'Mỹ, Ấn có thể liên kết để chống Trung Quốc’

28/01/2015 15:59 GMT+7

(TNO) Chuyến công du Ấn Độ vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama không những thể hiện rõ sự lo ngại của nước chủ nhà đối với Trung Quốc, đồng thời còn cho thấy Mỹ, Ấn có thể bắt tay nhau để đối phó Bắc Kinh khi cần thiết, một nhà phân tích Trung Quốc bình luận.

(TNO) Chuyến công du Ấn Độ vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama không những thể hiện rõ sự lo ngại của nước chủ nhà đối với Trung Quốc, đồng thời còn cho thấy Mỹ, Ấn có thể bắt tay nhau để đối phó Bắc Kinh khi cần thiết, một nhà phân tích Trung Quốc bình luận.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngồi theo dõi lễ duyệt binh Ngày Cộng hòa tại New Dehli hôm 26.1 - Ảnh: Reuters

Việc ông Obama được mời làm khách mời chính trong buổi lễ duyệt binh Ngày Cộng hòa tại Ấn Độ vào hôm 26.1 đã cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia, một số chuyên gia nêu nhận định với tờ South China Morning Post ngày 28.1.

Động thái nói trên còn phát đi một thông điệp rằng New Dehli và Washington có thể bắt tay nhau để đối đầu Bắc Kinh khi cần thiết, tờ báo có trụ sở đặt tại Hồng Kông dẫn lời các chuyên gia phân tích.

“Chuyến đi là một dấu hiệu cho thấy hai nước đang đặt áp lực lên Trung Quốc”, ông Sun Shihai, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay.

“Nó cho thấy quan ngại về Trung Quốc ăn rất sâu trong đầu người Ấn Độ và điều này đã không giảm đi mặc dù Bắc Kinh và New Dehli đã cam kết thắt chặt hợp tác”, học giả này nói.

Không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng cả ông Modi và ông Obama đều nhấn mạnh về “tầm quan trọng của việc duy trì an ninh hàng hải và bảo vệ tự do đường biển” tại biển Đông trong thông cáo chung. Bắc Kinh đã liên tục đưa ra những tuyên bố chủ quyền hung hăng bất chấp luật lệ quốc tế tại vùng biển giàu tài nguyên này.

South China Morning Post bình luận chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và New Dehli đang cố thắt chặt quan hệ và làm dịu căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ ở vùng biên giới giữa hai nước.

Hồi tháng 9, Trung Quốc đã hứa cấp cho Ấn Độ một khoản đầu tư trị giá đến 20 tỉ USD, đồng thời cam kết sẽ duy trì hòa bình ở vùng biên giới.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào trong đàm phán về vùng biên giới tranh chấp ở dãy Himalayas và tình trạng đối đầu giữa biên phòng hai nước vẫn tiếp tục diễn ra.

Ấn Độ còn tỏ ra rất lo ngại trước việc Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư vào cầu cảng tại Sri Lanka và mới đây đã cho tàu ngầm đến thăm nước láng giềng của Ấn Độ.

“Ấn Độ đã rất lo ngại trước khả năng Trung Quốc sẽ duy trì hiện diện trong khu vực trong một thời gian dài. Nước này cần Mỹ hậu thuẫn về an ninh”, ông Sun phân tích.

Trong khi đó, ông Wang Dehua, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Thượng Hải, cho rằng Ấn Độ đang sẵn sàng đón nhận nguồn đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Cả Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng đều nhận thấy việc để phát sinh đối đầu chỉ tạo ra tác động xấu mà thôi”, ông Wang nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.