Mỹ biểu dương lực lượng tại Úc

26/02/2015 06:17 GMT+7

Giới quan sát cho rằng Lầu Năm Góc mang các chiến đấu cơ hiện đại tới triển lãm hàng không tại Úc nhằm thể hiện cam kết an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Giới quan sát cho rằng Lầu Năm Góc mang các chiến đấu cơ hiện đại tới triển lãm hàng không tại Úc nhằm thể hiện cam kết an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

 Phi đội Úc biểu diễn tại Triển lãm Avalon 2015  - Ảnh: AFP
 Phi đội Úc biểu diễn tại Triển lãm Avalon 2015  - Ảnh: AFP
Ngày 24.2, Triển lãm hàng không quốc tế Úc (Avalon 2015) bắt đầu diễn ra tại sân bay Avalon gần thành phố Melbourne. Trong ngày khai mạc, phi đội biểu diễn của nước chủ nhà có nhiều màn trình diễn khiến người xem phải thót tim như bay qua vùng lửa đỏ rực, khói bốc cuồn cuộn, bay lượn và tiếp liệu giữa không trung. Tham gia Avalon 2015, dự kiến kéo dài tới ngày 1.3, có khoảng 600 công ty đến từ hơn 20 quốc gia, theo tuần báo Defense News.
Phi đội hùng hậu
Tại Avalon 2015, không quân Mỹ đưa tới 2 máy bay ném bom chiến lược tầm xa Boeing B-52H Stratofortress do Công ty Boeing chế tạo, trong đó có 1 chiếc sẽ bay biểu diễn; 2 chiến đấu cơ tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor; 1 máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16 Fighting Falcon; 1 máy bay tiếp liệu Boeing KC-135 Stratotanker và 1 máy bay giám sát không người lái tầm cao Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk, theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly. Hải quân Mỹ cũng dự kiến trình làng máy bay tuần tra săn ngầm Boeing P-8A Poseidon và trực thăng trinh sát không người lái Northrop Grumman MQ-8B Fire Scout.
IHS Jane's Defence Weekly nhận định việc Lầu Năm Góc đưa 7 loại máy bay trên tham gia Triển lãm Avalon 2015 tại Úc cho thấy họ muốn phô diễn các khả năng quân sự trong lúc Washington đang thúc đẩy khả năng phối hợp với các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương cho các trường hợp khẩn cấp và hoạt động nhân đạo. Động thái mới cũng nhằm thể hiện cam kết về an ninh của Mỹ ở khu vực. Hồi năm 2014, Mỹ từng cho máy bay ném bom B-52 bay diễn tập trên bầu trời Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên dâng cao và lần đầu tiên triển khai 6 chiếc F-22 đến tham gia cuộc tập trận chung ở Malaysia. F-22 thường được Mỹ triển khai tới khu vực Đông Bắc Á, trong đó có Nhật và Hàn Quốc, nhưng hiếm khi đến Đông Nam Á, theo The Washington Times.
Cũng nhằm ứng phó tình hình an ninh ngày càng phức tạp ở khu vực, Mỹ đã triển khai 6 chiếc P-8 đến căn cứ không quân Kadena ở tỉnh Okinawa của Nhật hồi tháng 12.2013, không lâu sau khi Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông. Chuyên gia Rick Fisher tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế (Mỹ) cho rằng Washington tăng cường bay do thám gần Trung Quốc là một phần chiến lược ứng phó những hành động gây quan ngại của Bắc Kinh trong các vùng biển tranh chấp. Hồi tháng 8.2014, Lầu Năm Góc loan báo trong lúc P-8 Poseidon đang thực hiện “sứ mệnh tuần tra thông thường”, chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện, lượn lờ phía trên lẫn phía dưới và bám sát P-8, có lúc chỉ cách khoảng 6 m, theo Bloomberg. Khi đó, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes gọi hành động của chiến đấu cơ Trung Quốc là “sự khiêu khích gây quan ngại sâu sắc” và cảnh báo nó có thể cản trở những nỗ lực cải thiện quan hệ quân sự song phương.
Global Hawk ra mắt
Theo một số sĩ quan Úc, trong số máy bay quân sự Mỹ được trưng bày ở Avalon 2015, sự xuất hiện của máy bay giám sát không người lái RQ-4 Global Hawk là phần thú vị nhất. Trung tướng không quân Úc Geoff Brown cho biết máy bay không người lái sẽ đóng vai trò quan trọng trong đội hình chủ lực của không quân nước này, với MQ-4C Triton, phiên bản mới của RQ-4 Global Hawk, sẽ được đưa đến Úc trong vòng 4 - 5 năm tới để vận hành cùng P-8.
Máy bay ném bom Boeing B-52H Stratofortress - Ảnh: USAF
Máy bay ném bom Boeing B-52H Stratofortress - Ảnh: USAF
Theo tờ Defense News, việc xuất hiện tại Avalon 2015 còn đánh dấu lần ra mắt thế giới đầu tiên của RQ-4 Global Hawk, vốn ngày càng được ưa chuộng ở châu Á - Thái Bình Dương. Defense News chỉ ra Hàn Quốc đã đồng ý mua 4 chiếc Global Hawk và Nhật cũng đã chọn mua loại máy bay này cho lực lượng phòng vệ. Nhà quản lý chương trình Global Hawk của Northrop Mick Jaggers chia sẻ rằng có khả năng một số nước ở Thái Bình Dương sẽ cùng tham gia chương trình Global Hawk, tương tự chương trình giám sát liên minh NATO, trong đó 15 quốc gia thành viên chia sẻ chi phí vận hành 5 chiếc Global Hawk Block 40.
Singapore sắp mua F-35
Phát biểu tại Avalon 2015 ngày 24.2, người đứng đầu chương trình F-35 Lightning II Joint Strike Fighter của Lầu Năm Góc, trung tướng Chris Bogdan tiết lộ Singapore sắp sửa đưa ra quyết định về việc mua sắm chiến đấu cơ của Hãng Lockheed Martin.
Trong năm qua, giới chức hai nước đã có nhiều cuộc thảo luận cặn kẽ về việc này và Singapore hiện bắt đầu quá trình đưa ra quyết định. Theo Defense News, chính phủ Singapore chưa xác định họ muốn mua loại biến thể nào của F-35 và đã yêu cầu cung cấp thông tin về cả ba mẫu: cất cánh bình thường (F-35A), cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (F-35B), và loại dùng trên tàu sân bay (F-35C).
S.D
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.