Quy hoạch cây, con 'chào thua' sản xuất tự phát

04/02/2023 07:33 GMT+7

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ là định hướng chiến lược của cơ quan quản lý, tuy nhiên thực tế nhiều năm nay các phong trào tự phát chạy theo xu hướng lợi nhuận khiến nền nông nghiệp của VN vẫn chưa thoát khỏi vấn nạn "trồng - chặt, chặt - trồng".

"Vỡ" quy hoạch từ trồng trọt…

Câu chuyện "vỡ" quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, trồng cây gì, con gì không phải nóng lên gần đây mà nhiều năm nay đã là một "căn bệnh" khó có thuốc trị.

Trong 5 năm gần đây, cây hồ tiêu chính là một bài học đắt giá về việc chạy theo thị trường phá vỡ quy hoạch. Đỉnh điểm năm 2018, diện tích hồ tiêu ở VN đã tăng lên 152.000 ha trong khi quy hoạch diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha.

Hệ quả là giá hồ tiêu từ trên 200.000 đồng/kg đã tuột dốc không phanh xuống dưới 60.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân lâm cảnh nợ nần, phá sản. Ngành sản xuất hồ tiêu từ đó cũng chưa quay trở lại được thời kỳ hoàng kim dù diện tích lẫn sản lượng đã giảm.

Quy hoạch cây, con “chào thua” sản xuất tự phát  - Ảnh 1.

Rủi ro khi chạy theo phong trào sản xuất thị trường

CÔNG HÂN

Cây mít Thái một thời gian dài cũng được người dân cả nước hồ hởi đua nhau trồng vì giá cao do được thị trường Trung Quốc tiêu thụ. Giá mít Thái đỉnh điểm có khi lên đến 60.000 đồng/kg, mang lại thu nhập lớn cho các hộ nhanh tay sản xuất. Nhưng tới năm 2022, do thị trường Trung Quốc hạn chế thu mua vì dịch Covid-19, giá mít Thái đã rớt xuống đáy 2.000 - 3.000 đồng/kg suốt nhiều tháng liền. Giá bán thấp, chi phí đầu tư chăm sóc tăng cao, nhiều hộ đã bỏ mặc vườn mít hoặc đốn chặt để chuyển sang cây trồng khác. Cũng giống cây hồ tiêu một thời được kỳ vọng nay đã thất sủng. Đa phần diện tích trồng tiêu bị bệnh chết hoặc chủ vườn chủ động đốn hạ để chuyển sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Hiện tại, sầu riêng đang nổi lên như một mặt hàng "hot" khiến diện tích trồng loại cây này tăng nhanh vượt quy hoạch ở một số địa phương như Đắk Lắk, Tiền Giang. Nhiều vùng đất trồng lúa tại ĐBSCL cũng được người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Thậm chí tại Bình Thuận, một vùng đất có khí hậu không thuận lợi cũng đang được nhiều hộ dân tranh thủ trồng sầu riêng dù chưa biết thu hoạch ra sao.

… đến chăn nuôi

Trong chăn nuôi, tình trạng "vỡ" quy hoạch đang xảy ra trên đàn lợn và kéo dài cho đến tận ngày nay.

Theo Hội Chăn nuôi VN, trong những năm qua, chăn nuôi lợn của nước ta có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng thịt, trong đó tổng đàn lợn đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con), giảm xuống 27,4 triệu con vào năm 2017 (do khủng hoảng thừa), tăng trở lại vào năm 2018 (28,1 triệu con), sau đó bị giảm sâu kỷ lục vào năm 2019 do dịch tả lợn châu Phi (chỉ còn 19,6 triệu con). Tổng đàn lợn dần hồi phục trong năm 2020 (22,0 triệu con) và tiếp tục tăng trưởng đạt 28,1 triệu con năm 2021 (sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi của cả nước). Đến cuối năm 2022, tổng đàn lợn cả nước đã tăng trở lại khoảng 28,8 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi cả nước ước đạt khoảng 4,3 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2021.

Theo nhiều báo cáo, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại VN đang giảm xuống nhanh, hiện nay ở mức 2,3 kg/người/năm. Nếu so sánh với sản lượng lợn hơi trên cả nước thì nguồn cung đang dư thừa, chưa tính đến nguồn thịt nhập khẩu. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá bán thấp, người chăn nuôi thua lỗ trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn chưa đến mức lỗ nhưng cũng bị giảm lợi nhuận. Mặc dù vậy, việc chênh lệch cung cầu này có thể chỉ mang tính thời điểm, bởi lẽ so với mức tiêu thụ bình quân ở châu Á thì con số trên vẫn đang rất thấp, nếu dựa vào xu hướng phát triển thu nhập, gia tăng dân số và thúc đẩy xuất khẩu thì vẫn chưa tới mức nguy hiểm, chưa cần phải điều tiết”.

Ông Nguyễn Trí Công (Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai)

Đáng nói, dù đàn heo cả nước đang tăng trưởng mạnh nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm vì nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố khó khăn về kinh tế. Giá heo hơi từ mức 75.000 đồng/kg đã giảm xuống còn 52.500 đồng/kg trong suốt một thời gian dài khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề. Một "điểm nóng" phát triển bất chấp quy hoạch, đó là nghề nuôi chim yến.

Trong suốt một thời gian dài, tình trạng nuôi chim yến gây ồn ào, ô nhiễm khu dân cư đã được nhắc đến, tuy nhiên, chỉ đến khi thị trường Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch, vấn đề quy hoạch mới được vỡ lỡ ra và trở thành vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với những người đầu tư nhà yến.

Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp VN, đánh giá: "Nghề nuôi yến tại VN đang tăng trưởng rất nhanh so với các nước khác. Nếu như năm 2017 cả nước có khoảng 7.000 nhà yến thì đến nay đã có khoảng 30.000 nhà nuôi yến, có những tỉnh tăng 5 lần sau 5 năm".

Đại diện Hiệp hội Yến sào VN cho biết: "Về pháp lý, hiện có khoảng 80% nhà yến chưa hợp pháp, chưa phù hợp quy hoạch của địa phương, do đó nếu làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc thì không thể cấp mã định danh được. Các tiêu chí, chỉ tiêu yêu cầu của tổ yến xuất khẩu cũng khá cao, nhiều nơi không đạt được. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành để tạo điều kiện cho vùng nuôi được hợp thức hóa".

Quy hoạch chỉ mang tính định hướng

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành đề án quy hoạch 14 loại cây ăn quả chủ lực với vùng trồng và sản lượng cụ thể. Tuy nhiên, đại diện Bộ này cho rằng yếu tố thị trường vẫn là quyết định. Người nông dân, thương lái và các doanh nghiệp chính là những nhân tố lựa chọn đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng gì phù hợp theo diễn biến thị trường và năng lực sản xuất của mình.

Trả lời Thanh Niên, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng nhìn nhận: "Lâu nay nông dân vẫn có xu hướng chạy theo các loại cây trồng có giá trị từng thời điểm và thực tế cho thấy việc quy hoạch của cơ quan quản lý chỉ mang tính chất định hướng, từ đó các địa phương sẽ có quy hoạch cụ thể hơn. Tuy nhiên, trong xu thế thị trường tiêu thụ luôn thay đổi, chúng ta cần phải thích ứng hơn với sự linh hoạt trong sản xuất, quan điểm của Bộ NN-PTNT cũng không cứng nhắc áp đặt trong việc quy hoạch mà chỉ khuyến cáo những vùng trồng phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và chủ động nguồn giống. Đơn cử như cây mít Thái, đây là sản phẩm phục vụ cho thị trường Trung Quốc, nếu thị trường này gặp biến động thì giá bán sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân hiện nay không chuyển toàn bộ diện tích để chuyên canh một loại cây nào mà họ sẽ trồng xen nhiều loại khác nhau, ví dụ như mít xen với bưởi, hồ tiêu xen với sầu riêng…Sau một thời gian họ sẽ xác định được loại cây trồng hiệu quả và tập trung gắn bó".

Theo ông Lê Thanh Tùng, thị trường tiêu thụ thay đổi rất nhanh, trong khi đặc thù sản xuất nông nghiệp là theo mùa vụ và cần có thời gian, do đó không ai có thể dự báo chính xác và đưa ra quy hoạch sản lượng cụ thể được, mà chính các doanh nghiệp, thương lái, hợp tác xã, nông dân phải liên kết để điều chỉnh.

Về mặt quản lý, cơ quan nhà nước sẽ định hướng để đảm bảo không có sự biến động quá nhiều hoặc tiêu cực. Ví dụ, hiện nay có nhiều nông dân ở ĐBSCL chuyển từ đất lúa sang trồng sầu riêng, đó là quyền của họ, tùy theo năng lực sản xuất, khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên, phải tính đến yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng có phù hợp hay không?

"Người trồng lúa thu nhập chỉ có 50 triệu đồng/ha/năm, trong khi trồng sầu riêng có thể lên đến 300 triệu đồng/ha/năm. Nếu ai cũng đổ xô đi trồng sầu riêng thì ai sản xuất lúa, ai đảm bảo an ninh lương thực? Vì vậy những nông dân dám chuyển đổi thì cũng nên can đảm gánh chịu rủi ro, như vậy mới công bằng với những nông dân khác", ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.