Tác giả Vương Huyền Cơ: Viết kịch bản bằng cảm xúc từ cuộc sống

05/04/2009 11:57 GMT+7

Mấy năm gần đây, tác giả Vương Huyền Cơ trở nên khá quen thuộc với nhiều khán giả yêu sân khấu. Chị viết kịch bản sân khấu khá đều tay, liên tục được các sân khấu, đài truyền hình chọn dàn dựng. Chị là nữ tác giả đầu tiên 3 năm liền đoạt giải Cù Nèo Vàng (2006, 2007, 2008) do nhiều phóng viên viết về văn hóa nghệ thuật của các báo, đài bình chọn.

- PV: Ba năm liên tục đoạt giải Cù Nèo Vàng, chắc chị phải nỗ lực rất nhiều mới có thể giữ vững “phong độ” như thế?

Tác giả VƯƠNG HUYỀN CƠ: Tôi chỉ nghĩ đơn giản, khi lửa nghề đang cháy bỏng thì cố gắng giữ lửa và cứ tranh thủ viết kịch bản liên tục thôi. Nhưng nói thật, tôi mang ơn báo chí rất nhiều, bởi hầu hết những kịch bản của tôi đều được khơi nguồn cảm xúc từ các tin tức thời sự trên mặt báo. Chẳng hạn như vở Trai nhảy. Sau khi đọc báo thấy có hiện tượng này, tôi liền đi thực tế, chứng kiến được nhiều cảnh bi hài, vậy là bắt tay viết ngay kịch bản này.

Hoặc tình cờ đọc trên báo thấy có mẩu tin tức, bà mẹ nhờ con trai đứng tên một miếng đất, sau đó bà mẹ lấy đất lại để bán, giúp đỡ đứa con khác nghèo hơn, nhưng cậu con trai này nhất quyết không trả vì… mình phải nuôi con. Thế là cùng dắt nhau ra tòa… Tôi cảm thấy bất nhẫn quá nên bắt tay viết ngay vở Tình và đất. Tôi luôn viết kịch bản bằng cảm xúc thật của mình trước những vấn đề rất thời sự đang diễn ra trong cuộc sống. Và tôi luôn đặt mình vào vị trí của khán giả để tự hỏi kịch bản, câu chuyện, đường dây tâm lý các nhân vật được viết ra có hợp lý, gần gũi với cuộc sống chưa, có gì cần điều chỉnh không… Có lẽ nhờ vậy nên thường các kịch bản của tôi viết ra được nhiều nơi chọn dàn dựng.

- Trong quá trình sáng tác, có khi nào chị gặp phải tình trạng một kịch bản được viết rất hào hứng, nghĩ là sẽ rất hay, được nhiều sân khấu chọn dàn dựng, nhưng khi “chào hàng” lại bị… ế?

Tôi nhớ, có lần một kịch bản của tôi vừa viết xong được một đơn vị A chọn dàn dựng ngay. Thế nhưng sau một thời gian dài, không thấy tăm hơi, có một đơn vị B hỏi dựng, tôi đồng ý thì lập tức đơn vị A phản ứng ngay là đã mời gọi diễn viên chuẩn bị tập… làm tôi phải nói bên B đừng dựng. Tưởng thế là ổn rồi, nào ngờ lâu quá không thấy công diễn, hỏi ra mới hay… đơn vị A chẳng dựng. Thế là… ê sắc ế! Hình như mỗi kịch bản của mình đều có những số phận riêng.

- Hầu hết những tác phẩm của chị viết ra đều là những cái kết có hậu…

Các vở diễn mà khán giả được xem, hầu hết cái kết là vậy, mặc dù trong kịch bản gốc của tôi, có những vở tôi để cái kết lửng, những người gieo ác sẽ nhận lấy hậu quả khôn lường, và họ phải đi đến tận cùng của nỗi đau. Nhưng trong quá trình tập, một số đạo diễn, diễn viên bảo: hãy cho nhân vật ác ấy một cơ hội làm lại cuộc đời, không nên đẩy con người đó rơi vào bước đường cùng. Nghe vậy, cũng hợp lý, đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người quay lại.

- Nhưng khi “đứa con tinh thần” bị thay đổi, lúc xem lại, cảm nhận của chị ra sao?

Có vở thì được, nhưng cũng có vở chưa thấy hài lòng. Tôi cảm thấy sự trừng phạt những nhân vật ác ấy quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe người khác. Hơn nữa, trong quá trình diễn, một vài diễn viên tự ý thay đổi cách thể hiện, chưa lột tả được bản chất của nhân vật. Đáng buồn hơn, gần đây còn có tình trạng một số diễn viên hiềm khích lẫn nhau, nên khi có cơ hội diễn chung là họ tranh thủ “chơi” nhau khiến cho chất lượng vai diễn, vở diễn bị sa sút đáng kể.

“Nếu như yêu”, vở diễn hút khách của tác giả Vương Huyền Cơ.

- Nhìn lại những kịch bản sân khấu của chị, dường như tác giả Vương Huyền Cơ viết kịch sinh hoạt khá nhiều, hiếm thấy vở chính kịch…

Trong thời buổi hiện nay, áp lực cuộc sống rất nặng nề nên dường như tâm lý của số đông khán giả thích đi xem kịch giải trí là chính. Cho nên, các kịch bản cung cấp cho các sân khấu, tôi thường viết kịch sinh hoạt, có chút tiếng cười thâm thúy. Tôi cũng có viết chính kịch, nhưng chủ yếu cho truyền hình dàn dựng, phát sóng phục vụ khán giả màn ảnh nhỏ.

Có một thực tế là nhiều năm nay, sân khấu ngại đi vào những vấn đề gai góc của xã hội. Có những vấn đề ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng khi khai thác, đơn vị nào sẽ dũng cảm đứng ra dàn dựng? Chẳng hạn như chuyện chống tham nhũng, có những sự việc nổi cộm khá thu hút sự quan tâm của người dân, nhưng chúng ta còn e dè, ngại ngần. Hiện nay, chuyện chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, chính vì thế, trong tương lai, tôi sẽ bắt tay viết những kịch bản về đề tài này.

- Sau mấy năm theo nghề viết được khá nhiều kịch bản, vậy chị có sợ đến một lúc nào đó mình sẽ “cạn vốn, hết năng lượng”…

Đôi lúc tôi cũng sợ mình rơi vào trạng thái ấy! Nhưng may mắn cho tôi là khối lượng tin tức, thời sự mà báo chí cung cấp mỗi ngày một dồi dào, cho nên tôi liên tục nạp năng lượng, trau dồi vốn sống cho mình phong phú hơn. Vì thế, tôi luôn tin tưởng, chuyện “cạn vốn” sẽ rất khó xảy ra.

- Hiện nay, phim truyền hình đang “khát” kịch bản, có những tác giả sân khấu đã nhập cuộc, chị có nghĩ mình cũng sẽ thử sức?

Tôi cũng từng bắt tay viết kịch bản phim, nhưng khi làm việc, trước yêu cầu của một số đối tác bỏ vốn ra đầu tư sản xuất phim, tôi đoan chắc một điều là chỉ có dở nên không chấp nhận. Tôi nghĩ, nếu đồng ý viết theo yêu cầu của người bỏ vốn ra sản xuất, khi ấy, chẳng khác nào tôi xem thường khán giả và tự mình đánh mất chính mình. Sắp tới, nếu tìm được đối tác hợp ý, tôi sẽ thực hiện tiếp dự án kịch bản phim truyền hình.

- Chị nhìn nhận phim truyền hình hiện nay thế nào?

Khi xem phim truyền hình, tôi nhận ra những hạt sạn khá ngô nghê. Ví dụ như nhân vật Vy (lúc nhỏ) trong phim Mùi ngò gai, một cô bé giúp việc phải làm việc bù đầu cho chủ, vậy mà đầu tóc xõa dài, mướt mượt, thật khó tin. Thời gian qua, có những phim truyền hình cứ nhàn nhạt, vô tình giết chết tên tuổi của một số diễn viên. Thậm chí có diễn viên, khi chưa đóng phim truyền hình là một hiện tượng của sân khấu, được dân trong nghề và khán giả đánh giá cao, nhưng sau một loạt phim truyền hình, tên tuổi của gương mặt diễn viên trẻ này không còn sáng giá như trước nữa.

Theo Đỗ Hạnh (SGGP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.