Chuyển động không lực toàn cầu

30/12/2012 03:25 GMT+7

Mới đây, tạp chí Flightglobal phát hành báo cáo World Air Forces 2013 (tạm dịch: Không lực thế giới 2013) để đánh giá sức mạnh không lực các nước.

Đây là một báo cáo toàn diện, được cập nhật mới với chi tiết từng loại máy bay mà hải, lục và không quân các nước đang sở hữu. Đồng thời, tạp chí Flightglobal còn đánh giá những chuyển biến nổi bật liên quan đến không lực của nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tâm điểm châu Á - Thái Bình Dương

Bên cạnh Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực đồn trú lực lượng máy bay quân sự hùng hậu nhất thế giới cả về chiến đấu cơ lẫn máy bay trực thăng chiến đấu cũng như các loại khác. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đang có nhiều máy bay chiến đấu nhất châu Á và bằng một nửa so với Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn số chiến đấu cơ mà Trung Quốc sở hữu hiện nay đều được sản xuất nội địa, bị cho là sao chép từ các sản phẩm của Nga. Vì thế, Bắc Kinh đang rất kỳ vọng sẽ được mua hàng chục chiếc Su-35 do Moscow cung cấp, như truyền thông quốc tế vẫn đưa tin trong suốt thời gian qua, nhưng mọi việc chưa ngã ngũ. Ngoài ra, số máy bay chiến đấu của Bắc Kinh cũng chủ yếu tập trung vào lực lượng không quân. Số lượng chiến đấu cơ mà hải quân Trung Quốc sở hữu vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện tại, nước này đang cấp tập hoàn thiện loại J-15 có thể dùng cho tàu sân bay.

Phân bố không lực ở các khu vực
Phân bố không lực ở các khu vực - Đồ họa: Hoàng Đình 

Trong khi đó, dù không thể so về số lượng với Trung Quốc, nhưng Nhật Bản lại sở hữu đến 63 chiến đấu cơ Mitsubishi F-2 được phát triển từ dòng F-16 thế hệ mới nhất của Mỹ. Ngoài ra, Tokyo cũng nâng cấp hơn 150 chiếc F-15J, vốn được phát triển từ dòng F-15, trong lúc chờ nhận đơn hàng hơn 40 chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35. Mặt khác, Nhật Bản sở hữu một lực lượng trực thăng chiến đấu đông đảo với khoảng 700 chiếc, đây là một phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc đổ bộ tấn công đảo và tác chiến linh hoạt. Bên cạnh đó, Tokyo còn đầu tư khá kỹ lưỡng ở góc độ cảnh báo sớm, do thám từ xa nên trang bị đến 164 máy bay mang nhiệm vụ đặc biệt, nhiều gấp ba lần số lượng cùng loại mà Bắc Kinh đang có.

Cũng tại khu vực châu Á, không quân Ấn Độ được đánh giá rất cao khi đang sở hữu đến 120 chiếc Su-30 hiện đại. Đó là chưa kể đến việc New Delhi đang hợp tác cùng Moscow trong dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 T-50. Dự kiến, Ấn Độ sẽ trang bị đến gần 150 chiếc loại này. Bên cạnh đó, giống như Tokyo, New Delhi đầu tư khá kỹ lưỡng phần máy bay do thám, cảnh báo sớm khi sở hữu đến 61 chiếc mang sứ mệnh đặc biệt, nhiều hơn so với Bắc Kinh đang có. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tập trung mạnh vào khả năng không vận thông qua 238 máy bay vận tải và tiếp nhiên liệu. Đây được xem như một sự đảm bảo trong bối cảnh quan hệ nước này và Trung Quốc vẫn bất ổn vì tranh chấp lãnh thổ ở khu vực giáp giới trên bộ dài đến hàng ngàn cây số. Năm 2012, New Delhi liên tục đưa ra nhiều kế hoạch tăng cường mạnh mẽ lực lượng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vận chuyển ở gần khu vực tranh chấp với Bắc Kinh.

Chạy đua chiến đấu cơ thế hệ 5

Báo cáo của tạp chí Flightglobal cũng đưa ra những nhận định về công nghệ chế tạo chiến đấu cơ. Theo đó, Trung Quốc và Nga đang tích cực phát triển chiến đấu cơ hiện đại cho tương lai. Năm 2012, Moscow tiếp tục tiến hành các bước thử nghiệm loại T-50 và Bắc Kinh liên tục thử nghiệm 2 loại chiến đấu cơ được cho là mang tên
J-20 và J-31 thuộc thế hệ thứ 5. Flightglobal cũng ghi nhận việc Trung Quốc nỗ lực phát triển J-15. Tuy nhiên, theo báo cáo trên, bên cạnh dòng F-35 thì một số loại chiến đấu cơ của phương Tây như F/A - 18 E/F Super Hornet, Dassault Rafale, Eurofighter Typhoon và Saab Gripen E vẫn vượt trội về công nghệ so với J-20 lẫn J-31.

Trong khi đó, Washington đạt được bước tiến mạnh mẽ với dòng F-35 khi cán mốc 5.000 chuyến bay thử nhìn chung là thành công. Nhờ đó, việc bán ra F-35 cũng tiến triển đáng kể khi nhiều nước ký kết và tiếp nhận dòng máy bay này. Thậm chí, vào cuối tháng 11, Reuters dẫn lời giới chức không quân Mỹ quả quyết Lầu Năm Góc vẫn giữ quyết định trang bị 1.763 chiếc F-35 trong thời gian tới. Đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng vừa nhận báo cáo mới nhất về chương trình chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22. Theo đó, dù đã đặt mua F-35 nhưng Úc và Nhật vẫn mong muốn sở hữu F-22, vốn bị Mỹ cấm xuất khẩu. Cho nên, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang khó khăn, Washington có thể tính đến việc xuất khẩu F-22 cho một số đồng minh thân cận.

Nếu như vậy, nhiều nước sẽ sở hữu dòng chiến đấu cơ này trong khi Trung Quốc vẫn đang phải hoàn thiện J-20 và J-31.

Số lượng máy bay quân sự của một số  nước

Số lượng máy bay quân sự của một số  nước
* Chú thích:
MBCĐ (máy bay chiến đấu), NVĐB (nhiệm vụ đặc biệt)
VT/TL (vận tải/ tiếp liệu), TTCĐ (trực thăng chiến đấu),
HL/TT (máy bay huấn luyện/ trực thăng)

10 không lực nhiều máy bay nhất

10 không lực nhiều máy bay nhất

Ngô Minh Trí

>> Thực hư chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc
>> Ấn Độ sẽ mua hơn 100 chiến đấu cơ, trực thăng Nga
>> Nhật điều chiến đấu cơ chặn máy bay Trung Quốc
>> Chiến đấu cơ Nhật cất cánh đuổi máy bay Trung Quốc
>> Nga thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình T-50
>> Chiến đấu cơ Trung Quốc rơi xuống nhà dân
>> Cha đẻ chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc qua đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.