Sẽ có thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn

Nguyên Nga
Nguyên Nga
16/05/2024 04:19 GMT+7

Đề xuất của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) về một thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn giữa người mua và người bán nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người, nhiều doanh nghiệp.

Giá sẽ do người mua và người bán thỏa thuận

Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về dự thảo nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) mới đây, Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An cho rằng có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua. Các bên tham gia sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho EVN trong bảo đảm an toàn lưới điện, vận hành, truyền tải…

Theo EVN, có thể tạo thị trường mua bán điện mặt trời trực tiếp không giới hạn người bán và người mua

Theo EVN, có thể tạo thị trường mua bán điện mặt trời trực tiếp không giới hạn người bán và người mua

Gia Hân

Nghị định quy định về mua bán điện trực tiếp chỉ tập trung vào đối tượng sản xuất, khách hàng tiêu dùng điện tái tạo (DN sản xuất, dịch vụ, thương mại, đơn vị bán lẻ điện trong KCN…). Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, hoặc đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, không nên giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào quy hoạch, được quản lý theo các quy định pháp luật về thuế, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn xây dựng… Bộ Công thương và EVN tính toán, công bố công suất điện tái tạo có thể huy động, truyền tải trên công suất nguồn điện nền, làm căn cứ để điều chỉnh giảm các nguồn điện than, điện khí trong quy hoạch.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà

Ủng hộ quan điểm này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh việc tách bạch công tác quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh, truyền tải, phân phối điện... "Nhà nước chỉ nắm giữ, đầu tư những lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, còn lại các doanh nghiệp (DN) được cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt DN nhà nước hay tư nhân", Phó thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu mua bán điện trực tiếp sử dụng lưới điện quốc gia phải được tính đúng, tính đủ các chi phí sử dụng hạ tầng vận hành, truyền tải, bảo đảm an toàn hệ thống, phù hợp với các quy hoạch điện lực.

Cho mua bán điện mặt trời (ĐMT) không giới hạn là quan điểm mới trong quá trình xây dựng dự thảo về cơ chế DPPA. Chuyên gia năng lượng, TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế VN, hoan nghênh tư duy mới trong làm chính sách về ĐMT của Bộ Công thương và EVN. Thực tế, các chuyên gia, DN, người dân góp ý rất nhiều liên quan việc mua bán ĐMT trực tiếp và các nhà làm chính sách đã có sự thay đổi quan điểm và cầu thị rất đáng ghi nhận. Trong thực tế, việc mua bán ĐMT đã có từ năm 2017 qua hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư ĐMT và EVN. Người dân và DN chỉ mua điện qua EVN. Nay cũng theo cách làm đó, mua bán trực tiếp giữa nhà làm ĐMT với người dân, DN.

"Cách làm không khác nhau, vẫn chính sách lắp 2 đồng hồ chống phát ngược. ĐMT được hòa vào lưới, bán trực tiếp cho bên thứ 2 và trả các loại phí vận hành, truyền tải, an toàn lưới… cho EVN. Chỉ khác là giá mua trước đây do EVN quy định và đã được Bộ Công thương chấp thuận, nay giá cả do nhà đầu tư điện tái tạo và người dùng điện tự thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp này, giá mua điện trực tiếp tuy không qua EVN, nhưng có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá mua qua EVN do các chi phí đầu tư mới của nhà đầu tư, chi phí được tính đúng, tính đủ trong truyền tải theo chỉ đạo của Phó thủ tướng. Tuy vậy, không mua ĐMT lúc này thì không biết mua lúc nào vì ngành điện luôn đối diện nguy cơ thiếu điện. Thủy điện khó khăn nguyên các tháng tới, điện than đã được huy động tối đa công suất và nguy cơ sự cố xảy ra đối với các tổ chạy máy nhiệt điện cũng rất lớn", TS Trần Đình Bá chia sẻ.

Theo EVN, có thể tạo thị trường mua bán điện mặt trời trực tiếp không giới hạn người bán và người mua

Theo EVN, có thể tạo thị trường mua bán điện mặt trời trực tiếp không giới hạn người bán và người mua

Ng.Nga

Sản lượng và tỷ trọng huy động các nguồn điện toàn hệ thống trong 4 tháng đầu năm 2024

Sản lượng và tỷ trọng huy động các nguồn điện toàn hệ thống trong 4 tháng đầu năm 2024

Nguồn: EVN - Đồ Họa: Tuấn Anh

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện EVN cho hay với cơ chế giá điện như hiện nay, việc mua bán điện không thông qua EVN sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư nguồn phát, đường dây truyền tải; đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các DN tư nhân ngoài ngành điện. Trong nhiều trường hợp, DN có thể sẽ được mua điện giá rẻ hơn, nhưng cũng có thể phải mua giá cao hơn theo diễn biến giá thực tế của chi phí đầu vào của đơn vị phát điện. 

Công suất nguồn ĐMT mái nhà của VN hiện có khoảng 9.500 MW. Trong số này hệ thống điện đã huy động được 4.500 MW tại các khu công nghiệp (KCN). Tuy vậy, nguồn điện này hiện cũng còn nhiều thách thức trong phát triển, nếu nguồn xâm nhập nhiều vào hệ thống, đồng thời cần phải có dự phòng lớn để đảm bảo ổn định hệ thống điện. EVN rất cần các nguồn điện tái tạo để góp phần đảm bảo cung ứng điện do các nguồn điện truyền thống đầu tư cần thời gian, trong khi ĐMT mái nhà phát triển nhanh, lại huy động được nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu năng lượng xanh của người dùng.

Doanh nghiệp sốt ruột

Trong thực tế, sản xuất xanh là một trong những yếu tố bắt buộc đối với nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa của VN. Tại VN, ĐMT mái nhà được coi là giải pháp đáp ứng quan trọng tiêu chí này và dễ tiếp cận nhất bởi ngoài chứng chỉ xanh, giúp DN tiết kiệm năng lượng, làm mát mái nhà xưởng, giảm nhiệt cho mái nhà từ 3 - 5 độ C… Nhiều DN sử dụng điện bày tỏ sự cảm kích trước thông tin cơ chế, chính sách có thể theo hướng giúp mua bán điện tái tạo thoải mái hơn và không giới hạn.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Dệt may thêu đan VN, cho rằng việc đẩy nhanh cơ chế DPPA giúp DN làm hàng xuất khẩu có thể tiếp cận, sử dụng điện tái tạo sớm đạt chứng chỉ xanh gắn cho hàng hóa sớm hơn là điều tuyệt vời. Ngành dệt may từ mấy năm qua đã chuyển hướng từ nhanh sang bền vững. Đa số nhà máy sản xuất nằm trong các KCN, mái nhà xưởng lớn, nếu có nguồn ĐMT tự đầu tư hay mua lại giúp DN có thể cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu xanh hóa sản phẩm sớm là điều tích cực. Ông Việt thông tin hiện tại các nhà mua hàng ở EU đặt ra lộ trình chứng chỉ carbon cho hàng hóa VN. Trước mắt là các sản phẩm sắt thép, xi măng…; hàng may mặc chính thức áp dụng từ 2026 - 2028, nhưng lộ trình được áp dụng từ năm 2022. Theo đó, nhà sản xuất phải có cam kết "xanh hóa" sản phẩm qua mỗi năm đạt tỷ lệ bao nhiêu. Nếu có chứng chỉ xanh, hàng hóa bán vào EU bớt bị đánh thuế bảo vệ môi trường, giá cả sẽ cạnh tranh hơn.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp mong có thể mua điện mặt trời trực tiếp để sớm có chứng chỉ xanh

Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp mong có thể mua điện mặt trời trực tiếp để sớm có chứng chỉ xanh

CTV

"Không những thế, nếu sản phẩm không đáp ứng tiêu chí xanh, người tiêu dùng sẽ không mua và tất nhiên hàng hóa sẽ không được chấp nhận vào thị trường này trong tương lai. Hiện tại, với mục đích phải "xanh hóa" sản xuất từ máy móc, nguồn bông vải đến năng lượng…; DN ước tính chi phí sản xuất tăng từ 8 - 13%. Trong tương lai, nếu nguồn năng lượng mặt trời được ứng dụng rộng rãi hơn và DN được cấp chứng nhận, hy vọng các chi phí này có thể giảm dần. Sản phẩm gắn tiêu chí xanh, thân thiện môi trường vừa dễ bán hơn, giá tốt hơn", ông Việt chia sẻ.

Bà Nguyễn Thùy Ngân, đại diện Công ty Solar BK, thông tin có đến 7/10 DN tiếp cận với công ty vì "nghe ngóng" được các lợi ích mà ĐMT mang lại, đồng thời hỏi thông tin về những tiêu chuẩn, thủ tục… để có thể nhận được chứng chỉ năng lượng tái tạo, đặc biệt là các DN làm hàng xuất khẩu đến các thị trường phát triển. Mới đây, có 2 DN sản xuất xuất khẩu lớn trong KCN tại TP.HCM cũng đề cập việc muốn mua ĐMT áp mái để quy đổi chứng chỉ xanh trong sản xuất. Rào cản lớn nhất trong đầu tư ĐMT chưa hẳn là bán lên lưới được hay không mà làm sao để có thể phát triển hệ thống điện tái tạo đó phân tán, có thể tiêu thụ tại chỗ, cụ thể là trong các KCN, nhà máy… là rất quan trọng. Gọi nôm na là bán điện cho hàng xóm một cách dễ dàng nhất, hiệu quả nhất.

"Nhu cầu DN sản xuất xuất khẩu rất nhiều, tập trung nhiều nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, khi số nhà mua hàng từ châu Âu ngày càng đòi hỏi nhà bán hàng phải có chứng chỉ năng lượng tái tạo. Công ty chúng tôi cũng như một số DN đầu tư năng lượng mặt trời thường tư vấn, hỗ trợ DN sản xuất cách có chứng chỉ xanh thuận tiện nhất. Cách truyền thống là DN phải lắp ĐMT, hoặc mua ĐMT, sau đó khai báo và đăng ký lên hệ thống. Từ đó quy đổi ra chứng chỉ năng lượng tái tạo và chúng tôi hỗ trợ DN các thủ tục này. Trong thực tế, câu chuyện giảm chi phí về năng lượng là một, xanh hóa năng lượng sử dụng mới thực sự quan trọng. Điều này giúp DN sản xuất xuất khẩu có thể cạnh tranh, làm việc với các nhà mua hàng thuận tiện hơn. Qua đó, gia tăng đơn hàng và tính chuyên nghiệp của DN…", bà Thùy Ngân cho biết.

Cần được ban hành và áp dụng luôn

Theo Bộ Công thương, việc xây dựng và ban hành cơ chế DPPA sẽ đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; thu hút đầu tư và phát triển bền vững năng lượng tái tạo; hướng đến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại VN. Nếu được ban hành, nghị định sẽ có hiệu lực ngay lập tức, không chờ thông tư hướng dẫn. Trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia cho rằng giá mua điện sạch trực tiếp có thể cao hơn giá mua qua EVN do chi phí nhà đầu tư ĐMT phải trả cho vận hành, đường truyền, an toàn điện…. Hơn nữa, nếu đầu tư đường truyền riêng, giá thành điện cũng có thể đội lên.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình thì cho rằng chi phí truyền tải của VN hiện tại thấp so với các nước có hệ thống tương đương, nên cơ chế DPPA có thể vẫn giúp nhà đầu tư và người mua điện trực tiếp mua được điện giá tốt hơn là mua qua EVN. Hiện VN chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho trung tâm dữ liệu có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo có thể sẽ tăng chi phí lớn. Thế nên trong thỏa thuận bán dịch vụ, có thể cộng thêm phí công suất, lúc đó giá bán điện trực tiếp có thể cao hơn giá hiện tại. 

Tuy nhiên ông Đình nhấn mạnh đó là giai đoạn đầu khi các cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện. Hiện tại, nguồn điện bổ sung vẫn rất cần thiết, đặc biệt những khu vực có nhu cầu sử dụng điện lớn. Về lâu dài, nếu có nguồn điện chạy nền tốt, nguồn năng lượng tái tạo vẫn đóng vai trò quan trọng khi VN đang tiến đến giảm phát thải ròng. Sau năm 2030 sẽ không có dự án điện than mới, sau 2035 không có nhà máy điện khí mới để bảo đảm giảm phát thải carbon và mục tiêu cam kết tại COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nhận định "chưa bao giờ hết lo" với nguy cơ thiếu điện. Tuy vậy, mấy năm qua, thị trường tồn tại nghịch lý là nhiều dự án điện tái tạo khắp cả nước vẫn chưa thể bổ sung nguồn. Không phải lỗi của EVN hay Bộ Công thương mà chủ yếu do cơ chế giá và chính sách của chúng ta đang vướng. Trong thực tế, luật Điện lực từ năm 2012 khi chưa có điện tái tạo đã cho mua bán điện trực tiếp rồi. 

Với cơ chế thông thoáng, không chỉ mua điện trực tiếp từ các dự án ĐMT lớn, việc chia sẻ nguồn qua đấu nối công tơ điện 2 chiều của các hộ trong khu phố, trong tòa nhà, trong KCN cũng sẽ thuận tiện hơn. Như vậy, giảm áp lực cho nguồn cung điện tiêu dùng, văn phòng. Song song đó là đường dây 500 kV mạch 3 đưa điện từ miền Trung ra miền Bắc theo kế hoạch hoàn thành vào cuối tháng 6 tới; rồi nguồn nhập khẩu thủy điện từ Lào về, dự kiến đóng điện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6... Như vậy, cùng với cơ chế DPPA, nguồn cung điện cho những tháng nắng nóng tới được bảo đảm phần nào, đáp ứng nhu cầu cầu phát triển KT-XH.

"Cơ chế được xây dựng thoáng hơn, mở hơn là điều đáng ghi nhận. Vấn đề là mọi thứ phải được chuẩn bị để có thể triển khai ngay và luôn sau khi Chính phủ ban hành nghị định cơ chế DPPA. Nguồn điện "khát", nhu cầu sử dụng điện tái tạo của nền kinh tế cũng rất cao, nên mọi thứ phải được chuẩn bị và cho áp dụng sớm ngày nào tốt ngày đó", ông Lâm nhấn mạnh.

Tính hết tháng 2.2024, các tổng công ty điện lực thuộc EVN đã thực hiện mua bán điện với 5.015 hệ thống ĐMT mái nhà của các công trình chăn nuôi, trồng trọt với tổng công suất là 4.473.701,5 kWp. Trong số này có 24 hệ thống ĐMT mái nhà có công suất xấp xỉ 1 MW với tổng công suất 29.464,05 kWp chưa được chủ đầu tư cung cấp đủ hồ sơ, thủ tục liên quan đến sử dụng đất, an toàn công trình xây dựng, PCCC, môi trường. Vì vậy, các tổng công ty điện lực đang tạm dừng việc thanh toán đối với các hệ thống ĐMT mái nhà mà chủ đầu tư chưa cung cấp đủ hồ sơ, thủ tục liên quan và chờ ý kiến xử lý của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Theo Bộ Công thương, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng áp dụng cho các khách hàng ở gần nguồn phát và thực hiện mua bán điện không sử dụng lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Việc mua bán điện trong trường hợp này được thực hiện đơn giản, giá điện được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Hiện hình thức mua bán điện trực tiếp này đã và đang được triển khai tại các KCN. Còn mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia áp dụng cho các khách hàng ở xa nguồn phát thực hiện mua điện qua thị trường điện giao ngay. Theo đó, khách hàng có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các giá dịch vụ, bao gồm giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí thanh toán khác. Đơn vị phát điện phải là năng lượng tái tạo mới được phép bán điện trực tiếp cho khách hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.