Sinh viên cử tuyển làm 'nóng' nghị trường

05/12/2014 10:00 GMT+7

Ngày 4.12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 11 khóa VIII HĐND tỉnh Bình Phước, nhiều câu hỏi liên quan đến chương trình cử tuyển đã được đặt ra với giám đốc Sở Nội vụ.

Đại biểu Hà Anh Dũng (Bí thư Huyện ủy Bù Đốp) đang chất vấn vấn đề cử tuyển
Đại biểu Hà Anh Dũng (Bí thư Huyện ủy Bù Đốp) đang chất vấn vấn đề cử tuyển

Ông Trần Văn Lân -  Giám đốc Sở nội vụ Bình Phước trả lời chất vấn
Ông Trần Văn Lân - Giám đốc Sở nội vụ Bình Phước trả lời chất vấn

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước gặp gỡ sinh viên hệ cử tuyển
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước gặp gỡ sinh viên hệ cử tuyển

Lãng phí tiền tỷ

Tại phiên họp, ông Trần Văn Lân, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Phước đưa ra con số sinh viên (SV) được tỉnh cử đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và được bố trí công tác đã làm cho nhiều đại biểu (ĐB) chú ý. Cụ thể, từ năm 2006 đến 2013 là 741 trường hợp được cử tuyển, nhưng chỉ kịp bố trí được 61 người. Qua rà soát các trường hợp được UBND tỉnh Bình Phước cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển từ năm 2006 đến 2008, Sở Nội vụ phát hiện 73 trường hợp không báo cáo kết quả làm việc tại địa phương khi kết thúc khóa học (năm 2006 có 8 trường hợp, năm 2007 có 18 trường hợp và năm 2008 có 57 trường hợp). Theo Sở Tài chính, bình quân một SV học hệ cử tuyển, mỗi năm tỉnh Bình Phước phải cấp 21,1 triệu đồng (5 triệu đồng học phí và 16.1 triệu đồng tiền ăn. Chỉ tính năm 2013, Sở Tài chính đã phải cấp gần 19 tỉ đồng cho SV cử tuyển.

 

Cùng ngày, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Tới cũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của ĐB về một công trình thủy lợi chậm đưa vào sử dụng; Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hoàng Hùng trả lời chất vấn vì sao bẻ cong đường 20 ở TX. Đồng Xoài; Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Võ Văn Mãng trả lời chất vấn vấn đề tạo việc làm cho lao động nông thôn, tỷ lệ giải quyết việc làm cho lao động Bình Phước và đồng bào dân tộc thiểu số, nâng chuẩn nghèo… Tuy nhiên, ông Mãng xin được trả lời bằng văn bản vì mới về nhận công tác chưa được bao lâu.

Trước sự lãng phí này, ĐB Hà Anh Dũng (Bí thư Huyện ủy Bù Đốp) cho rằng, ngân sách hàng năm dành cho việc cử tuyển lên đến hàng chục tỷ nhưng kết quả như vậy thì đúng là gây lãng phí. Đáng lo ngại hơn là nhiều địa phương có trường hợp con em của lãnh đạo xã mới học xong lớp 12 đã “đặt chỗ” trước, sau đó có lớp cử tuyển sẽ cơ cấu vào. Trong khi đó, con em người đồng bào dân tộc thì không có chỗ. “Vậy Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết việc này như thế này?”, ông Dũng đặt câu hỏi. Cũng quan tâm đến việc cử tuyển, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bí thư Tỉnh đoàn) đặt câu hỏi: “Việc SV cử tuyển sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương phục vụ thì có quy định mức đền bù?”

Quy hoạch lại theo nhu cầu địa phương

Trả lời về vấn đề cử tuyển, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước Trần Văn Lân cho rằng, một trong những nguyên nhân đào tạo nhiều mà sử dụng ít là do sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT với Sở Nội vụ và các địa phương chưa chặt chẽ. “Một số địa phương cử người đi đào tạo với số lượng nhiều, các ngành học mà địa phương đã dư nguồn lực. Nên khi đi học về không thể bố trí vào đơn vị hành chính, sự nghiệp hoặc công chức xã, thị trấn. Ngoài ra, nhiều nơi chưa gắn việc xây dựng kế hoạch sử dụng SV cử tuyển trước khi đưa đi đào tạo”, ông Lân giải trình. Cũng theo ông Lân, để giải quyết việc này, các ngành, địa phương cần có những động thái tích cực và hữu hiệu hơn để bố trí việc làm cho những SV cử tuyển này phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo.

Về vấn đề chế tài cho SV cử tuyển sau khi ra trường không quay về phục vụ địa phương, ông Lân cũng cho biết, hiện tỉnh chưa lấy tiền đền bù của các em học cử tuyển.

Giải thích thêm về vấn đề cử tuyển, ông Nguyễn Huy Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Việc bố trí cán bộ người Kinh làm việc trong vùng có nhiều đồng bào dân tộc hiện đang gặp không ít khó khăn. Do đó, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã định hướng cho các em trong vùng đồng bào dân tộc đi học theo dạng cử tuyển, khi học xong về phục vụ cho địa phương. Tất cả kinh phí cho các em đi học do nhà nước tài trợ”. Cũng theo ông Phong, việc các em đi học nhưng không về làm việc tại địa phương là có. Do đó, trong thời gian tới tỉnh sẽ quy hoạch nhu cầu thực tế của địa phương để cử các em đi học, đồng thời sẽ bố trí việc làm cụ thể cho các em sau khi đi học về.   

Phước Hiệp

 

 >> Lãng phí cử tuyển
>> Nâng cao chất lượng hệ cử tuyển
>> Đề nghị thay đổi chính sách cử tuyển
>> Chất lượng hệ cử tuyển quá thấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.