Kịch bản giả định chiến tranh Đông Bắc Á - Kỳ 1: Ai sẽ tham chiến?

16/08/2013 10:05 GMT+7

(TNO) Đông Bắc Á là nơi mà quyền lợi của 4 cường quốc thế giới: Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản hội tụ và xung đột lẫn nhau, tờ Russia Beyond the Headlines (Nga) nhận định.

(TNO) Trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành trung tâm chính trị và kinh tế thế giới, Đông Bắc Á là nơi mà quyền lợi của 4 cường quốc thế giới: Mỹ, Nga,Trung Quốc và Nhật Bản hội tụ, xung đột lẫn nhau, tờ Russia Beyond the Headlines (Nga) nhận định.

Nếu chiến tranh có nổ ra tại Đông Bắc Á thì cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ diễn ra chủ yếu trên biển, theo tờ báo Nga.

Một hành động quân sự quy mô lớn trên bộ có thể gây ra những tổn thất khổng lồ, nên các chính trị gia sẽ hết sức cân nhắc chiến lược này. Trong khi đó, các tổn thất này sẽ thấp hơn nếu cuộc chiến diễn ra trên biển.

Tại Đông Bắc Á, xung đột tiềm tàng chủ yếu tập trung ở vùng biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và ranh giới của các đặc khu kinh tế.

Các dấu hiệu căng thẳng

Vào năm 2010, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ với quyết định quốc hữu hóa một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư của chính phủ Nhật.

Số lần máy bay và tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp với Nhật sau đó ngày một gia tăng.


Một tàu tuần duyên Trung Quốc được cho là đang tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 7.8 - Ảnh: AFP

Trong khi đó, dư luận tại Nhật Bản cũng đã chuyển sang ủng hộ việc chính phủ cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Chính phủ Nhật mới đây đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2013, lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua, tương ứng với lời hứa trước khi đắc cử của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, đó là tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với “mối đe dọa từ Trung Quốc”, Russia Beyond the Headlines cho hay.

Một số nhà phân tích cho rằng một cuộc chiến tại biển Hoa Đông, vốn là điều gần như không tưởng vài năm trước đây, giờ có thể trở thành hiện thực. 

“Nguyên nhân sâu xa của xung đột tại vùng biển này không phải vì tầm quan trọng chiến lược mang tính quân sự của những quần đảo nhỏ không người ở hay trữ lượng dầu nằm dưới đáy biển”, tờ báo Nga phân tích.

“Cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mang ý nghĩa biểu tượng, trở thành một vấn đề về nguyên tắc giữa một bên là Trung Quốc đang trỗi dậy và đang ngày càng trở nên nặng về chủ nghĩa dân tộc với một bên là Nhật Bản đang cố duy trì vị thế vốn đang ngày càng trở nên suy yếu”, Russia Beyond the Headlines cho hay.

Liệu Mỹ có can thiệp vào cuộc chiến ở biển Hoa Đông?

Mỹ đã hơn một lần tuyên bố rằng trong tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nước này sẽ không đứng về phía phe nào. Tuy nhiên, Mỹ vẫn công nhận quần đảo này thuộc quyền quản lý của Tokyo.

Vì vậy, vùng lãnh thổ này nằm trong hiệp định an ninh mà Mỹ đã ký kết với Nhật Bản.


Tàu chiến USS John S. McCain của Mỹ - Ảnh: Reuters

“Có một điều đáng chú ý là Mỹ không bao giờ khẳng định họ sẵn sàng can thiệp hoặc mang quân chiến đấu cùng với đồng minh Nhật. Washington thừa biết các hiểm họa có thể xảy ra từ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như từ các cam kết đồng minh của mình với Nhật”, Russia Beyond the Headlines nhận định.

Cách giải quyết tranh chấp về chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư của Mỹ đang ngày càng trở nên giống với chính sách “lập lờ chiến lược” mà Mỹ đang tiến hành đối với vấn đề Đài Loan, tờ báo Nga đánh giá.

Russia Beyond the Headlines cũng dẫn một số nhà phân tích uy tín của Mỹ cho rằng nếu Tokyo là phía để khủng hoảng xảy ra, Mỹ có thể sẽ từ chối can thiệp giúp đồng minh châu Á này trong cuộc chiến với Trung Quốc.

Tuy nhiên, mặc cho những nhận định dè dặt nói trên, Mỹ nhiều khả năng sẽ hỗ trợ quân sự cho Nhật Bản trong bối cảnh có xung đột tại biển Hoa Đông, nếu Nhật không thể tự đối phó với cuộc chiến này, tờ báo Nga cho biết.

Và việc hỗ trợ này có thể cũng chỉ diễn ra trong ngắn hay trung hạn, khi mà Mỹ còn giữ sức mạnh quân sự vượt trội so với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Động thái của các nước khác trong khu vực

Những quốc gia Đông Bắc Á khác sẽ làm gì khi Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra xung đột?

Hàn Quốc sẽ lâm vào tình huống khó xử, Russia Beyond the Headlines dự đoán.


Lính Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận hồi tháng 4 - Ảnh: Reuters

Một mặt thì giữa Hàn Quốc và Nhật có tồn tại những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ giống với những bất đồng của Nhật với Trung Quốc. Mặt khác, Seoul lại có quan hệ đồng minh với Mỹ.

Vì vậy, Hàn Quốc có lẽ sẽ chọn giải pháp đứng trung lập, dù nhiều người trong nước sẽ rất muốn thấy Tokyo thua trận, theo tờ báo Nga.

Trong khi đó, dù là đồng minh của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên nhiều khả năng cũng sẽ không tham gia vào cuộc chiến.

Quyền lợi trước mắt của Triều Tiên không liên quan gì đến biển Hoa Đông và Bình Nhưỡng không có tiềm lực quân sự đủ mạnh để gây ảnh hưởng lớn đến kết cục của cuộc chiến.

Đài Loan, giống với Trung Quốc, xem quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc, theo Russia Beyond the Headlines.

Tuy nhiên, khó có khả năng Đài Loan sẽ chiến đấu chống lại những quốc gia đóng vai trò là người đảm bảo cho nền độc lập không chính thức của mình - đó là Mỹ và Nhật Bản, báo Nga bình luận.

Còn việc Đài Loan tham chiến chống lại Trung Quốc cũng là điều không tưởng.

(còn tiếp...)

Hoàng Uy

>> Nguy cơ xung đột trên biển Hoa Đông
>> Nhật chuẩn bị điều tàu ra biển Hoa Đông
>> Mỹ, Nhật lên kế hoạch đối phó tình huống xấu nhất tại biển Hoa Đông
>> Trung Quốc tập trận hải quân ở biển Hoa Đông  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.