Những sát thủ trên biển

03/03/2013 03:10 GMT+7

Trong cuộc chạy đua phát triển chiến hạm tàng hình, Mỹ đang sở hữu nhiều “hàng khủng” nên tỏ ra lấn lướt hơn hẳn so với Trung Quốc.

Chẳng biết vô tình hay hữu ý, truyền thông và các chuyên trang quân sự Trung Quốc cuối tháng 2 đưa tin Bắc Kinh có thể triển khai khinh hạm tàng hình lớp 056 đầu tiên xuống biển Đông. Trong khi đó, Mỹ dự định sẽ triển khai chiến hạm cận bờ (LCS) đến đồn trú luân phiên tại Singapore vào tháng 3 này, đáp ứng chiến lược chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương mà Washington theo đuổi. Theo trang mạng của tập đoàn vũ khí General Dynamics, các LCS hiện đại mà Lầu Năm Góc hiện có gồm 2 lớp Independence và Freedom đều được tích hợp khả năng tàng hình. Nếu như thế, chẳng bao lâu nữa, các chiến hạm tàng hình sẽ bắt đầu hiện diện ở vùng biển Đông Nam Á.

 “Quái thú” Zumwalt đang được hoàn thiện (bên trái) và hình ảnh mô phỏng - 1
“Quái thú” Zumwalt đang được hoàn thiện (bên trái) và hình ảnh mô phỏng
- Ảnh: Navy.mil/Defense News

Trong hải chiến hiện đại, nhờ vào sự kết hợp với các hệ thống điều khiển điện tử cũng như radar và sonar tối tân, các loại tên lửa đối hạm lẫn ngư lôi ngày càng trở nên chính xác. Nếu bị đối phương phát hiện trước thì thủy thủ đoàn của chiến hạm nhiều khả năng chẳng còn chọn lựa nào ngoài cách ôm phao cứu sinh. Vì thế, việc chạy đua phát triển những chiến hạm có khả năng tàng hình trước radar trở thành nhu cầu bức thiết đối với các cường quốc.

Từ Sea Shadow đến LCS

Giữa năm 2012, báo The Sacramento Bee đưa tin chiếc tàu tàng hình Sea Shadow (IX-529) vừa được bán với giá 2,5 triệu USD thông qua chương trình đấu giá. Tính đến thời điểm ấy, Sea Shadow vẫn là một dự án đầy bí ẩn của hải quân Mỹ. Xét về mặt kinh tế, đây là thương vụ lỗ nặng của Lầu Năm Góc vì tổng chi phí tiêu tốn cho chiếc tàu này lên đến 50 triệu USD. Được bắt đầu chế tạo hồi năm 1985 và xuất hiện chính thức trước công chúng vào năm 1993, Sea Shadow mang hình thù rất kỳ lạ. Tuy nhiên, thiết kế “quái thú” của nó nhằm đem lại khả năng tàng hình trước các radar và hoạt động cực kỳ yên tĩnh. Ngoài ra, Sea Shadow còn sở hữu các lớp vật liệu và hệ thống điện tử đặc biệt để đáp ứng mục tiêu trên. Với những đặc tính vừa nêu, chiếc tàu này dù không đem lại hiệu quả kinh tế cho Washington nhưng tạo ra không ít nền tảng để Mỹ phát triển chiến hạm tàng hình.

Kể từ khi Sea Shadow ra đời, Mỹ từng bước đẩy mạnh nghiên cứu phát triển chiến hạm tàng hình và đạt thành tựu đáng nể. Hai lớp tàu Independence và Freedom thuộc nhóm LCS là điển hình trong số đó. Theo báo cáo do Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) phát hành hồi năm ngoái, Washington dự định ký hợp đồng trang bị thêm 20 chiếc LCS từ năm 2010 đến 2015. Xa hơn, Lầu Năm Góc có kế hoạch sở hữu tổng cộng hơn 30 chiến hạm loại này. Chúng đáp ứng chiến thuật chống tiếp cận, đặt trọng tâm vào khả năng tác chiến phi đối xứng trước chiến đấu cơ, tàu ngầm hiện đại...  Vì thế, LCS mang thiết kế với các cụm thiết bị được “tháo lắp” linh động dựa vào từng mục tiêu cụ thể như chống ngư lôi, săn ngầm hoặc đối phó chiến hạm nổi. Cả hai lớp Freedom và Independence đều sở hữu pháo 57 mm, tên lửa đối không, mang theo 2 trực thăng chiến đấu đa nhiệm MH-60 Seahawk, trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.

Siêu chiến hạm Zumwalt

Tuy nhiên, LCS chưa đủ trở thành tinh hoa số một về chiến hạm tàng hình mà Mỹ đang phát triển. Lớp tàu khu trục Zumwalt (dự án DDG-1000), có độ choán nước gần 15.000 tấn, mới là chiến hạm tàng hình mang tính chiến lược của Washington trong thời gian tới. Theo báo cáo của CRS, Zumwalt trở thành chiến hạm tốn kém hàng đầu nước Mỹ khi chi phí chế tạo mỗi chiếc lên đến khoảng 3,5 tỉ USD. Nếu tính luôn phần đầu tư nghiên cứu phát triển thì tổng chi phí cho mỗi chiếc loại này lên đến 7 tỉ USD. Đắt đỏ như thế nên Washington giờ tạm rút kế hoạch trang bị chiến hạm lớp Zumwalt xuống còn 3 chiếc chứ không phải hơn 30 như dự định ban đầu.

Tuy nhiên, đắt xắt ra miếng, loại tàu khu trục này được giới chuyên gia xếp vào nhóm hiện đại ngoài sức tưởng tượng. Mang thiết kế góc cạnh độc đáo đáp ứng mục tiêu tàng hình, Zumwalt sở hữu các lớp vật liệu giúp giảm thiểu tối đa khả năng bị phát hiện bởi radar. Nó có thể di chuyển cực êm để thoát khỏi các hệ thống dò tìm sóng âm. Đáng kinh ngạc hơn, Zumwalt còn sở hữu cơ số vũ khí “vô đối” khi được trang bị 80 ống phóng cho phép khai hỏa những loại hỏa tiễn đối không, tên lửa hành trình tấn công mặt đất, ngư lôi… Không những thế, nó còn được trang bị 2 khẩu pháo tầm xa 155 li có tầm bắn tối đa lên đến 190 km, cường độ khai hỏa 10 quả pháo mỗi phút. Loại pháo này được kết hợp cùng hệ thống vệ tinh định vị nên có độ chính xác cao. Hộp đạn tự động nạp của nó chứa đến 600 quả, chưa kể hộp đạn dự trữ chứa 320 quả. Bên cạnh đó, Zumwalt sở hữu thêm 2 khẩu pháo 57 li tầm bắn 17 km. Tất nhiên, “quái thú” này có thể chở theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm để hỗ trợ săn tàu ngầm cùng nhiều nhiệm vụ khác. Như vậy, khi kết hợp cùng khả năng tàng hình, Zumwalt thừa sức tiến hành một cuộc tấn công đánh phá quy mô lớn nhằm vào đất liền khiến đối phương không kịp trở tay. Vì thế, hoàn toàn dễ hiểu khi chiến hạm này được xem là vũ khí để Mỹ đối phó chiến lược chống tiếp cận, phong tỏa mà Trung Quốc đang theo đuổi. Theo trang mạng của hải quân Mỹ, lực lượng này sẽ chính thức tiếp nhận Zumwalt vào năm 2015 để bắt đầu các sứ mệnh.

“Tự sướng” kiểu Trung Quốc

Thế nhưng, giới chức quân sự Trung Quốc lại nhìn Zumwalt bằng “nửa con mắt”. Năm ngoái, tờ The Washington Times dẫn lời chuẩn đô đốc Trương Thiệu Trung, thuộc hải quân Trung Quốc, tự tin phát biểu Bắc Kinh chỉ cần điều động tàu cá mang theo thuốc nổ cũng đủ để phá hủy Zumwalt. Dựa vào phát biểu trên, chẳng biết nhà văn Lỗ Tấn nếu còn sống nên buồn hay vui vì hậu thế của ông tự sướng theo cách mà nhân vật AQ thể hiện. Nhận xét này chẳng hề quá lời khi giới chức quân sự Trung Quốc chẳng bao lâu sau lại hồ hởi ca ngợi khinh hạm lớp 056, loại tàu chiến tàng hình của nước này, là “bước ngoặt”. Tuy nhiên, chiến hạm 056, với độ choán nước khoảng 1.400 tấn, có khả năng tàng hình thế nào thì chưa rõ nhưng trang bị vũ khí chẳng gì ấn tượng. Nó chỉ sở hữu 4 ống phóng tên lửa đối hạm, 1 ống phóng tên lửa đối không, 6 ống phóng ngư lôi, 1 pháo 76 li và 2 súng cỡ nòng 30 li. Ngoài ra, loại 056 có thể mang theo 1 máy bay trực thăng. 

 Khinh hạm lớp 056 của Trung Quốc 1
Khinh hạm lớp 056 của Trung Quốc - Ảnh: Komlomedia

Trong khi đó, chẳng khoa trương như Trung Quốc nhưng Thụy Điển từ năm 2009 đã bắt đầu sở hữu khinh hạm lớp Visby có khả năng tàng hình cực kỳ hiệu quả cùng nhiều vũ khí hiện đại, chính xác.  

Ngô Minh Trí

>> DDG-1000: Siêu chiến hạm tàng hình để khắc chế Trung Quốc
>> Siêu chiến hạm Nhật có thể tuần tra biển Đông
>> Lộ diện thiết kế siêu chiến hạm Anh
>> Chiến hạm Ấn Độ sẽ đi qua biển Đông
>> Sĩ quan trẻ trên chiến hạm Gepard 3.9
>> Anh điều “siêu chiến hạm" đến vùng Vịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.