệt đối cao càng khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.

Cheng Ho, người đã tốt nghiệp đại học Harvard, phỏng vấn các sinh viên tương lai của Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết ông đã nói chuyện với nhiều học sinh có trình độ ngang nhau. Nếu một nữ sinh cho biết cô đã đến châu Phi làm tình nguyện viên, cả ngàn học sinh khác cũng sẽ nhanh chóng nêu điều chính xác như thế trong lý lịch của họ (?). Ông nói: “Học sinh Trung Quốc đều như nhau và tất cả đều có điểm số tuyệt vời. Tất cả họ đã được dạy: bạn phải làm điều này, bạn phải là số một và vẫn luôn phải là số một”.

Guy Sivan, giám đốc điều hành  của Vericant, công ty cung cấp dịch vụ phỏng vấn qua video và xác minh nhân dạng cho các ứng viên đại học Mỹ, cho rằng một thách thức khác khi phải đối mặt với học sinh Trung Quốc và các trường, là việc khó đánh giá chính xác tất cả ứng viên. Năng lực thi kiểm tra của một học sinh có thể che lấp những thiếu sót về khả năng tiếng Anh hoặc khả năng khác trong thực tế.

Trong thời gian ở Vericant, Sivan và giám đốc người Trung Quốc là Kelly Yang hiểu rất rõ lý do về sự cần thiết của dịch vụ này. Một nhân viên tuyển sinh, khi phỏng vấn một nữ sinh Trung Quốc qua Skype, cảm thấy lạ khi có một con mèo đen trong lòng cô. Trong vài phút, nhân viên này nhận ra đó không phải là con mèo, mà là mái tóc của người mẹ đang thì thầm câu trả lời cho cô con gái.

Một văn phòng tuyển sinh khác nhận được 10 đơn của học sinh cùng một trường. Tất cả đều tự cho mình là học sinh đứng đầu trường, và theo Sivan việc này xảy ra rất phổ biến: “Đó là một vụ đánh cược rất cao, về cơ bản đó là con đường sống của bạn, và mỗi người đều có ý thức khác nhau về những điều có thể hoặc không thể làm”.

Việc trao cho cán bộ tuyển sinh một tập sách liệt kê các thành tích cá nhân của học sinh cũng trở thành thực tế phổ biến. Sivan nhớ đã nhìn thấy cuốn sách bìa cứng vẽ bản đồ thám hiểm Bắc cực của một học sinh. Thật không may, các tài liệu bổ sung rất khó xác minh, nên chúng thường chỉ mang tính giải trí và bị chất đống trong một góc văn phòng tuyển sinh.

Sivan cho biết: “Theo quan điểm của học sinh, đây là một cách khiến nhân viên tuyển sinh chú ý, cho thấy một điều gì đó rất ấn tượng. Thật buồn khi hầu hết các trường hợp đều không trung thực và đó là lý do tại sao các cán bộ tuyển sinh cho rằng chúng thực sự không nghiêm túc, không thể xem xét”.

Đến chi tiền cho kẻ môi giới

Các gia đình giàu có được lợi thế khi họ có thể trả lệ phí cho những kỳ thi và các dịch vụ, thêm nhiều khả năng cho con em mình. Nhờ vậy, những người trong nghề kiếm được rất nhiều tiền. Trong sự điên cuồng để có điểm số tốt nhất, một số học sinh đã tham dự các kỳ thi như TOEFL nhiều lần trong vài tháng. Điều này khiến việc tìm chỗ dự thi rất khó khăn, nên họ phải đến những vùng  xa xôi để thi; và theo bà Kelly Yang, nhu cầu này đã trở thành một thị trường mua đi bán lại giấy dự thi.

Bà Yang cho biết những tờ giấy dự thi được gọi là huangniu, dịch là “bò vàng”, được dân phe vé mua và sau đó bán lại với giá cao. Dù hoạt động này rất phổ biến trong các sự kiện thể thao, nhưng gần đầy đã chuyển sang các kỳ thi của học sinh. Bà Yang phát hiện điều này khi giúp vài người tìm một suất dự thi TOEFL vào tháng 9, nhưng chỉ có kỳ thi vào tháng 12: “Chúng tôi đã tìm trên mạng và hỏi: nếu không có thì sao, và họ trả lời sẽ tìm mua huangniu”.

Trong khi một số phụ huynh và học sinh trở nên rất thành thạo trong việc xin vào đại học ở Mỹ, những người khác sẵn sàng trả phí cao cho các đại lý và chuyên gia tư vấn để làm hết mọi việc. Điều này dễ dàng tạo ra môi trường lợi dụng vào sự kỳ vọng của các học sinh và phụ huynh. Kết quả là một số công ty đã hứa quá lời.

Thầy Scott Wang cho biết do quá kỳ vọng nên các bậc cha mẹ đã yêu cầu con họ được vào một trường hàng đầu với số điểm trung bình của kỳ thi SAT, dù khả năng xảy ra là rất thấp: “Vấn đề là họ luôn tìm đến với hy vọng hão huyền rằng ở thành phố này sẽ có một ai đó như thế và chúng ta có thể làm được”.

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Việt Nam xếp thứ 8 trong 900.000 du học sinh tại Mỹ
>> Đài Loan cấm quan chức du học Trung Quốc
>> Không đủ học sinh, Nga đóng cửa 700 trường học
>> Mỹ thắt chặt kiểm tra visa du học sinh vào Mỹ
>> Du học sinh Việt Nam hồ hởi đón Tết ở xứ người
>> Đi học ‘chui’ đại học đến 4 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.