Trung Quốc xuất khẩu vũ khí thứ 3 thế giới

17/03/2015 05:19 GMT+7

Dù chiếm chỉ 5% thị trường, Trung Quốc đã vượt qua Đức, trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga.

Dù chiếm chỉ 5% thị trường, Trung Quốc đã vượt qua Đức, trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga.
 
Vũ khí Trung Quốc tại một cuộc triển lãm quốc tế - Ảnh: BloombergVũ khí Trung Quốc tại một cuộc triển lãm quốc tế - Ảnh: Bloomberg
Ngày 16.3, tờ The Wall Street Journal dẫn nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) cho hay thị trường vũ khí toàn cầu giai đoạn 2010 - 2014 có giá trị khoảng 300 tỉ USD/năm. Trong đó, Trung Quốc chiếm chỉ 5% thị trường nhưng đã vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ (31%) và Nga (27%). Nghiên cứu còn cho thấy doanh thu từ vũ khí của Trung Quốc tăng 143% trong giai đoạn 2010 - 2014 so với 5 năm trước đó.
Theo SIPRI, Trung Quốc bán vũ khí cho 35 nước. Trong đó Pakistan, Bangladesh và Myanmar là 3 khách hàng chính, chiếm tổng cộng 2/3 lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc. Châu Phi cũng đang là thị trường chủ lực của Bắc Kinh. Các mặt hàng chủ yếu bao gồm xe bọc thép, máy bay huấn luyện, tàu hộ tống, tên lửa chống hạm… Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng nhìn vào danh sách khách hàng có thể thấy thiết bị quân sự do Trung Quốc sản xuất thường được những quốc gia có quan hệ không êm đẹp với phương Tây ưa chuộng. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua khẳng định nước này “cực kỳ cẩn trọng và có trách nhiệm trong việc xuất khẩu vũ khí”, theo Reuters.
Còn nhiều hạn chế
The Wall Street Journal dẫn lời nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI nhận xét thiết bị quân sự của Trung Quốc trong vài năm qua có tiến bộ về chất lượng hơn so với cách đây 10 - 15 năm và giá thấp hơn nhiều so với hàng của phương Tây hoặc Nga. Tuy nhiên, những cải tiến về chất lượng vẫn bị đa số chuyên gia đánh giá là chưa đủ để giúp rũ bỏ tai tiếng lâu nay về “hàng nhái hàng dỏm”. Theo tài liệu Chinese arms production and sales to the third world (tạm dịch: Trung Quốc sản xuất vũ khí và bán cho thế giới thứ ba), do Viện Nghiên cứu RAND (Mỹ) công bố năm 2012, Trung Quốc từ lâu chủ yếu sao chép các sản phẩm do Liên Xô sản xuất trong giai đoạn 1950 - 1970 rồi bán lại cho các nước kém và đang phát triển với giá thấp. Trong số này chủ yếu bao gồm xe tăng, xe bọc thép, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và máy bay chiến đấu. Chẳng hạn, trong thập niên 1970, Trung Quốc chào hàng chiến đấu cơ J-7, vốn được phát triển từ MiG-21, với giá chỉ có 3 triệu USD mỗi chiếc, rẻ bằng 1/5 so với con số 15 triệu USD của F-16 (Mỹ); tất nhiên J-7 kém xa F-16 về mọi mặt.
Ngay cả khí tài dành cho quân đội Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề dở khóc dở cười. Hồi tháng 2, kênh CCTV13 của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc gây xôn xao dư luận trong nước và quốc tế khi phát đoạn phim chiếu cảnh một tàu khu trục thế hệ mới của hải quân nước này bị sóng đánh tung cửa, khiến nước biển tràn vào lênh láng trong lúc tham gia tập trận ở Tây Thái Bình Dương. Trong đoạn phim, có thể thấy cảnh các binh sĩ phải vất vả lấy cột gỗ chèn cửa và dùng xô chậu tát nước khỏi sàn tàu. Sau hơn 2 giờ, cánh cửa mới được hàn lại. Sự cố xảy ra chỉ khoảng một năm sau khi con tàu được đưa vào biên chế.
Mặt khác, theo AP, bất chấp sự phát triển về kinh tế, công nghệ và thủ thuật sao chép hàng nước ngoài, Trung Quốc vẫn chưa thể tự thiết kế, sản xuất những thiết bị quân sự tiên tiến hay các bộ phận phức tạp. Do đó, dù đã giảm đáng kể nhập vũ khí nhưng nước này vẫn là thị trường béo bở cho Nga, chiếm 11% lượng vũ khí xuất khẩu của Moscow, theo SIPRI. Có lẽ do đó mà tổ chức chuyên về thông tin quốc phòng IHS (Mỹ) hồi tuần rồi nhận định: “Tổng chi tiêu ngân sách mua sắm quốc phòng của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tăng rất nhanh”.
Nhập khẩu vũ khí tại châu Á tiếp tục tăng
Trong số 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2010 - 2014 có tới 5 quốc gia thuộc châu Á, gồm: Ấn Độ (15%), Trung Quốc (5%), Pakistan (4%), Hàn Quốc (3%) và Singapore (3%), theo SIPRI. Chuyên gia Siemon Wezeman của SIPRI nhận định quan ngại về môi trường an ninh khu vực khiến nhiều nước châu Á tiếp tục nâng cấp khả năng quân sự, tập trung cho hải quân và có xu hướng nhập khẩu những loại vũ khí lớn.
Cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu, người bị điều tra về tham nhũng, đã qua đời do ung thư bàng quang ngày 15.3, theo Tân Hoa xã sáng qua. Trước đó, giới công tố quân đội Trung Quốc đã hoàn tất cuộc điều tra đối với ông Từ, 71 tuổi, và khẳng định viên tướng này đã lạm dụng chức quyền nghiêm trọng và ăn hối lộ để đề bạt nhiều vị trí trong quân đội. Trước khi chết, ông Từ đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và tước quân hàm cấp tướng. Đến hôm qua, giới công tố thông báo hủy quyết định khởi tố nhằm vào Từ Tài Hậu nhưng vẫn sẽ xử lý những người liên quan cùng số tài sản bất hợp pháp của ông theo đúng pháp luật. Đến nay, ông Từ là quan chức cao cấp nhất của quân đội Trung Quốc bị điều tra trong cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra tại nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.