Cuộc đua siêu tên lửa

26/09/2013 10:50 GMT+7

Lầu Năm Góc đang dồn sức nghiên cứu tên lửa hành trình công nghệ mới, nhiều khả năng đối phó chiến lược A2/AD của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc đang dồn sức nghiên cứu tên lửa hành trình công nghệ mới, nhiều khả năng đối phó chiến lược A2/AD của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.


X-51A WaveRider, được mang theo bởi phi cơ, đã bay thử nghiệm thành công ở tốc độ Mach 5 - Ảnh: Boeing

Trong lúc các tàu khu trục Mỹ nằm ngoài khơi Địa Trung Hải sẵn sàng cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào Syria, đặt hàng trăm mục tiêu vào tầm ngắm, Raytheon âm thầm giành được hợp đồng phát triển công nghệ cho dòng tên lửa hành trình mới. Theo tờ Boston Business Journal, Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) đã cấp khoản quỹ đầu tiên cho nhà thầu trụ sở tại Waltham, bang Massachusetts, theo chương trình Vũ khí tấn công tốc độ cao nhằm phục vụ nhu cầu sở hữu các dòng tên lửa hành trình chạy động cơ phản lực tĩnh siêu âm của không quân Mỹ.

Dự án tuyệt mật

Thuật ngữ động cơ phản lực tĩnh siêu âm dùng để chỉ các động cơ được thiết kế để đạt được tốc độ siêu âm bằng cách hút và nén không khí trong buồng đốt. Muốn trang bị công nghệ mới cho tên lửa hành trình không phải là chuyện dễ dàng, cần phải kết hợp nhiều đột phá trong những lĩnh vực khác nhau, từ lực đẩy, vật liệu chịu nhiệt, công nghệ đẩy nén và thậm chí kỹ thuật lắp ráp mới. Tên lửa hành trình Tomahawk cũng là vũ khí do nhà thầu Raytheon sản xuất. Ban đầu, đây là dự án của Tập đoàn General Dynamics và chuyển giao cho Raytheon vào cuối năm 1997, Tomahawk hiện là vũ khí đắc lực của Lầu Năm Góc trên các chiến trường hiện nay. Theo số liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 12.2012, hải quân Mỹ dự định chi 7,1 tỉ USD cho gần 5.000 tên lửa Tomahawk trong chương trình thu mua tên lửa bắt đầu từ năm 2004.

Trong quý 2 năm nay, doanh thu của hệ thống tên lửa Raytheon đạt 1,7 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái cũng nhờ vào đẩy mạnh sản xuất tên lửa hành trình. Trong số này, các đơn đặt hàng từ hải quân Mỹ và các khách hàng nước ngoài chiếm gần 350 triệu USD trong quý 2. Theo giới phân tích, bất cứ chương trình tên lửa hành trình siêu thanh nào cũng tạo lực đẩy mới cho Raytheon, do quân đội Mỹ đang nghiên cứu nhiều sự lựa chọn khác nhau nhằm khai thác khả năng của các hệ thống không người lái, nhằm tung ra những đòn tấn công bất ngờ để hạn chế tối thiểu nguy cơ tổn thất lực lượng.

Trong khi Raytheon ra sức phát tán thông tin về các dự án chủ chốt trong năm nay, bao gồm những hệ thống phòng thủ tên lửa, nhà thầu này lại im hơi lặng tiếng về dự án tên lửa hành trình siêu thanh theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, một điều khá chắc chắn là tên lửa trang bị động cơ phản lực tĩnh siêu âm có khả năng lướt đến mục tiêu nhanh hơn các đời tên lửa hành trình hiện nay, đồng thời mang theo hệ thống điện tử cải tiến giúp nó thoát được tình trạng phá sóng GPS như đời Tomahawk, trong khi tìm đường bằng hệ thống quán tính và công nghệ vẽ bản đồ địa hình. Dự kiến, tên lửa đời mới có khả năng lướt qua quãng đường hơn 480 km chỉ trong 5 phút.

Đối thủ Boeing

Hiện đối thủ của Raytheon là Boeing đã đạt được tốc độ siêu thanh khi bay thử thiết bị như tên lửa mang tên X-51A WaveRider. Hồi đầu năm nay, X-51A WaveRider đã bay được tốc độ Mach 5 (hơn 6.000 km/giờ, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh) trong vòng 5 phút bằng động cơ phản lực tĩnh siêu âm do Rocketdyne chế tạo. Bản thân Boeing cũng từng nhúng tay vào dự án sản xuất Tomahawk sau khi mua McDonnell Douglas vào năm 1997. Trong đợt sáp nhập này, Boeing đồng thời sở hữu luôn Harpoon, tên lửa chống tàu có khả năng bay thấp để tránh bị phát hiện.

Ngoài ra, không quân Mỹ đang chuẩn bị chi 260 triệu USD cho chương trình thiết kế tên lửa hành trình siêu thanh cho đến năm tài khóa 2017. Giai đoạn đầu tiên của chương trình này được dự kiến sẽ kéo dài 16 tháng, và giai đoạn phát triển hoàn chỉnh có thể phải mất hơn 6 năm. “Tốc độ có thể nâng cao khả năng sống sót của các hệ thống không lực và cho phép chúng ta có thời gian tấn công chớp nhoáng các mục tiêu nhạy cảm, thậm chí trong các môi trường chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) dự kiến sẽ phải đối đầu trong thời gian tới”, theo tờ Boston Business Journal dẫn lời David Walker, Phó trợ lý Bộ trưởng không quân Mỹ, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện.

Và thế lực đang triển khai hệ thống A2/AD chính là Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn lực lượng Mỹ tiếp cận ở khoảng cách có thể đe dọa các hệ thống quân sự của nước này tại Thái Bình Dương, theo trang tin Defense News.

Thụy Miên

>> Trung Quốc phát triển "siêu tên lửa
>> Đài Loan nhận máy bay chống tàu ngầm từ Mỹ
>> Máy bay tàu Liêu Ninh bị chê
>> Rắn 'dạo'' máy bay, 370 hành khách mắc kẹt
>> Trung Quốc bị 'tố' thuê tin tặc trộm công nghệ máy bay không người lái Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.