'New Strait Times': 5 lý do có thể dẫn đến xung đột Mỹ - Trung Quốc

15/01/2014 13:40 GMT+7

(TNO) Tờ New Strait Times (Malaysia) cho rằng có 5 lý do chính có thể dẫn đến một cuộc xung đột Mỹ - Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

(TNO) Tờ New Strait Times (Malaysia) cho rằng có 5 lý do chính có thể dẫn đến một cuộc xung đột Mỹ - Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

>> Những khả năng xung đột Mỹ lo sợ nhất trong năm 2014

Một bài xã luận trên tờ New Strait Times đăng tải ngày 12.1 đã nêu ra 5 lý do chính có thể dẫn đến cuộc chiến Mỹ - Trung.

Một là, kể từ khi Trung Quốc mở cửa thương mại và đầu tư nước ngoài hồi cuối thập niên 1970, nền kinh tế nước này phát triển tăng vọt, vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Chính vì lẽ đó, chi tiêu ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng không ngừng được tăng lên.

Trong giai đoạn 2001 - 2011, ngân sách quốc phòng Trung Quốc mỗi năm tăng trung bình 10,3%, và trong năm 2012, ngân sách này đã vượt qua mức 100 tỉ USD.

Theo New Strait Times, là một cường quốc đang nổi, Trung Quốc sẽ tăng cường nền an ninh của nước này, đồng thời mở rộng ảnh hưởng, kiểm soát, tuyên bố chủ quyền trong các vùng lân cận. Đây là một yếu tố đe dọa vị thế cường quốc của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương cũng là một nguyên nhân dẫn đến căng thẳng leo thang và một cuộc chiến giữa Trung Quốc - Mỹ có thể xảy ra.

“Nhà Trắng không chỉ tăng cường triển khai lực lượng quân sự đến Úc, Hàn Quốc, Philippines và Singapore, mà còn tăng cường thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự với nhiều quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, New Zealand, Indonesia, Malaysia và thậm chí là Myanmar”, bài xã luận nhận định.

Ba là, những cam kết hỗ trợ đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, sẽ giúp những nước này củng cố vị thế “mặc cả” của họ trước Trung Quốc.

Chẳng hạn, Nhật Bản hồi tháng 9.2012 đã tuyên bố quốc hữu hóa một số đảo tại quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, dẫn đến căng thẳng hai nước này ngày càng leo thang. Trong khi đó, ở biển Đông, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc về yêu sách ngang ngược "đường lưỡi bò" ra Tòa án Quốc tế về luật Biển.

Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ phải “bất an” khi vươn lên vị trí cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ vẫn đang ở vị thế thống lĩnh về mặt hiện diện quân sự, cùng các nước đồng minh và đối tác chiến lược Mỹ.

Bốn là, đa số các nước ở châu Á - Thái Bình Dương “dựa dẫm” vào sự bảo vệ của Mỹ về mặt quân sự, nhưng lại “dựa hơi” Trung Quốc về mặt phát triển kinh tế.

Mặc khác, Mỹ chú trọng cán cân quân sự tại Đông Á, còn Trung Quốc lại tập trung vào cán cân lợi ích trong khu vực này. Điều này dẫn đến sự hục hặc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Năm là, Bắc Kinh và Washington không hề thiết lập bất kỳ bộ quy tắc nào để kiềm chế cuộc chạy đua tranh giành quyền lực tại khu vực.

Chẳng hạn, trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã công khai hoặc ngấm ngầm đưa ra những nguyên tắc kiềm chế căng thẳng đôi bên, nhằm tránh rơi vào cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.

Còn Mỹ và Trung Quốc, do không có bộ quy tắc nào, nên mạnh ai nấy xưng hùng xưng bá trong khu vực, “chọc tức” lẫn nhau, theo New Strait Times.

New Strait Times cho rằng những gì mà Mỹ và Trung Quốc nên làm để tránh rơi vào tình trạng chiến tranh là sự hiểu biết lẫn nhau nhằm duy trì an ninh khu vực.

Phúc Duy

>> Trung Quốc 'ngán' lực lượng hải quân Mỹ và Nhật ở châu Á-Thái Bình Dương
>> Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ ở Tây Thái Bình Dương?
>> Mỹ không giảm quân tại châu Á - Thái Bình Dương
>> Mỹ giúp giảm căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương
>> Thủy phi cơ trong chiến lược biển châu Á - Thái Bình Dương
>> Trung Quốc lo ngại chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương
>> Thế trận không quân Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.