Rắc rối khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho học sinh

13/12/2014 10:14 GMT+7

Nhiều bất cập trong quy định hiện hành về khám chữa bệnh, thanh toán viện phí bằng thẻ BHYT đối với học sinh đang gây nên những phiền toái không đáng có, ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của các em.

 
Quy định "xin giấy giới thiệu của nhà trường" chẳng khác nào giấy phép con

Theo phản ánh của chị Minh Nguyệt, nhà ở Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội, con trai chị năm nay 8 tuổi. Trong một lần cháu bị sốt, chị đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vào quầy đóng tiền viện phí thì bị từ chối tiếp nhận thẻ BHYT với lý do không có giấy chứng nhận hay giấy giới thiệu của nhà trường kèm theo. “Tôi rất bất ngờ trước quy định này. Con tôi bị sốt vào thứ 7, gia đình đưa đến viện khám ngay, làm sao đến trường xin giấy giới thiệu hay xác nhận vào ngày nghỉ được? Quy định như vậy chẳng khác nào giấy phép con, gây khó dễ cho bệnh nhân không cần thiết”, chị Nguyệt bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Thanh, nhà ở Q.Thanh Xuân, có con 10 tuổi điều trị bệnh lý về Nội tiết - Chuyển hóa tại Bệnh viện Nhi T.Ư cũng phản ánh, nơi con chị đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Trung tâm (TT) Y tế Q.Thanh Xuân nhưng trung tâm này không có chuyên khoa về nội tiết chuyển hóa của trẻ em. Chị Thanh chuyển BHYT của con từ Trung tâm Y tế lên Bệnh viện Xanh Pôn theo tuyến nhưng bệnh viện cũng không có chuyên khoa này nên chuyển BHYT của con chị sang Bệnh viện Nhi T.Ư. “Theo quy định thông thường, việc chuyển tuyến BHYT điều trị có có thời hạn trong 1 năm, nhưng với bệnh của con tôi, Bệnh viện Nhi T.Ư yêu cầu cứ hai tháng phải chuyển BHYT, khiến mỗi năm tôi phải đi 5-6 lần chuyển BHYT, rất mệt mỏi”, chị Thanh phản ánh.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, hiện chỉ có 33 bệnh trong danh mục BHYT phê duyệt được chấp thuận chuyển BHYT trong 1 năm. Với các bệnh mới được phát hiện, mới có phác đồ điều trị tại bệnh viện nhưng chưa được cập nhật trong danh sách kể trên thì chuyển BHYT chỉ có thời hạn 1 lần khám. “Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội sẽ có các cuộc họp để bổ sung loại bệnh này vào danh sách được chấp thuận chuyển BHYT có giá trị trong 1 năm”, bà Hương thông tin.

Trao đổi với Thanh Niên về những phiền hà trong sử dụng thẻ BHYT cho trẻ em trên 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh như đã nêu, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội VN) cho hay, theo quy định hiện hành, trẻ dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh BHYT cần mang theo giấy khai sinh. Với trẻ trên 6 tuổi, khi khám BHYT cần mang theo cả giấy tờ xác nhận nhân thân của nhà trường, hoặc của phường, xã, thẻ học sinh. Trong trường hợp cấp cứu có thể bổ sung trong vòng 24 giờ. “Tới đây, việc cấp thẻ BHYT sẽ thay đổi, có ảnh cá nhân, mã cá nhân trên thẻ BHYT, sẽ giảm bớt giấy tờ khi đi khám BHYT”, ông Sơn khẳng định.

Nam Sơn

>> Thẻ BHYT sẽ có ảnh cá nhân
>> Trao học bổng và thẻ BHYT cho học sinh khó khăn
>> Trao tặng 100 thẻ BHYT cho học sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.