Rắc rối không đáng có

11/07/2014 03:00 GMT+7

Vì sao một chủ trương được cho là đổi mới, được dư luận đồng tình nhưng khi triển khai vào thực tế lại nảy sinh quá nhiều rắc rối, lúng túng khiến thí sinh hoang mang, các trường bối rối, Bộ GD-ĐT liên tục ra văn bản liên quan - mà khi càng điều chỉnh, bổ sung thì mọi thứ càng khó hiểu, phức tạp?

Dù đã từng có nhiều ý kiến về những bất hợp lý nhưng mãi đến kỳ tuyển sinh năm 2013, khi báo chí phân tích sự thiếu công bằng, vô lý về chính sách này thì Bộ mới có những đề xuất điều chỉnh. Việc xác định ưu tiên khu vực 1 (mức ưu tiên cao nhất) trong quy chế tuyển sinh năm nay thay vì chỉ dựa vào nơi học tập và tốt nghiệp THPT như mọi năm thì có thêm hộ khẩu thường trú. Phạm vi thí sinh (TS) được hưởng ưu tiên khu vực này cũng thu hẹp lại khi chỉ dựa vào danh sách xã khó khăn được công bố trong Quyết định 447 của Ủy ban Dân tộc và 539 của Thủ tướng Chính phủ.

Sự thay đổi ngỡ là tích cực, siết chặt các trường hợp ưu tiên khu vực không hợp lý lại phát sinh nhiều rắc rối.

Trước ngày dự thi, nhiều TS và phụ huynh đã hoang mang khi trên giấy báo dự thi không xếp TS vào diện ưu tiên khu vực như quy chế mới đã quy định. Báo chí phản ánh, Bộ mới công bố danh sách các trường THPT thuộc khu vực 1 dựa trên số liệu báo cáo từ các sở GD-ĐT. Thế nhưng tình hình càng trở nên rối ren hơn khi đại diện các trường cho biết danh sách này còn nhiều nhập nhằng và thiếu nhất quán.

Chưa năm nào lại diễn ra tình cảnh trong ngày làm thủ tục dự thi, hàng ngàn TS chen lấn đề nghị chỉnh sửa khu vực ưu tiên. Có nhiều trường hợp, cán bộ tuyển sinh của các trường không biết phải giải quyết thế nào cho đúng. Báo chí lại tiếp tục phản ảnh và đến chiều tối 8.7, Bộ gửi đến các trường công văn đề nghị rà soát, đối chiếu TS được hưởng ưu tiên khu vực 1 theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành và cho phép việc này kết thúc trước khi các trường công bố kết quả thi.

Rõ ràng, trong vấn đề này, không chỉ TS, các trường lúng túng mà chính Bộ GD-ĐT cũng hết sức bối rối, bị động. Không lường hết các tình huống, không tìm cách giải quyết từ gốc, Bộ cứ chạy theo dư luận, ra văn bản điều chỉnh nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết hợp lý. Có ý kiến cho rằng lẽ ra các văn bản liên quan đến vấn đề này phải có từ sớm, trước khi TS đặt bút điền vào phiếu đăng ký dự thi. Đó là chưa kể, phần mềm xử lý hồ sơ đăng ký dự thi hiện nay cũng chưa cập nhật với những thay đổi này. Theo dự báo của những người làm công tác tuyển sinh lâu năm, tình hình sẽ càng phức tạp hơn khi vào giai đoạn xét tuyển.

Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng rối rắm này ở chỗ chính Bộ chưa mạnh mẽ, quyết liệt thay đổi. Trước một chính sách ưu tiên khu vực đã không còn phù hợp, với mong muốn tạo sự công bằng, hợp lý nhưng lãnh đạo Bộ vẫn cứ phải dựa vào những quy định còn nhiều bất  cập. Điều này khiến nhiều người nghi ngại liệu sự thay đổi này có đạt được mục đích ban đầu không hay có khả năng sẽ tăng thêm đối tượng hưởng ưu tiên này?

Đến lúc này, cũng đặt lại vấn đề căn cơ nhất rằng có nên tồn tại chế độ ưu tiên điểm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ? Có nhiều cách để ghi nhận công lao đóng góp với những người có công, ưu đãi cho những TS ở các vùng miền khó khăn mà không nhất thiết phải thông qua việc cộng điểm. 

Chỉ khi nào sự thay đổi không nửa vời, chấp nhận đổi mới thật sự thì mới chấm dứt những rắc rối không đáng có này.

Thùy Ngân

>> Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ giáo viên
>> Lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục
>> Thử nghiệm đề án đổi mới giáo dục từ năm 2014
>> Đổi mới giáo dục theo cách riêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.