Rà soát 'đại gia' xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ điều gì?

15/03/2024 13:29 GMT+7

Bộ Tài chính đã làm việc với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có sai phạm trong sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và dự kiến gửi báo cáo tới Thanh tra Chính phủ trong tháng 3.

Không thể giải quyết "một sớm một chiều"

Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu ngày 4.1 đã nêu rõ nhiều sai phạm trong trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG.

Điển hình là có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền hơn 7.927 tỉ đồng.

Rà soát 'đại gia' xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ điều gì?- Ảnh 1.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có thêm đề xuất liên quan tới quản lý xăng dầu

ĐT

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết Cục Quản lý giá đã làm việc với các doanh nghiệp có sai phạm.

Nguyên tắc đầu tiên khi làm việc là cục yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. "Doanh nghiệp nào trích, chi sai, chúng tôi đã làm việc để trích, chi lại, điều chỉnh số liệu cho chuẩn. Một số nội dung trong kết luận liên quan tới việc kết chuyển về tài khoản quỹ không đúng quy định, cục đã trao đổi để các doanh nghiệp rà soát lại", ông Bình nói.

Về cách thức thực hiện cụ thể, theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, các doanh nghiệp trình bày với cục nhiều nội dung như những việc doanh nghiệp thực hiện được ngay, việc đang trong quá trình thực hiện và điểm nào còn vướng mắc.

"Chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan, trừ Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà vì lãnh đạo công ty đã bị khởi tố, bắt giam. Cục đang tổng hợp các nội dung để báo cáo, dự kiến Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ trong tháng 3", lãnh đạo Cục Quản lý giá thông tin thêm.

Trong báo cáo đó, Bộ Tài chính sẽ trao đổi tất cả những vấn đề bộ đã và đang thực hiện. "Chúng tôi cũng sẽ thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận của doanh nghiệp, làm sao cùng giải quyết, thực hiện tốt kết luận. Mọi việc không thể giải quyết một sớm một chiều vì số liệu nhiều. Bộ sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ rà soát chi tiết, cụ thể các nội dung", ông Bình nói.

Rà soát kỹ tiền trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG

Đặc biệt nhấn mạnh nội dung trong kết luận mà các doanh nghiệp còn nhiều ý kiến là tình huống rút ra, rút vào tiền trong Quỹ BOG, ông Bình khẳng định: "Doanh nghiệp có ý kiến thì rà soát để thực hiện cho đúng".

Lãnh đạo Cục Quản lý giá lấy ví dụ Công ty TNHH Hải Linh (Phú Thọ) được Thanh tra Chính phủ kiểm tra từ năm 2017 đến gần hết năm 2022. Hiện nay, Công ty TNHH Hải Linh không nợ quỹ. Tuy nhiên, phần kết luận của Thanh tra Chính phủ là doanh nghiệp có sai phạm trong trích, chi, kết chuyển; có thể tiền đang trong tài khoản nhưng lại rút ra để làm việc khác, đến trước kỳ lại báo cáo doanh nghiệp lại bổ sung vào.

"Qua trao đổi, công ty khẳng định tại thời điểm thanh tra đã thực hiện nghiêm chỉnh. Bộ Tài chính đang phối hợp để trao đổi với Thanh tra Chính phủ rà soát số liệu", ông Bình cho biết, và lý giải: quá trình trích, chi Quỹ BOG, số liệu của Công ty TNHH Hải Linh khớp với sao kê ngân hàng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ phát hiện có thể trước đó doanh nghiệp đã rút ra, đến kỳ báo cáo lại nộp tiền vào.

Trước đây không phong tỏa tài khoản, khi Nghị định số 80 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu ban hành cuối năm 2023 mới đề cập tới vấn đề phong tỏa tài khoản.

Rà soát 'đại gia' xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ điều gì?- Ảnh 2.

Bộ Tài chính sẽ rà soát kỹ tiền trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG

ĐT

Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương.

"Ngân hàng sẽ quản tài khoản, đã có số dư mà không có điều hành của Bộ Công thương thì doanh nghiệp không thể rút ra được. Điều này giúp cho dòng tiền vào tài khoản hiện nay sẽ có minh chứng trong việc nộp và rút", ông Bình nhìn nhận và thông tin: khi đề xuất sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95, Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị, đề xuất về quản lý xăng dầu và được tích hợp vào Nghị định 80. Báo cáo Thanh tra Chính phủ thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có thêm ý kiến.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty TNHH Hải Linh đã kết chuyển số tiền trích lập và chi sử dụng vào tài khoản quỹ bình ổn giá nhưng sau đó chuyển về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để sử dụng với tổng số tiền trên 2.551 tỉ đồng (số liệu cộng dồn của các kỳ). Thanh tra yêu cầu phải đưa số tiền này về Quỹ BOG (không phải ngân sách nhà nước).

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 15.1 cũng như văn bản báo cáo mà doanh nghiệp này gửi Cục Quản lý giá về tình hình thực hiện trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG tính đến tháng 12.2023, công ty đều khẳng định: tại thời điểm tháng 9.2022 khi đoàn thanh tra làm việc tại doanh nghiệp, công ty đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo đúng quy định và không còn nợ Quỹ BOG.

Trong thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ kiến nghị biện pháp xử lý với Bộ Tài chính là thanh tra, kiểm tra việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG của các thương nhân dầu mối kinh doanh xăng dầu; trong đó yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải hoàn trả Quỹ BOG toàn bộ số tiền chưa kết chuyển mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, sử dụng sai mục đích quỹ với số tiền hơn 7.927 tỉ đồng và tiền lãi phát sinh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.