Học thuyết hải quân ứng phó NATO của Nga

28/07/2015 07:38 GMT+7

Điện Kremlin vừa công bố học thuyết hải quân mới nhằm đáp trả chiến lược “đông tiến” của NATO, đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện tại Crimea và Bắc cực.

Điện Kremlin vừa công bố học thuyết hải quân mới nhằm đáp trả chiến lược “đông tiến” của NATO, đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện tại Crimea và Bắc cực.

Tàu chiến Nga diễn tập cho lễ kỷ niệm ngày hải quân hôm 26.7	- Ảnh: Sputnik
Tàu chiến Nga diễn tập cho lễ kỷ niệm ngày Hải quân hôm 26.7 - Ảnh: Sputnik
Học thuyết mới được công bố nhân dịp kỷ niệm ngày Hải quân Nga (diễn ra vào chủ nhật cuối cùng của tháng 7 hằng năm, năm nay rơi vào ngày 26.7) và tiếp tục phản ánh quan hệ đang xói mòn giữa Moscow và phương Tây. Trong đó, Nga dùng cụm từ “không thể chấp nhận được” đối với các kế hoạch của NATO nhằm di chuyển những cơ sở hạ tầng quân sự về hướng biên giới phía đông.
Phát biểu tại cuộc họp lãnh đạo hải quân trên tàu Đô đốc Gorshkov ở Baltyisk, Phó thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết nguyên nhân chính thúc đẩy Nga điều chỉnh học thuyết hải quân là “những thay đổi trong tình hình chính trị quốc tế và mục tiêu củng cố vị trí cường quốc hải quân của Nga”, theo website chính thức của Điện Kremlin.
Chú trọng phía tây, Bắc cực
Theo AFP, học thuyết hải quân mới của Nga bao gồm chiến lược trải dài từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương đến Bắc cực và Nam cực. Trong đó, các nhà quan sát đặc biệt chú ý tới mục tiêu của Nga tại Đại Tây Dương vì lãnh thổ nước này không tiếp xúc với vùng biển giáp ranh với các nước phương Tây quanh đại dương này.
Đài RT dẫn lời Phó thủ tướng Rogozin giải thích: “Sự quan tâm của chúng tôi tới Đại Tây Dương là từ chiến lược đông tiến của NATO”. Ngoài ra, học thuyết cũng đặt mục tiêu xây dựng “sự hiện diện hải quân đúng tầm tại không gian Đại Tây Dương”. Tương tự, hải quân Nga quyết tâm “hiện diện thường trực” tại Địa Trung Hải và sẽ nỗ lực phát triển Hạm đội Biển Đen, đóng tại bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga từ Ukraine hồi tháng 3, đồng thời đổ thêm nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Với vị thế địa chiến lược quan trọng, Crimea sẽ mở đường cho sự xuất hiện mạnh mẽ hơn của hạm đội Nga tại Địa Trung Hải lẫn Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, học thuyết mới còn nhấn mạnh phải phát triển Hạm đội Phương Bắc để tăng cường vai trò của Nga tại Bắc cực, khu vực giàu tài nguyên chưa được khai phá và đang là đối tượng tranh chấp giữa nước này với Mỹ lẫn một số nước châu Âu. Trước mắt, Phó thủ tướng Rogozin thông báo Nga đã bắt đầu đóng thêm tàu phá băng hạt nhân hoạt động ở Bắc cực và 3 tàu mới sẽ đi vào hoạt động lần lượt vào các năm 2017, 2019 và 2020. Ông cũng cho rằng 2 mục tiêu nói trên quan hệ mật thiết với nhau vì “Bắc cực mang lại sự tiếp cận dễ dàng và không giới hạn đối với cả Đại Tây Dương lẫn Thái Bình Dương”.
“Những thay đổi trong học thuyết mới cho thấy Nga đặc biệt chú trọng đến tăng cường khả năng hải quân ở Đại Tây Dương và Bắc cực nhằm đối phó NATO”, chuyên gia Alexander Golts nhận định với AFP.
Thân thiện với Trung Quốc
Học thuyết mới cũng đặt một phần trọng tâm vào Thái Bình Dương, khu vực đang chứng kiến nhiều biến chuyển về an ninh. Các mục tiêu dài hạn tại vùng địa lý này bao gồm giảm thiểu các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cung cấp sự ổn định chiến lược trong khu vực; phát triển các lực lượng và căn cứ cho Hạm đội Thái Bình Dương, cũng như các lực lượng và thiết bị cho Cơ quan An ninh liên bang (FSB), đồng thời tăng cường hoạt động biển để vượt qua khó khăn xuất phát từ sự cô lập về kinh tế và hạ tầng của khu vực phía đông so với phần còn lại của Nga.
Đáng chú ý là trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang rơi vào giai đoạn tồi tệ trong khi giữa Nga và Nhật vẫn tồn tại tranh chấp chủ quyền, nước này quyết định tăng cường hơn nữa quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. “Một thành tố quan trọng trong chính sách hải quân quốc gia đối với Thái Bình Dương là phát triển quan hệ thân thiện với Trung Quốc cũng như tiếp tục hợp tác tích cực với các quốc gia khác trong khu vực”, Interfax dẫn học thuyết hải quân viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.