Quyền con người trong thời Lê, Nguyễn

11/07/2023 20:54 GMT+7

Theo nhà sử học Nguyễn Đình Đầu: "Quyền con người vào nhiều thế kỷ trước là vấn đề không ai nói tới. Cho nên, quyển sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long, nghe qua tựa, nhiều người cảm thấy hết sức bất ngờ...".

Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long (NXB Tổng hợp TP.HCM) là tác phẩm của hai luật sư Trương Thị Hòa và Phan Đăng Thanh, giảng viên phụ trách môn Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam ở một số trường đại học tại TP.HCM. 

Quyền con người trong thời Lê, Nguyễn - Ảnh 1.

Sách gồm 5 chương: Chương I và Chương II tìm hiểu về Bộ luật Hồng Đức; Chương III và IV về Bộ luật Gia Long; Chương V - cần công bằng với Bộ luật Gia Long

Thiên Anh

Qua quá trình nghiên cứu, hai tác giả đã tìm thấy được trong Bộ luật Hồng Đức của triều Hậu Lê (1428 - 1789) có nhiều quy định về quyền con người mà ngày nay được gọi là quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội, văn hóa được luật quốc tế hiện đại công nhận. Sau đó, nhà Nguyễn (1802 - 1945) tiếp tục bảo lưu và phát triển các nhân quyền này để cai trị, quản lý đất nước mình.

Quyển sách này cho thấy từ đầu thế kỷ 15, ở nước ta người dân Đại Việt bước đầu đã có quyền bình đẳng giữa nam - nữ, vợ - chồng, thậm chí giữa ni cô và sư tăng. Người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người góa bụa neo đơn, người rủi ro gặp hoạn nạn/thiên tai... đều có quyền được nhà nước và xã hội quan tâm nâng đỡ. Trong một số trường hợp, phụ nữ có quyền từ hôn hoặc xin ly hôn chồng. Dân chúng khiếu kiện nhau hoặc kiện cáo quan lại có quyền được xét xử công bằng. Đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 15, người dân Việt đã có quyền bầu cử xã trưởng phụ trách chính quyền cấp cơ sở.

Quyền con người trong thời Lê, Nguyễn - Ảnh 2.

Quyền được hưởng an sinh xã hội - quyền của người bất hạnh, yếu thế trong xã hội thể hiện trong Bộ luật Hồng Đức

Thiên Anh

Đến đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa truyền thống ấy, nhiều nhân quyền của người Việt được phát triển cao hơn, như dân có quyền bày tỏ ý kiến, đàn bà có thai nếu phạm tội nặng bị giam thì phải có mụ bà vào xem xét, chăm sóc... hay cơ quan Tam pháp ty và trống Đăng Văn được nhà Nguyễn lập ra để giúp dân kêu oan...

Khi giới thiệu quyển sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho rằng, các tác giả đã dành nhiều thời gian sưu tầm tư liệu, có đối chiếu các bộ luật gốc và các ý kiến bình luận khác nhau trong suốt thời gian dài. Kết luận của các tác giả là Bộ luật Hồng Đức - nhà Hậu Lê rất xứng đáng được coi như bộ luật nhân quyền đầu tiên của người Việt, xứng đáng được xếp vào những bộ luật cổ tiêu biểu của thế giới về quyền con người; và Bộ luật Gia Long - nhà Nguyễn kế thừa và phát triển các giá trị nhân quyền của bộ luật nhà Hậu Lê, là di sản văn hóa có tầm vóc toàn cầu mà tiền nhân người Việt đã dày công xây dựng, để lại... 

Bên cạnh đó, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, cũng như các tác giả cuốn sách, cũng mong muốn nhận được sự đóng góp trong tinh thần cầu thị, trao đổi từ các nhà khoa học, giới độc giả... để "cùng nhau làm sáng tỏ thêm các góc cạnh về một vấn đề trọng đại của chúng ta còn bàn cãi lâu nay". Bởi, theo nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, nhiều nhà nghiên cứu trước đó nhận định Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long của nhà Nguyễn) chỉ là công trình sao chép từ Đại Thanh luật lệ của nhà Thanh lúc bấy giờ; nhưng trong quyển sách này, cụ thể ở chương III, IV, V, đã phân tích, dẫn chứng để thấy rằng, Bộ luật Gia Long không những kế thừa giá trị nhân quyền của Bộ luật Hồng Đức mà còn phát triển một số nhân quyền truyền thống ở trình độ cao hơn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.