Sân chơi hấp dẫn của cà phê đặc sản

20/06/2023 07:44 GMT+7

Những cuộc thi cà phê đặc sản toàn quốc diễn ra sôi động thời gian qua, cùng đợt bán đấu giá đầu tiên của loại cà phê này mới đây đang tạo "sân chơi" mới, tăng thêm giá trị cho ngành cà phê Việt.

Cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco Đắk Lắk) phối hợp tổ chức bán đấu giá lô hàng cà phê đặc sản đạt giải tại cuộc thi "Cà phê đặc sản VN - Vietnam Amazing Cup" năm 2023.

Sân chơi hấp dẫn của cà phê đặc sản - Ảnh 1.

Các mẫu cà phê tham gia cuộc thi cà phê đặc sản VN lần thứ 5-2023.

KỶ LỤC GIÁ CÀ PHÊ NHÂN

Tham gia phiên đấu giá có 4 nhà cung cấp, với 7 mẫu/lô hàng (đạt chuẩn cà phê đặc sản VN năm 2023), trong đó có 6 mẫu cà phê robusta và 1 mẫu cà phê arabica; tổng khối lượng gần 7 tấn. Mức giá khởi điểm của các mẫu từ 100.000 - 170.000 đồng/kg, chốt giá thành công ở mức từ 310.000 - 430.000 đồng/kg. Tại buổi đấu giá, Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh (TP.HCM) đã mua 2 tấn cà phê robusta với giá 700 triệu đồng. Đây được xem là kỷ lục cao nhất từ trước tới nay của giá cà phê nhân robusta bán trong nước, cao gấp 7 lần so với mức giá loại cà phê này hiện nay (khoảng 50 triệu đồng/tấn).

Sân chơi hấp dẫn của cà phê đặc sản - Ảnh 2.

Thu hoạch cà phê quả chín là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc của sản xuất cà phê đặc sản.

Trung Chuyên

Ông Phạm Thanh Hiền, Tổng giám đốc Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh, nhận định lô hàng cà phê đặc sản có giá kỷ lục này được chế biến sạch, thân thiện với môi trường, rất tốt cho sức khỏe người dùng. "Việc mua lô hàng này với giá cao là sự thừa nhận giá trị của cà phê đặc sản và cũng là cách để từng bước đưa hạt cà phê Việt lên những tầm cao mới. Đây cũng là thông điệp mà các doanh nghiệp muốn gửi đến người sản xuất về cà phê sạch, đảm bảo yêu cầu chất lượng sẽ đi liền với việc nâng cao giá trị, thương hiệu cho hạt cà phê VN, cải thiện thu nhập cho nhà nông", ông Hiền đánh giá.

Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk, cho biết đây là lần đầu tiên cà phê nhân được bán đấu giá ở thị trường trong nước, tuy số lượng mẫu không nhiều nhưng thu hút được khá đông các nhà rang xay tham gia. Theo ông Huy, cuộc đấu giá nhằm tạo ra cơ cấu giá tham khảo; từ đó, các đơn vị tham gia sẽ biết được mức giá của thị trường. "Rồi đây, các phiên đấu giá sẽ kết nối trực tiếp các nhà rang xay trong và ngoài nước với người nông dân, đơn vị sản xuất để thương mại hóa các lô hàng tham gia cuộc thi cà phê đặc sản VN, tạo giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản, tiếp thêm động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm", ông Huy nhận định.

Sân chơi hấp dẫn của cà phê đặc sản - Ảnh 3.

Lần đầu tổ chức đấu giá cà phê đặc sản tại Đắk Lắk.

CTV

NÂNG TẦM CÀ PHÊ VIỆT

Từ năm 2019, "sân chơi" mới của cà phê đặc sản VN ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều đơn vị tranh tài. Qua các năm, số lượng doanh nghiệp và số mẫu tham gia thi cà phê đặc sản VN ngày càng tăng. Nếu như cuộc thi cà phê đặc sản VN lần đầu tổ chức trong chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2019 có 31 đơn vị tham dự với 42 mẫu cà phê thì đến cuộc thi lần thứ 5 (năm 2023), có 47 đơn vị tham gia, với 84 mẫu dự thi. Tổng cộng, qua 5 năm tổ chức (2019 - 2023), cuộc thi cà phê đặc sản VN đã thu hút 207 lượt đơn vị tham gia, với 339 mẫu/lô hàng dự thi; kết quả có 250 mẫu đạt chất lượng cà phê đặc sản theo thang điểm quốc tế.

Điểm số ấn tượng

Cà phê đặc sản (specialty coffee) là thuật ngữ dùng gọi sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 -100 điểm theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA). Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, chất lượng cà phê đặc sản VN luôn được SCA đánh giá cao. Chẳng hạn, qua phân tích, đánh giá của SCA đối với mẫu cà phê thu hoạch vào vụ mùa 2021 - 2022 của một doanh nghiệp Đắk Lắk, cà phê được chế biến theo phương pháp chế biến khô/chế biến tự nhiên, có các điểm số đánh giá về hậu vị (aftertaste), độ đắng/ngọt (bitter/sweet), độ cân bằng (balance), hương vị (flavor), mùi (aroma), độ mặn/a xít (salt/acid), độ cảm nhận từ vị giác (mouthfeel), với tổng số điểm đạt 85,25. Đây là con số khá ấn tượng so với thang điểm của SCA đề ra.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết VN là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới nhưng trước nay chủ yếu xuất theo số lượng, chưa chú trọng chất lượng nên giá trị thu về còn thấp. Do đó, phát triển cà phê đặc sản, chú trọng nâng cao chất lượng là hướng đi tất yếu để nâng tầm cà phê Việt, đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cho người trồng.

Tại hội thảo đánh giá 5 năm thi cà phê đặc sản VN mới đây, ông Trịnh Đức Minh nhận định qua các cuộc thi cho thấy tất cả các vùng trồng cà phê ở VN đều có tiềm năng làm cà phê đặc sản; trong đó địa bàn Đắk Lắk chứng tỏ ưu thế phát triển cà phê đặc sản cả về số lượng lẫn chất lượng cà phê robusta. "Sân chơi cà phê đặc sản đã tác động tích cực đối với sinh kế người sản xuất cà phê, chất lượng sản phẩm, kiến thức sản xuất cà phê đặc sản đã được lan rộng, nâng cao giá trị hình ảnh chất lượng cà phê VN", ông Minh khẳng định.

Tuy vậy, cũng qua hội thảo nói trên, nhiều ý kiến cho rằng việc kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm cà phê đặc sản VN còn chưa đủ tầm; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực cho hoạt động tập huấn, đào tạo, đánh giá chất lượng… Một số chuyên gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp hỗ trợ ngành hàng cà phê đặc sản VN phát triển như đào tạo thêm cho nông dân về canh tác, chế biến cà phê đặc sản; truy nguyên nguồn gốc, thổ nhưỡng, giống cà phê đang được trồng ở các vùng đạt giải cao để nhân rộng; tổ chức các chương trình quảng bá cà phê đặc sản VN... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.