Từ cánh đồng lên sân khấu

24/02/2009 08:13 GMT+7

(TNTS) Tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng ám ảnh dai dẳng người đọc trong một thời gian dài. Và bây giờ, đạo diễn Minh Nguyệt một lần nữa đưa Cánh đồng bất tận quay trở lại, trên Sân khấu nhỏ 5B, TP.HCM,bằng một cái nhìn khác, gợi nên một ý nghĩ khác.

Người ta khó có thể hình dung ra trong không gian chật hẹp của một sân khấu nhỏ, hình ảnh “những cánh đồng này nối dài những cánh đồng khác, bất tận”, cho “những chuyến du mục kéo dài liên tục từ mùa mưa sang nắng, rồi lại mưa” để trải dài nỗi đau đớn, thống khổ dường như cũng bất tận của cô điếm Sương, của cô gái Nương và lòng thù hận dai dẳng của gã đàn ông mà “vợ ông ác một, thì ông ác đến mười” - Út Vũ. Ý tưởng tạo hình của Minh Nguyệt đơn giản lắm, một chiếc ghe ước lệ vỡ làm ba khúc xoay quanh một cái bục tròn, lúc thì là bến đậu, ốc đảo, cù lao, phía sau là một màn hình rộng thể hiện cảnh sông nước, và những cánh đồng khô cháy, khi thì một rừng bươm bướm theo giấc mơ của Nương... Chiếc ghe vỡ làm ba, không khó, nhưng chẳng dễ để nó vỡ theo cách nào, gợi hình theo cách nào. Minh Nguyệt đã ngồi rơi nước mắt khi khi không thể vẽ ra ý tưởng của mình thích trên maquette, và chị không kìm được nỗi sung sướng mà đập tay cái rầm xuống bàn khi được họa sĩ Lê Văn Định và Nguyễn Trọng Dũng “hiến kế”.

Sau khi viết xong kịch bản Cánh đồng bất tận, người đầu tiên chị đưa cho đọc là diễn viên Thanh Thủy, và Thanh Thủy đã đề nghị được đóng vai cô gái điếm Sương với lời “tuyên thệ”: “Nếu không đóng ra vai này, thì em bỏ nghề luôn”. Sương là người đàn bà hứng chịu mọi “nhục hình” từ thể xác đến tinh thần, bị trả thù, hành hạ, khinh bỉ, bị ruồng bỏ, nhưng cô gái điếm vẫn còn nguyên vẹn tình yêu thương, lòng trắc ẩn và còn biết hy sinh.

Diễn viên Cát Phượng: “Đạo diễn Minh Nguyệt khi đưa kịch bản cho tôi, nói rằng em thích vai nào thì nhận vai đó. Tôi thích nhân vật cô gái điếm Sương nhưng trước đó chị Thanh Thủy đã nhận vai này rồi, đạo diễn bảo tôi “đúp” hai vai cô con gái Nương và người vợ. Vừa đóng vai mẹ, vừa đóng vai con, một người đàn bà chín muồi và cô gái trẻ mới lớn, vai nào cũng nặng nên tôi thấy căng thẳng lắm, hơn nữa, đây là lần đầu tiên sau 3 năm tôi trở lại đóng chính kịch. Xem trên sân khấu, ai cũng tưởng tôi giỏi võ, nhưng thật ra tôi không biết gì hết trơn, phải tập với võ sư Võ Thu Vân, rồi nhập tâm, cứ thế mà diễn thành ra đánh võ rất “nghề”. Bây giờ không dưng kêu đánh võ thì bó tay!”.

 Có thể nói, vở kịch Cánh đồng bất tận không phải là sự chuyển thể, mà chỉ là phóng tác từ nguyên bản. Có nhiều sự khác biệt của Cánh đồng bất tận trên sân khấu và trong tác phẩm văn học. Nếu cái nhìn của nhà văn có phần nào cay nghiệt, tàn nhẫn hơn thì đạo diễn sân khấu nhìn mọi sự nhân ái, bao dung hơn. Người đàn ông kiệm lời nhưng hành động tàn nhẫn Út Vũ trên sân khấu biết yêu thương Sương, biết nói những lời ghen tuông khi Sương ngủ với những ông cán bộ xã để duy trì cuộc sống du mục cho gia đình. Và người vợ của Út Vũ hối tiếc trở về trong tâm tưởng của ông và của Sương thể hiện qua cuộc đối thoại của ba chiếc bóng. Cô gái Nương của Nguyễn Ngọc Tư yếu đuối, luôn nương tựa tinh thần vào người em trai Điền, nhưng trên sân khấu, Nương là người chị mạnh mẽ bảo bọc cho Điền. Và một cái kết thúc có hậu hơn. Không có hình ảnh gây ám ảnh đớn đau nhưng có phần tàn nhẫn: người cha phải bất lực chứng kiến cảnh đứa con gái mình bị bóc ra từng mảnh áo quần, và tiếng gọi cầu cứu theo bản năng của đứa con gái vô tình thể hiện từ bao giờ cô đã quên mất người cha của mình. Đạo diễn Minh Nguyệt đã để cho Nương biết tự bảo vệ mình và Út Vũ chết như là một kết cục công bằng hơn: “ai làm người nấy chịu”.

Diễn viên Cát Phượng đóng “đúp” hai vai: cô con gái Nương và người vợ phụ bạc chồng, cũng là sự trở lại chính kịch của cô sau 3 năm. Cặp đôi Khánh Hoàng  - Thanh Thủy nổi danh với chàng trai Niễng - cô gái mù trong vở Sông dài của 20 năm trước, giờ lại đứng chung sân khấu với nhau qua vai Út Vũ và cô gái điếm Sương trong Cánh đồng bất tận.

Minh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.