Sân khấu phía Bắc hết thời… bao cấp

13/11/2014 11:59 GMT+7

Nhà nước không còn rót tiền, các nhà hát buộc phải tự nuôi mình. Đó là lộ trình sẽ được thực hiện từ năm 2015.

 Chương trình hài kịch Xóm hóng của Nhà hát tuổi trẻ từ nguồn xã hội hoá - Ảnh: NHTT cung cấp
Chương trình hài kịch Xóm hóng của Nhà hát tuổi trẻ từ nguồn xã hội hóa - Ảnh: NHTT cung cấp

Tìm hướng đi mới

“Đã đến lúc chúng tôi phải thay đổi, không thể làm những chương trình mà chỉ phát vé miễn phí. Mà có miễn phí người ta cũng không muốn đi. Tôi thấy đau lắm”- Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc VN - nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh ngậm ngùi nói.

Từ tháng 9, nhà hát đã bắt đầu chập chững bước vào cuộc chơi với thị trường bằng đêm nhạc Mùa thu cho em. “Chúng tôi phải học để hiểu nhu cầu khán giả cần gì”, vị giám đốc trăn trở. Bởi thế Mùa thu cho em có sự góp mặt của những giọng ca trẻ đang “hot” trên thị trường. “Chúng tôi sẽ mời những giọng ca được yêu thích kết hợp với nguồn lực của nhà hát”, nhạc sĩ Quang Vinh chia sẻ về hướng dàn dựng các chương trình bán vé thu tiền.

Trong buổi biểu diễn đầu tiên “thử lửa” thị trường, ông đứng trong một góc bên ngoài hành lang, quan sát xem có bao nhiêu khán giả mua vé vào xem, bao nhiêu khán giả bỏ về giữa chừng, bao nhiêu khán giả xem cho đến hết buổi và họ có hài lòng với số tiền bỏ ra hay không. Trưởng phòng biểu diễn của nhà hát giờ trở thành trưởng phòng kinh doanh. Có lẽ, nếu không có cú hích chuyển đổi, thì bộ máy của Nhà hát Ca múa nhạc VN vẫn mãi ỷ lại vào “bầu sữa” nhà nước như bao năm qua.

Nhưng vẫn cần định hướng nghệ thuật

“Xã hội hóa là xu hướng tất yếu. Nhà hát sẽ phải rà soát lại mình, đánh giá, sàng lọc đội ngũ, cán bộ, nhân viên… mới hy vọng phát triển tốt. Họ phải chủ động tìm hướng khai thác thị trường, kêu gọi vốn để tăng phần đầu tư cho tác phẩm, xây dựng các tác phẩm tạo nguồn thu”, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ nhìn nhận. Nhưng theo ông, đó chỉ là mặt trước của việc xã hội hóa sân khấu, còn mặt sau là những vấn đề cần phải xem xét.

Cách đây vài năm, đoàn kịch 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ mà NSƯT Chí Trung là trưởng đoàn, đã mạnh dạn tiên phong xã hội hóa sân khấu. NSƯT Chí Trung và nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã không nề hà, tự mình đi phát tờ rơi quảng cáo chương trình. Đến bây giờ, vị trưởng đoàn này (nay là Phó giám đốc nhà hát) còn tích cực kết nối công chúng qua facebook để lôi kéo khán giả. Hiện ông còn đang dàn dựng chương trình hài kịch Xóm hóng, chào bán cho đài truyền hình, với số kinh phí hoàn toàn xã hội hóa. Tuy vậy, đoàn vẫn khó có thể “tự thu tự chi”.

Ông Trương Nhuận nói: “Một nhà hát cũng không thể diễn hài quanh năm được, cần phải duy trì các tác phẩm chính kịch, những tác phẩm kinh điển. Đó không chỉ là nhu cầu phát triển nghề nghiệp của nghệ sĩ mà còn là chức năng định hướng thẩm mỹ, nghệ thuật cho công chúng”. Đồng thời các nhà hát quốc gia còn có chức năng chuyên biệt là phục vụ biểu diễn cho đối tượng đặc biệt là trẻ em.

“Nếu như cắt hỗ trợ cho việc dàn dựng các tác phẩm cho trẻ em, thì người ta chỉ dựng các chương trình ăn khách dành cho người lớn. Đó sẽ là một hiện trạng đáng báo động. Bên cạnh đó, một cái khó nữa là muốn dàn dựng các tác phẩm sân khấu thể nghiệm nhưng vào thị trường mà không bán được vé thì 'dẹp tiệm' luôn. Khi đó, không ai dám làm thể nghiệm, khát khao tìm tòi sáng tạo nữa”, ông Nhuận lo lắng.

Ông Nhuận nhấn mạnh: “Về góc độ nào đó, lộ trình xã hội hóa cần có chính sách cho phù hợp. Nếu không dễ tạo ra những khoảng trống, khiến việc định hướng nghệ thuật chân chính dễ bị lệch lạc”.

Từ năm 2015, Nhà hát Ca múa nhạc VN buộc phải tự thu, tự chi. 4 đơn vị khác là Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Múa rối VN, Nhà hát Tuổi Trẻ và Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh nằm trong lộ trình “cắt giảm dần dần ” và chấm dứt “bao cấp” sau năm 2017.

Minh Ngọc

>> Sân khấu phía Bắc và hướng đi mới
>> Sân khấu phía Bắc tưng bừng trẩy hội xuân 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.